Có nên đưa Gatsby vào bài văn để làm rõ tư tưởng đất nước của nhân dân?

HUỲNH THU HẬU 29/08/2020 14:39

(QNO) - Khi nghe em học sinh đạt điểm 10 môn Văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1) chia sẻ trên một tờ báo về việc đưa nhân vật Gatsby vào bài viết để minh chứng cho tư tưởng đất nước của nhân dân, là người giảng dạy văn chương, tôi cũng muốn trao đổi đôi điều về vấn đề này.

Nếu thầy cô đã đọc tác phẩm Đại gia Gatsby thì sẽ thấy việc dẫn chứng liên hệ như trên là không chính xác. Vậy điều đầu tiên là phải có sự am hiểu tác phẩm cũng như nhân vật.

Nói đến văn học Mỹ thế kỷ XX là nói đến những cách tân đổi mới trong tiểu thuyết và truyện ngắn. Một trong những tấm gương tiêu biểu cho phong trào này đó chính là S.Fitzgerald. Tác phẩm thể hiện sâu sắc nhất tinh thần cách tân của người tiên phong của thời đại nhạc Jazz, nhà văn của thế hệ lạc lõng, đó chính là cuốn The Great Gatsby (Đại gia Gatsby).

Sự cách tân là một yêu cầu mang tính bức thiết của văn học. Suy cho cùng, chủ đề và đề tài trong văn học từ xưa đến nay là không mới. Văn học nói đến tình yêu, đến chiến tranh, đến thân phận con người, đến những bi kịch của con người trong hôn nhân, trong tư tưởng… Cho nên quan trọng là cách kể những chủ đề đó như thế nào. Ý thức được điều này, nhà văn của thế hệ nhạc Jazz đã dụng công cho việc tìm một hình thức thật mới để kể lại câu chuyện về cuộc đời của Gatsby - một chàng trai Mỹ rất giàu có. Đó là một cuộc đời đầy huyền thoại, đầy bi kịch.

Nhân vật Gatsby được S.Fitzgerald xây dựng qua nghệ thuật lời đồn. Rất nhiều lời đồn của các nhân vật về con người này.  Anh ta có thể từng là một tay buôn vũ khí, một gián điệp Đức thời chiến tranh, cũng có thể là một kẻ giết người: “Có người bảo em, ông ấy đã từng giết người, em cho là không đến nỗi ấy, Lucille có vẻ nghi ngờ, có thể ông ấy là gián điệp Đức hồi chiến tranh thì đúng hơn”. Một ông Mumble gật đầu khẳng định: “Tôi nghe chuyện ấy từ một người biết tường tận về ông ta, cùng lớn lên ở Đức với ông ta, ông này nói như đinh đóng cột, ồ không cô gái đầu tiên nói, không thể thế được, vì hồi chiến tranh ông ấy ở trong quân đội Mỹ mà. Thảo nào mà vẫn có lời đồn lãng mạn về ông rằng ngay cả những kẻ đã chán chẳng buồn thì thào gì mấy nữa về cõi thế gian này cũng vẫn phải thì thào về ông ta. Ông ta là một tay buôn lậu, đám kiều nữ kháo nhau trong lúc lượn lờ giữa những bàn rượu cốc tai và các luống hoa của ông. Trước đây, ông ấy đã giết một người phát hiện ra mình là con cháu của Von Hindenburg và là anh em thúc bá với quỷ sứ”. Tất nhiên anh ta là một người có ý chí và kỷ luật để vượt qua hoàn cảnh nghèo khó khi chúng ta đọc nhật ký lúc còn bé của Gatsby.

Là một đại gia phóng khoáng, tổ chức những buổi tiệc xa hoa nhất thành phố để chiêu đãi tất cả mọi người kể cả người không quen biết, và rồi chết trong cô đơn cùng cực. Đám tang lặng lẽ, u buồn, không một ai đến viếng ngoài cha của anh và một người hàng xóm. Ngoài thông điệp con người vượt lên trên hoàn cảnh, còn có thông điệp phê phán bản chất của thế giới thượng lưu sống xa hoa không có chút tình người, phê phán chủ nghĩa thực dụng kiểu Mỹ. Họ chỉ tung hê và ở bên anh khi anh mang lại lợi ích cho họ, còn không có ai thương xót đưa tiễn anh một đoạn đường.

Chính những lời đồn này tạo nên tính đa thanh cho tác phẩm, tính huyền thoại cho nhân vật. S.Fitzgerald hiểu rất rõ muốn đánh giá một con người một cách biện chứng thì phải xem xét rất nhiều ý kiến khác nhau từ những người khác nhau trong chằng chịt các mối quan hệ xã hội.

Mỗi một lời đồn là một lần Gatsby được vẽ nên một chân dung, để cuối cùng có một chân dung đa diện về anh. Thông qua đó tiếng nói của tác giả trở nên khách quan hơn. Tác giả và người kể chuyện Nick không còn là người toàn tri biết hết tất cả, không còn là chúa ở trên cao để sắp đặt mọi chuyện nữa. Tác giả và người kể chuyện Nick cũng như người đọc hoàn toàn mù mờ về lai lịch và con người thật của Gatsby. Tấm màn bí mật về nhân vật càng ngày càng được hé lộ ra, bóc tách ra. Giọng của nhà văn, của người kể chuyện, của các nhân vật khác nhau đánh giá về Gatsby đặt ngang hàng với giọng của nhân vật này.

Người khác nói về Gatsby không đúng, và bản thân Gatsby khi nói về mình cũng nói dối. Vì sao thế? Sự không chân thật của Gatsby chứng tỏ một điều tàn nhẫn về bản chất xã hội thượng lưu Mỹ đương thời, đó là một xã hội giả dối. Gatsby muốn ngoi lên xã hội thượng lưu, anh ta đã làm mọi cách để đạt được mục đích. Nước Mỹ không phải là một thiên đường như trong mơ ước. Xã hội Mỹ cũng có những điều xấu xa như sự lạnh lùng, vô cảm, tính thực dụng đến tàn nhẫn của đám đông vô tâm trong tác phẩm.

Bi kịch của Gatsby là bi kịch của một người không có được người mình yêu, trong mối tình với Daisy, bi kịch của một con người cô đơn. Tác phẩm đặt ra vấn đề con người trong thời đại lạc lõng.

Từ đó, sẽ rất khiên cưỡng và không phù hợp khi đưa nhân vật này vào làm rõ tư tưởng đất nước của nhân dân. Tư tưởng đất nước của nhân dân có thể được xác tín qua những tác phẩm khác như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tonxtoi.

Văn học đòi hỏi sự sáng tạo. Dạy học văn, hơn lúc nào hết cũng cần sáng tạo. Chúng ta trân trọng và khuyến khích các bài văn mới lạ, độc đáo, sáng tạo. Nhưng phải là sự sáng tạo hợp lý. Chính vì thế, thiết nghĩ, kiến văn uyên bác và sâu sắc của người giáo viên là rất quan trọng. Điều đó sẽ giúp cho việc giảng dạy hấp dẫn, thú vị và thẩm định các bài văn sẽ chính xác hơn.

Có một thực trạng là giáo viên dạy văn không dành nhiều thời gian cho việc đọc thêm nhiều tác phẩm ngoài chương trình. Họ không theo kịp với sự phát triển và vận động của đời sống văn học hôm nay. Đó sẽ là những thách thức cho việc dạy học văn ở nhà trường phổ thông. Chúng ta nên có nhiều buổi trao đổi, tọa đàm, giới thiệu sách trong nhà trường ngoài những tác phẩm được giảng dạy trong chương trình. Giáo viên là người thắp lửa cho học trò qua những tác phẩm hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có nên đưa Gatsby vào bài văn để làm rõ tư tưởng đất nước của nhân dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO