"Chăn" tằm, "bậu" ơi!

NGUYỄN TRUNG HIẾU 11/11/2019 15:17

Huyện Duy Xuyên vốn là vùng đất nổi tiếng nghề tàm tang (tàm: tằm, tang: dâu, thường đọc trại là tằm tang), tức là trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thế kỷ 18 từng viết: “nơi đây đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”.

Chăn tằm. Ảnh: Internet
Chăn tằm. Ảnh: Internet

Viết về vùng đất Duy Xuyên, trước khi có sự hiện diện của cư dân Đại Việt, Kỷ yếu hội thảo “Vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm (2.2002)” có đoạn: “Người Chàm xưa trồng dâu để nuôi tằm và trồng bông… Phụ nữ dệt lụa và vải, những vải tàng trữ trong các kho vua xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo”.

Nghề tằm tang không phải nghề độc quyền người Chăm, mà trong những năm của thế kỷ 15 cho đến hôm nay, xứ Đàng Ngoài, từ Quảng Bình trở ra đến Hà Tây, nghề nuôi tằm dệt lụa cũng phát triển. Tuy vậy, cả vùng Quảng Nam, tại sao nghề này chỉ phát triển chung quanh khu vực bãi bồi sông Thu Bồn? Có lẽ những năm vào vùng đất mới, người lưu dân đã chọn vùng đất phù hợp, thuận lợi có sẵn quanh Trà Kiệu khẩn hoang lập ấp. Từ lý lẽ này giải thích vì sao, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tập trung chủ yếu ở làng Đông Yên – Thi Lai, làng Mã Châu, vốn là phên giậu của kinh thành.

Mô tả về nghề tằm tang, tục ngữ ca dao Việt Nam có rất nhiều. Ở Quảng Nam người dân quen với câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm/ chăn tằm ăn cơm đứng”, hoặc: “Hay gì để ruộng mà ngăn, làm ruộng lấy lúa, chăn tằm lấy tơ…”. Ở phía Bắc thì có câu: “Em là con gái Phù Long/ quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn dâu/ dù đi buôn đâu bán đâu/ cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm” (Cồn Vịt, Phù Long ở Nam Định)...

Điều thú vị ở đây, qua ca dao, tục ngữ, phần lớn dân gian thường gọi quá trình nuôi tằm, từ giai đoạn trứng nở đến làm kén là chăn. Trong Tự điển chữ Nôm của Võ Văn Kính, Nguyễn Quang Xỹ chiết tự trong chữ chăn có chữ ngưu là ý. Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), chăn là từ Nôm, có ý nghĩa coi giữ - kẻ chăn: kẻ coi giữ (cho trâu bò ăn). Hầu hết tự điển tiếng Việt đều chú giải từ chăn là coi giữ.

Hai chữ chăn và nuôi được các tự điển phân biệt khá rõ ràng và cách biệt. Trong tiếng Anh cũng có một từ cổ khá thú vị liên quan đến chăn và nuôi. Đó là từ Pastor, được giải thích là người chăn súc vật, đồng thời cũng là mục sư, linh mục (người chăn chiên, người chăn dắt). Trong Kinh Thánh, chăn dắt là chăm sóc (tinh thần lẫn thể xác, dạy dỗ) với yêu thương và thấu hiểu trong quá trình từ khổ đau đến hạnh phúc. Vì vậy có thể hiểu chăn không chỉ là nuôi mà còn bao hàm ý nghĩa yêu thương, có liên quan đến sự vận động, phát triển của vật nuôi.

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa là nghề vất vả bậc nhất, nên có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”. Khi con tằm bắt đầu ăn rỗi (tằm ăn lên), môi trường nuôi phải có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp; phòng nuôi thoáng mát; thức ăn của tằm là lá dâu tươi..., mỗi ngày ăn đến 5 - 6 lần. Rồi chọn giống ghép đôi, úp giống, cho ra đôi ngài “tốt đôi”. Ngày tháo nong, dỡ kén, bóc lớp dây nhợ cũ, ngâm nước áo cho sạch trắng, ủ lên mặt nong, ngày ấy, làng tằm tất bật như trẩy hội...

Dài dòng như vậy để thấy, ca dao, tục ngữ của dân tộc, từ ngữ được chọn lựa tinh tế, hàm chứa chuẩn xác mối quan hệ. Ví dụ trong ca dao Quảng Nam có câu: “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng / thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”, hiện nay nhiều bài viết, sách vở đổi chữ bậu thành chữ bạn làm mất đi ý nghĩa, sự trong sáng và nỗi da diết của câu ca dao. Tự điển Chữ Nôm (Vũ Văn Kính) thì Chữ bậu và chữ bạn đều thuộc chữ Nôm và bản chất có khác nhau. Sách này giải thích bậu gồm hai chữ Hán trùng và sâu ghép lại. Bổ nghĩa cho từ này, Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của) giải thích thêm: “em, mày - chung cùng, ví dụ: qua, bậu (tiếng nói thân thiết) - chồng nói với vợ; từ bạn: có chữ nhân - bạn bè. Như vậy câu ca dao Quảng Nam nói trên phải được hiểu như một lời nhắn nhủ, động viên thân thiết của vợ chồng, bạn hữu (Tìm bậu bậu đã lấy chồng/ bậu thương như thế mặn nồng làm sao)…  chứ không phải thô vụng hóa là bạn bè sơ giao, chung chung. 

Vì lẽ này, nhận định về ca dao, tục ngữ trong dòng văn học dân gian, trong sách Việt Nam Văn học sử yếu, Giáo sư Dương Quảng Hàm gọi nó là những bài hát ngắn do một người có cảm xúc, ứng khẩu làm ra; hay nhiều học giả khác gọi ca dao, tục ngữ là “những viên ngọc quý”. Trong hai từ chăn và bậu được đề cập trong bài viết này, ý là vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chăn" tằm, "bậu" ơi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO