Duyên nợ với di sản Quảng Nam

VĨNH LỘC 30/11/2019 10:42

Hơn 25 năm nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa Quảng Nam, KTS. Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) dường như đã gắn đời làm nghề của mình với những thăng trầm di sản, để cùng với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hồi sinh các di sản văn hóa Quảng Nam. Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi cùng ông về câu chuyện di sản Quảng Nam, đặc biệt những tình cảm mà ông dành cho mảnh đất đầy duyên nợ này.

Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

* Ông đến với các di sản văn hóa Quảng Nam như thế nào?

KTS.Đặng Khánh Ngọc: Tôi bắt đầu tham gia những công việc liên quan đến tu bổ di tích ở Quảng Nam từ khoảng năm 1993, khi cùng các kiến trúc sư của Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích (Hà Nội) thực hiện một số bản vẽ tu bổ nhà cổ ở Hội An. Đến tháng 8.1994, tôi chính thức bắt đầu làm việc tại Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích. Đầu năm 1995 thì được GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính cử tham gia chương trình hợp tác với Đại học Nữ Chiêu Hòa – Nhật Bản (Showa Woment University) thực hiện thi công tu bổ ngôi nhà 80 Trần Phú (Hội An). Cũng năm 1995, tôi bắt đầu tham gia khảo sát và thực hiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể đầu tư bảo tồn, tu bổ và khai thác di tích Đô thị cổ Hội An giai đoạn 1997-2005. Sau đó tham gia nhiều dự án và lập thiết kế tu bổ nhiều công trình nhà cổ như nhà số 9, số 33 Nguyễn Thái Học, Tụy Tiên đường, chùa Tín Nghĩa, văn chỉ Minh Hương…

Tại Mỹ Sơn tôi bắt đầu thực hiện chuyến khảo sát chính thức đầu tiên cùng KTS.Kazimierz Kwiaskowski (Kazik) là vào tháng 3.1996. Suốt nhiều năm sau đó tôi đã cùng tham gia tiến hành đo vẽ hiện trạng và xây dựng giải pháp tu bổ tháp E7; tham gia lập dự án Trùng tu cấp thiết nhóm tháp E, F (1997); quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn (giai đoạn 2008-2020); tham gia dự án 3 bên UNESCO – Italia - Việt Nam về “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn: Thuyết minh và đào tạo ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới - Trùng tu nhóm tháp G”, với 3 giai đoạn, kéo dài từ  năm 2003 - 2013.

* Ông nhìn nhận như thế nào về công tác bảo tồn di sản ở Quảng Nam?

KTS.Đặng Khánh Ngọc: Tôi đánh giá cao kết quả công tác bảo tồn di sản mà tỉnh Quảng Nam đã thực hiện trong những năm qua, rõ nét nhất là tại hai di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Nhìn lại khoảng thời gian 20 năm trước, kể từ khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới mới thấy thành quả rất lớn của công tác bảo tồn ở hai khu di sản này. Trong đó, Đô thị cổ Hội An được xem là hình mẫu về bảo tồn di sản đô thị ở Việt Nam hiện nay. Các giá trị đặc sắc về lịch sử, kiến trúc, đô thị hay hình thái học đô thị đều được quan tâm giữ gìn. Hầu hết giá trị tài nguyên di sản đã được bảo tồn hiệu quả và đang phát huy tốt. Có được thành công này, ngay từ đầu tỉnh Quảng Nam đã lựa chọn, xác định chiến lược và giải pháp ứng xử toàn cục và từng phần, phù hợp với di sản đô thị đặc trưng. Cùng với việc bảo tồn, tu bổ các di tích kiến trúc, các di sản phi vật thể như phong tục, lối sống, lễ hội… cũng đã nhận được sự quan tâm và giữ gìn, phát huy tốt, có lẽ là tốt nhất trong các khu di sản đô thị hiện nay.

Với Khu đền tháp Mỹ Sơn, tình trạng bảo tồn chung đã cải thiện rõ rệt. Cảnh quan, tổng thể khu di sản được bảo vệ và phục hồi, điều kiện hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, các di tích cơ bản thoát khỏi tình trạng đổ nát và được đưa về trạng thái ổn định, an toàn hơn. Cũng như Hội An, thành quả bảo tồn di tích Mỹ Sơn là tiền đề để phát triển du lịch di sản, qua đó tái hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản được tốt hơn.

Theo tôi, một thành công không kém quan trọng là Quảng Nam đã triển khai hiệu quả việc huy động và vận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước. Thông qua những dự án hợp tác quốc tế và các nguồn vốn, chương trình quốc gia, đóng góp xã hội hóa… đã giúp việc xây dựng năng lực, nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn di sản.

* Ông có cho rằng Quảng Nam đã đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích?

KTS.Đặng Khánh Ngọc: Thẳng thắn thừa nhận là dù đạt nhiều kết quả tốt nhưng công tác bảo tồn di sản ở Quảng Nam cũng đang gặp nhiều thách thức và nguy cơ, điều này đã được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra gần đây. Trước tiên, chính là việc cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cụ thể, với đô thị cổ Hội An, xu thế khai thác, phát huy giá trị di sản như hiện nay dễ dẫn tới nguy cơ phai nhạt, pha loãng, thậm chí có thể biến mất những tài nguyên di sản. Hiện tượng thay thế và biến động dân cư tại chỗ, quá trình chuyển đổi nội tại để từ một “thị xã” hành chính trở thành “thành phố” du lịch có thể dẫn đến các nguy cơ biến đổi về “chất” của khu di sản.

Với đền tháp Mỹ Sơn, đây là một khu di tích khảo cổ học, nên cần được bảo tồn các giá trị của nguồn tư liệu lịch sử gốc, tránh việc chỉ chú trọng về thẩm mỹ hay kiến trúc, đồng thời cần tránh cả xu hướng công viên hóa. Công tác bảo tồn nơi đây đã được định hướng trong Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn (giai đoạn 2008-2020). Tuy vậy, khối lượng công việc thực hiện theo bản quy hoạch này vẫn còn quá khiêm tốn. Chưa kể, bối cảnh, điều kiện kinh tế xã hội cũng như các yếu tố tác động đến công tác bảo tồn khu di sản đã có nhiều thay đổi nên các nội dung của quy hoạch cũng cần được rà soát, cập nhật và bổ sung để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, vừa bảo đảm các nguyên tắc bảo tồn di sản, vừa đáp ứng được yêu cầu phát huy giá trị di sản trong bối cảnh, điều kiện của thời kỳ mới.

Các di tích đền tháp Chămpa khác như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, đặc biệt là Phật viện Đồng Dương cần có thêm sự đầu tư, hỗ trợ. Trước tiên, tiếp tục nghiên cứu, giải mã các giá trị của từng khu đền tháp, tiếp đến là đặt chúng vào một hệ thống các đền tháp ở Quảng Nam trong các mối liên hệ với Mỹ Sơn, Trà Kiệu và các khu phế tích khác. Xây dựng, hoàn thiện phương pháp và các giải pháp xử lý, trùng tu bảo tồn di tích đền tháp Chămpa ở Quảng Nam hiện nay và thời gian tới.

* Nhìn lại những năm tháng sống và làm việc ở Quảng Nam, cảm xúc trong ông thế nào?

KTS.Đặng Khánh Ngọc: Nếu tính thời gian từ ngày đầu tiên tôi đến Quảng Nam nghiên cứu, tham gia bảo tồn, trùng tu di tích… tới nay đã hơn 25 năm tôi gắn bó với mảnh đất này. Khoảng thời gian rất nhiều kỷ niệm. Tôi thật sự yêu văn hóa và con người Quảng Nam, nhất là các kiến trúc nhà, phố cổ Hội An. Cảm giác được ngắm cảnh yên bình phố cổ mỗi sáng sớm hay sự tĩnh lặng thâm nghiêm của các ngôi tháp cổ Chămpa giữa thung lũng Mỹ Sơn lúc chiều tà luôn gợi trong tôi những cảm xúc khó tả. Hầu như thời gian làm nghề của tôi luôn gắn với Quảng Nam, đặc biệt là Mỹ Sơn. Từ 1994 đến nay, chưa năm nào tôi vắng mặt ở Quảng Nam.

Có những kỷ niệm tôi nhớ mãi, đó là khung cảnh Hội An những năm 90, lúc khách còn rất ít và dịch vụ du lịch khá sơ khai. Hay những bỡ ngỡ và “bất tiện” lúc vào chợ Hội An, khi phía người bán và người mua là tôi không thể nghe, hiểu “đối tác” nói gì. Tôi nhớ lần đầu lên Mỹ Sơn cùng cố KTS.Kazik, lúc đi đò từ Giao Thủy (Đại Lộc) qua bến Kiểm Lâm (Duy Xuyên), người lái đò dứt khoát thu tiền vé bằng với ông “Tây” vì không công nhận tôi là người “ta” mà rõ ràng là người Nhật biết tiếng Việt.

Nhìn lại những năm tháng đã qua với mảnh đất này, nếu có một lời tâm sự thì đó là chặng đường rất nhiều kỷ niệm và tình cảm sâu đậm mà tôi khó thể quên được trong đời mình.   

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên nợ với di sản Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO