Đi lên từ nền tảng văn hóa

XUÂN HIỀN 04/09/2020 06:07

“Không xã hội nào có thể thăng hoa nếu không có văn hóa. Không sự phát triển nào có thể bền vững nếu không có văn hóa” là những khẳng định của UNESCO về vị thế của văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Với kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, Quảng Nam đủ đầy điều kiện để đảm bảo cho phát triển bền vững trong tương lai, nếu phát huy đúng giá trị, sức mạnh văn hóa.

Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa miền núi cần phải đặt trên thực trạng biến đổi nội tại. Ảnh: T.L
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa miền núi cần phải đặt trên thực trạng biến đổi nội tại. Ảnh: T.L

Dày dặn bản sắc

GS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói, chính những đặc thù về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là quá trình hỗn cư và hợp cư diễn ra đồng thời với quá trình giao thương kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo nên những đặc tính, đồng thời là phẩm chất của con người xứ Quảng.

Hiện tại, theo ông Trương Quốc Bình, Quảng Nam là một trong các địa phương có khối lượng di sản văn hóa phong phú nhất, đa dạng nhất và tiêu biểu nhất. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới, 62 di tích quốc gia và 340 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, ở tiểu vùng văn hóa Quảng Nam, những di sản kiến trúc nghệ thuật Chăm từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV ngưng đọng những ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Ấn Độ đã được bản địa hóa. Bên cạnh những di sản kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Quảng Nam còn có không ít di tích lịch sử điển hình về đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Ngoài ra, sự đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa tại Quảng Nam phải kể đến các giá trị văn hóa phi vật thể, văn nghệ dân gian, làng nghề truyền thống. Rất nhiều địa phương đã xây dựng chương trình mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển. Mỗi vùng miền tùy vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa phương… có những chương trình hành động phù hợp. Và một cuộc “phục hưng” trong lĩnh vực văn hóa tại Quảng Nam nhiều năm gần đây diễn ra rộng khắp. Từ việc tạo ra những môi trường diễn xướng chuyên nghiệp, không chuyên hay dựng nên những sân chơi với hình thức “hội diễn quần chúng”, vực dậy những làng nghề truyền thống.

Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn thích hợp. Ảnh: X.H
Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn thích hợp. Ảnh: X.H

Chính những hoạt động nêu trên làm cho môi trường văn hóa của Quảng Nam thêm phần sôi động. Hãy thử tìm đến một lễ hội ở thượng nguồn Thu Bồn - Lệ Bà tại Nông Sơn. Cùng với tín ngưỡng của người dân, Lệ Bà trở thành một ngày hội làng đúng nghĩa của người dân vùng thượng nguồn. Hay tại Thăng Bình, lễ Rước cộ Chợ Được đã trở thành lễ hội mang tính quy mô, phát xuất từ một lễ tín ngưỡng dân gian. Có người chia sẻ, lễ hội là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính tập thể cao. Bởi vậy hôm nay, chúng ta không có lý do gì để thiếu mặn mà với loại hình văn hóa dân gian này.

Nhiều năm trở lại đây, những câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ dân gian xuất hiện khá nhiều ở các địa phương. Từ Câu lạc bộ Bả trạo Bình Minh (Thăng Bình), Câu lạc bộ Kịch dân ca Tam Phước (Phú Ninh), hô hát bài chòi Tam Thăng (Tam Kỳ), các câu lạc bộ tuồng cổ ở Quế Sơn, Duy Xuyên…, mỗi nơi tùy vào bản sắc vùng miền mà tạo nên những sân chơi riêng. Sân chơi này là chất keo kết dính hiện tại và quá khứ, cũng là cách để tạo nên môi trường văn hóa với chính mỗi thành phần dân cư.

Đầu tư cho văn hóa

Với quan điểm văn hóa là chìa khóa để phát triển bền vững, UNESCO luôn đề cao mối quan hệ bền chặt giữa văn hóa - xã hội, văn hóa - kinh tế… Những “báu vật” văn hóa luôn được trân trọng từ chính những cách nghĩ quyết liệt như vậy. Tại Quảng Nam, rất nhiều dự án của UNESCO đã “cứu” nguy cho các di tích văn hóa cũng như nhiều loại hình văn hóa phi vật thể. Đảm bảo khả năng tồn tại của di sản trong môi trường văn hóa, xã hội và huy động được sự tham gia của cộng đồng chủ nhân di sản chính là mục tiêu UNESCO đưa ra trong quá trình bảo tồn. Riêng với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tại Quảng Nam nhiều hoạt động nhận diện, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình, hình thức thể hiện, cũng như từng bước xác lập môi trường sinh hoạt văn hóa đã nhận được sự đầu tư từ UNESCO.

Nghệ thuật dân gian bài chòi. Ảnh: L.T.K
Nghệ thuật dân gian bài chòi. Ảnh: L.T.K

GS-TS. Trương Quốc Bình cho rằng, tăng cường các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập là điều nên làm. Đầu tiên, theo ông cần đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, đồng thời mở rộng việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua chính sách thuế, nhà nước cần dành sự ưu tiên cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh đã tích cực tài trợ cho các hoạt động bảo tồn” - ông Trương Quốc Bình nói.

Ngoài ra, tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức làm công tác nghiên cứu, quản lý bảo vệ và phát huy di sản, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới cũng là cách để giữ đúng vị thế của văn hóa.

Ở góc độ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số Quảng Nam, TS. Võ Thị Mai Phương (Bảo tàng Dân tộc học) cho rằng, định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam cần phải đặt trên thực trạng biến đổi văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số, các yếu tố tác động đến quá trình biến đổi văn hóa, môi trường, thể chế và chính sách trong phát triển. Theo đó, quan trọng nhất cần tạo được niềm tin và lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý mặc cảm văn hóa, tránh áp đặt trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đối với đồng bào.

“Cần phải biết phát huy những người có uy tín trong việc vận động tuyên truyền đồng bào thực hiện các chính sách và xác định các yếu tố văn hóa cần bảo tồn phù hợp với đời sống mới hiện nay. Thêm nữa, trong thực hiện các phương thức bảo tồn, nhất thiết phải thông qua cơ cấu xã hội của bản làng, có quy trình, có chọn lựa” - bà Mai Phương nói.

Trong một đời sống mới, các giá trị cũ cần được nhận chân để tiến hành chọn lọc, từ đó có những phương thức bảo tồn phù hợp. Chọn giải pháp thỏa hiệp giữa sinh kế địa phương và bảo tồn văn hóa là cách đang được nhiều quốc gia áp dụng. GS. Jo Caust - Trường Đại học Melbourn (Úc) cho rằng, văn hóa đang được nhắc đến như một ngành công nghiệp sáng tạo, sử dụng sức sáng tạo, kỹ năng của con người để tạo ra sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa, đồng thời tạo ra nguồn lợi lớn về kinh tế cho chính những con người đó. Ngay cả những nghệ nhân, họ chính là người lao động miệt mài nhất để giữ những giá trị văn hóa thực sự.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XXI) sẽ trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII khi nhấn mạnh đến vai trò và yêu cầu phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, có nêu: “Tiếp tục có kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, các giá trị tốt đẹp trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, trong các lễ hội văn hóa. Gắn chặt và phát huy ưu thế của văn hóa trong phát triển du lịch; đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ sau”. Điều này hoàn toàn khả thi khi Quảng Nam đã có những bài học kinh nghiệm nhất định từ việc phát triển du lịch ở 2 khu Di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn cùng những giá trị văn hóa đang được khai thác ở nhiều địa phương để phục vụ du lịch.

“Hiện có rất nhiều nền văn hóa đa dạng đang chịu áp lực gia tăng để tồn tại dưới sự bùng nổ của khách du lịch. Du khách có thể đem lại sự phồn thịnh về kinh tế cho một cộng đồng trước đây chỉ đủ để sinh tồn, nhưng chính du khách cũng đồng thời làm phá hủy hay suy thoái những nét độc đáo của văn hóa địa phương” - GS. Jo Caust chia sẻ trong một cuộc hội thảo hồi năm 2019. Hẳn đây cũng là điều cần phải suy ngẫm khi xác định con đường bảo tồn và phát triển văn hóa trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi lên từ nền tảng văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO