Hội thảo khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ: Vai trò của người Việt cũng cần tôn vinh

TƯỜNG MINH 03/01/2020 13:35

Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng phối hợp Tao Đàn Thư Quán tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 28 và 29.12.2019, với sự tham gia của nhiều tổ chức, học giả, nhà nghiên cứu… đến từ nhiều quốc gia.

Tại hội thảo, GS.Nguyễn Đăng Hưng đã đặt câu hỏi với Linh mục, GS.Rolland Jacques (Đại học Saint Paul - Canada) rằng: “Ngay các giáo sĩ qua các bài viết để lại đã không thể phủ nhận cống hiến của người Việt trong việc tạo tác ra chữ Quốc ngữ. Thế thì tại sao các giáo sĩ, ngay cả Francisco de Pina đến Alexandre de Rhodes đều không ghi lại được tên tuổi đầy đủ của các cộng tác viên của mình mà hậu thế chỉ biết đến họ qua các tên thánh?”. Linh mục, GS.Rolland Jacques cho biết ông đã tìm thấy nhiều tài liệu, sách của chính người Việt viết gửi từ Nam Định về Roma bằng chữ Quốc ngữ. Điều này cho thấy người Việt đã cộng tác và có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Việc nhiều người bản địa được nhắc đến một cách mờ nhạt, thậm chí không được ghi tên đầy đủ, theo GS.Rolland Jacques, “đây là một thiếu sót của các giáo sĩ”. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý không đánh giá cao và đúng mức đóng góp của người bản địa.

Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan cho biết, năm 1618, giáo sĩ Pina cùng một thanh niên giáo dân người Việt lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt “Kinh lạy cha” và các kinh căn bản khác trong Kitô giáo. Đây có thể xem là khởi đầu của công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Theo bà Loan, để thực hiện công trình này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông, “còn có sự hỗ trợ của người bản xứ”. Xây dựng được công trình ghi âm tiếng Việt ban đầu, giáo sĩ Pina mở trường dạy tiếng Việt tại Thanh Chiêm cho nhiều giáo sĩ ngoại quốc, trong đó có Alexandre de Rhodes. Và Alexandre de Rhodes cũng tìm đến người bản địa để học cách phát âm tiếng Việt, nhằm hoàn thiện thêm.

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng, hội thảo để tôn vinh chữ Quốc ngữ và những người có công sáng tạo, phát triển hoàn thiện chữ Quốc ngữ; nhìn lại quá trình tiếp nhận, truyền bá và sử dụng chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ qua; đồng thời thảo luận những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ. Sở dĩ chữ Quốc ngữ có lịch sử ra đời hơn 400 năm, nhưng phạm vi hội thảo chỉ tính 100 năm là tính từ thời điểm ngày mùng 4 tháng 11 năm Khải Định thứ 3 (28.12.1918), vua Khải Định ban Dụ số 123 về việc bãi phép khoa cử Hán học, từ năm 1919 chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ ở nước ta.

Đây cuộc hội thảo thứ 6 về chữ Quốc ngữ diễn ra trong năm 2019, sau các cuộc hội thảo/tọa đàm tổ chức ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lisbon (Bồ Đào Nha). Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, đây là hội thảo diễn ra sau cùng, nhưng có số lượng tham luận khoa học vượt trội, có giá trị học thuật và tính thực tiễn cao với các nhóm chủ đề: “Chữ Quốc ngữ: Khai sinh và phát triển”; “Người Việt với quá trình sử dụng và hoàn thiện chữ Quốc ngữ”; “Những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh”...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội thảo khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ: Vai trò của người Việt cũng cần tôn vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO