Cuốn sách kỳ lạ về một người Quảng đặc biệt

HIỀN HÒA 16/08/2020 09:25

Cuốn “Hồi ký Nhất Linh, cha tôi” (NXB Phụ nữ Việt Nam và Phanbook, 2020) của Nguyễn Tường Thiết là một tuyển tập hồi ký kỳ lạ.

Bức tranh “Cảnh phố chợ Đông Dương” (Scène de Marché de rue Indochinois, mực và gouache trên lụa, 51cm x 92cm) của Nhất Linh bất ngờ tái xuất hiện tại Sotheby’s Hong Kong hồi 4.10.2010, bán 596.000 HKD, tương đương 76.801 USD.
Bức tranh “Cảnh phố chợ Đông Dương” (Scène de Marché de rue Indochinois, mực và gouache trên lụa, 51cm x 92cm) của Nhất Linh bất ngờ tái xuất hiện tại Sotheby’s Hong Kong hồi 4.10.2010, bán 596.000 HKD, tương đương 76.801 USD.

Sách không phải là hồi ký viết riêng về Nhất Linh, mà là hồi ký viết cả về những nhân vật chung quanh Nhất Linh. Ngoài lời tựa và lời bạt, sách gồm 13 bài rời, giống như 13 chương độc lập, trong đó chỉ có hai chương “Nhất Linh, cha tôi” và “Niềm vui chết yểu” là tập trung viết về Nhất Linh.

Hành trình 56 năm để hồi hương

Chương 2 “Niềm vui chết yểu” viết ở Sài Gòn năm 1964. Chương 1 “Nhất Linh, cha tôi” viết ở Tacoma năm 1985. Chương 12 “Chị Thoa” viết ở Seattle năm 2006. Nếu tính thời gian từ lúc khởi đầu đến lúc tạm kết là 42 năm, nhưng không thể nói đây là một cuốn sách được viết liên tục trong một thời gian dài như thế. “Tôi không viết trong một khoảng thời gian nhất định, mà là tập hợp của những bài viết đăng trên các tạp chí vào những thời điểm cách xa nhau. Khởi thủy tôi không bao giờ có ý định viết và xuất bản cuốn sách này, cũng như không bao giờ có ý định trở thành một nhà văn” - Nguyễn Tường Thiết cho biết.

Ông kể, vào khoảng tháng 7.1964, tập san Văn học ở Sài Gòn ra số đặc biệt Đệ nhất chu niên ngày mất (7.7.1963) của nhà văn Nhất Linh, có xin ông một bài viết, vì vậy mà bài “Niềm vui chết yểu” ra đời. Ông cũng không ngờ rằng đó là dấu mốc đưa ông đến với chuyện viết lách và xuất bản. Trước năm 1975, Nguyễn Tường Thiết là giáo sư Toán Lý Hóa, đồng thời phụ trách NXB Phượng Giang. Ông kể tiếp, 21 năm sau, vào tháng 7.1985, tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, tập san Văn học nghệ thuật ra số đặc biệt về Nhất Linh, mời đóng góp một bài, ông viết “Nhất Linh, cha tôi”. Khoảng 17 năm sau, tháng 12.2002, ông viết bài “Cây bàng lá đỏ” (nay là chương 3 trong sách) cho tập san Thế kỷ 21, in trong số Xuân Quý Mùi 2003. Đến năm 2006, khi thấy mình đã có khá nhiều bài viết đăng trên Thế kỷ 21, lần đầu tiên Nguyễn Tường Thiết có ý định tập hợp xuất bản thành một cuốn sách, cuốn “Nhất Linh, cha tôi” được NXB Văn mới xuất bản lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 2006. Nếu tính đến lần xuất bản tại Việt Nam, tuyển tập hồi ký này đã có hành trình 56 năm để hồi hương. Lần tái bản ở Việt Nam có nội dung giống hệt cuốn sách đã xuất bản ở Hoa Kỳ 14 năm trước, chỉ khác một chương cuối do tác giả thêm vào, đó là bài “Đỉnh gió hú”.

Đi sâu vào con người phức tạp của Nhất Linh

Bình thường tác giả khi muốn viết hồi ký về cuộc đời một nhân vật nào đó, thì trước hết thu thập tư liệu, rồi phác thảo dự án viết, sau đó liên tục viết cho đến khi hoàn thành, thường là một năm, hoặc vài ba năm, và nhân vật muốn viết phải là chủ điểm xuyên suốt chiều dài của cả cuốn sách. Cuốn “Nhất Linh, cha tôi” - như đã nêu ở trên - đã được hình thành từ một tình thế hoàn toàn khác. Khoảng 10 tuổi thì Nguyễn Tường Thiết mới nhìn thấy rõ mặt cha mình, khi ông từ Hong Kong về Hà Nội thăm vợ con, suốt thập niên 1940 Nhất Linh bôn ba nhiều nước, làm nhiều việc. Với Nguyễn Tường Thiết: “Nhất Linh là một con người phức tạp. Cuộc đời của ông gian truân. Ông lại ít sống với gia đình. Cho nên dưới con mắt tôi ông luôn luôn là con người bí ẩn. Trong hành trình đi tìm Nhất Linh, tôi vẫn thấy còn nhiều bóng tối trong đời ông, nhất là trong những năm 1940, ông sống gần trọn thập niên bên Trung Quốc”.

Tuy nhiên cuốn hồi ký này không có chủ đích đi tìm hành tung và những hoạt động của Nhất Linh trong hai lĩnh vực văn hóa và chính trị. Sách chỉ cố gắng tìm hiểu sâu vào con người phức tạp của Nhất Linh, nói khác đi, tìm hiểu tâm hồn ông, với những bí ẩn, bí mật, cũng như khó tiếp cận nhất. Trong hành trình đi tìm, một trong những điều thú vị là Nguyễn Tường Thiết đã khám phá được một bức tranh mà Nhất Linh vẽ khi còn rất trẻ. Tháng 10.2010, nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s Hong Hong đã đưa lên sàn bức họa ký tên Tam, lấy tên “Cảnh phố chợ Đông Dương”, được Nhất Linh vẽ trong khoảng 1926 - 1929, khi ông mới ngoài 20 tuổi. Nhân khám phá ra bức tranh này, lúc ấy Nguyễn Tường Thiết có viết một bài về con người hội họa của Nhất Linh, cung cấp nhiều thông tin thú vị cho học giới. Dường như con người chính trị ly kỳ và con người văn học đồ sộ đã tạm che mờ con người hội họa Nhất Linh, nhưng thời gian đang dần hé mở. Được biết, tại Hong Kong còn một số tranh của Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh vẽ trên đường hoạt động ở một số nước, việc trở lại thị trường chỉ là sớm hoặc muộn mà thôi.

Sau cuốn “Nhất Linh, cha tôi”, được biết Nguyễn Tường Thiết dự tính in tiếp cuốn sách sách thứ hai là “Căn nhà An Đông của mẹ tôi”, trong này sẽ có bài về con người hội họa Nhất Linh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuốn sách kỳ lạ về một người Quảng đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO