Di sản văn hóa, mối quan tâm toàn cầu

LÊ QUÂN 12/09/2019 11:02

Hiệu quả của hoạt động toàn cầu cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc quản lý di sản gắn với hội nhập cần phải được thực hiện như thế nào trong thời buổi đầy thách thức của sự phát triển mau chóng?

Đoàn văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc biểu diễn tại Hội An. Ảnh: L.Q
Đoàn văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc biểu diễn tại Hội An. Ảnh: L.Q

Thời kỳ hội nhập

Trong khuôn khổ hoạt động của các hội thảo quốc tế nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận Hội An và Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới (VHTG), bên lề các hội thảo, nhìn nhận về vấn đề hội nhập - kết nối để ngày càng bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị di sản, được nhiều đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế lưu tâm. Ông Peter Debrine - chuyên gia UNESCO cho biết, đã đến lúc sự phát triển của mỗi quốc gia không còn là câu chuyện của riêng đất nước ấy. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa đều là mối quan tâm chung của toàn thế giới.

Trong khi đó, ở góc độ kinh nghiệm từ quốc gia mình, GS. Hiromichi Tomoda - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa chia sẻ, trong khối mâu thuẫn giữa các nhu cầu: thương mại hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, các nhu cầu này đều xoay quanh giá trị truyền thống và bản sắc địa phương. Ở các nước có lịch sử lâu đời và số lượng di sản lớn như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... đều có những sách lược cụ thể để di sản hội nhập cùng toàn cầu trong sự phát triển chung. Đặc biệt, theo ông Tomoda, khi di sản đang bắt đầu được khai thác để phát triển, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước sẽ giúp ích rất nhiều. Theo đó, kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, quốc gia lâu đời này khai thác rất hiệu quả các giá trị di sản để làm du lịch, nhưng song song đó họ có hệ thống luật chặt chẽ, Luật Bảo tồn đền chùa cổ là một minh chứng.

Trong xu thế chung về hội nhập quốc tế, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã khẳng định những thành tựu cũng như hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn nhiều vấn đề liên quan đến địa phương đó. Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, thành quả của hai di sản tại Quảng Nam trong 20 năm qua cho thấy hiệu quả của việc hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một hành trình mới cùng với bối cảnh mới đang mở ra, đặt ra khá nhiều cơ hội và thách thức, chính vì vậy, quá trình hội nhập cần phải được xem xét nghiêm túc hơn. 

Mối quan tâm toàn cầu

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, để quản lý tốt di sản hội nhập với quốc tế, các di sản phải được tổ chức nghiên cứu khoa học một cách cụ thể, thường xuyên, tìm và xác định được những giá trị đích thực của di sản để có giải pháp hữu hiệu, khoa học. Chính điều này khiến việc quản lý di sản đạt hiệu quả, đúng hướng, giữ được những giá trị riêng có và độc đáo của mỗi một vùng đất. Theo ông Trung, hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học sẽ phục vụ tốt cho hoạt động giáo dục, quảng bá di sản. “Chưa kể, quản lý di sản gắn với hội nhập phải được thể hiện thông qua hợp tác quốc tế về mọi mặt, từ nghiên cứu khoa học như đã nói đến nguồn nhân lực, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, tập huấn, hội thảo, giao lưu. Ngoài ra, việc quản lý di sản không thể thiếu các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng” - ông Nguyễn Chí Trung nói.

Ngoài vấn đề hợp tác để bảo tồn di sản, hội nhập để cùng tìm ra phương kế lưu giữ các giá trị di sản trước thách thức phát triển, việc khai thác di sản thông qua du lịch cũng được quan tâm. Phát triển bền vững được lựa chọn sẽ là xu hướng của các quốc gia trong tương lai. Ông Pieter Debrine - Giám đốc Chương trình Du lịch bền vững, Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cho biết, UNESCO có tổ chức thành viên là chính phủ, chính quyền và hiện nay tổ chức này đang có cơ chế vừa “củ cà rốt vừa cây gậy” để có thể phát triển bền vững. Và việc hướng đến một môi trường di sản không rác thải nhựa cũng là mối quan tâm toàn cầu. “Lợi thế hiện nay chúng ta đang có xu thế toàn cầu về “no plastic”, những câu chuyện về định chế sản xuất. Di sản thế giới khá đặc biệt, với những khách sạn ở nơi có di sản thế giới thì trách nhiệm càng cao. UNESCO và tất cả chúng ta đang muốn bảo vệ di sản. Nghĩa là chúng ta cần có tầm nhìn chung. Ở các điểm di sản, du lịch đang thực sự đe dọa những giá trị nền của di sản. Trường hợp Hội An, du khách đến để trải nghiệm những giá trị của di sản. Vậy cần phải nghĩ đến phát triển bền vững để khẳng định những giá trị và chia sẻ” - ông Pieter Debrine chia sẻ. 

Tại cuộc gặp gỡ những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp trong suốt 20 năm hành trình di sản của Hội An và Mỹ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, thành công của hai vùng đất di sản có sự góp mặt của không ít các chuyên gia quốc tế. Ông Thu khẳng định, trong thời gian tới, hội nhập quốc tế cũng như nỗ lực toàn cầu hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ được Quảng Nam ưu tiên, trong đó, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để các di sản ngày một tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di sản văn hóa, mối quan tâm toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO