Kể chuyện nghệ sĩ nổi tiếng thế kỷ XX qua chân dung

THANH PHONG 23/10/2020 11:06

(QNO) - Chân dung những nhân vật nổi tiếng như Bùi Giáng, Phan Khôi, Hàn Mặc Tử, Văn Cao, Trịnh Công Sơn... sẽ được trưng bày tại triển lãm “Vọng” bằng “ngôn ngữ” của họa sĩ Trần Thế Vĩnh.

Họa sỹ Trần Thế Vĩnh bên tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh bên tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC

Lúc 18 giờ ngày 28.10 tới, tại Mai House Saigon Hotel (TP.Hồ Chí Minh) sẽ khai mạc triển lãm “Vọng” và giới thiệu tập sách mỹ thuật cùng tên của họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Triển lãm và tập sách sẽ giới thiệu 51 chân dung nghệ sĩ Việt tên tuổi xuyên suốt thế kỷ XX như Bùi Giáng, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Phan Khôi, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng...

Nói về thuận lợi và khó khăn khi vẽ chân dung 51 nhân vật nổi tiếng chưa từng gặp mặt, họa sĩ Trần Thế Vĩnh chia sẻ: “Tôi vẽ những nhân vật tài danh trong giới văn nghệ thế kỷ trước. Những người chưa từng gặp mặt thì cái khó là tìm kiếm tư liệu về hình ảnh, cái khó nữa là muốn vẽ một bức chân dung thành công thì phải lấy được thần thái nhân vật làm sao cho thật sống động. Để làm được điều này, tôi phải tìm hiểu về cuộc đời họ và nghiên cứu các tác phẩm của họ. Đến khi nào độ cảm vừa chín thì nét bút tự nhiên sẽ nhuần nhuyễn và tạo ra thần thái nhân vật. Điều thuận lợi là tôi có sự yêu mến, ngưỡng vọng những tài năng và cuộc đời văn nghệ sĩ đó nên tôi vẽ trong tâm thái yêu thích và cảm xúc thuần túy tự nhiên nhất”.

Nhà thơ Bùi Giáng (Ảnh: NVCC)
Nhà thơ Bùi Giáng. Ảnh: NVCC

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2010. Hiện là hoạ sĩ tự do, sống và làm việc tại Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nhận xét về các bức chân dung: “Những gì chúng ta nhìn và thấy được từ những chân dung này qua ý thức nghệ thuật không chỉ tái hiện diện mạo nhân vật, mà ngụ ý sự đồng hiện cuộc đời, phẩm cách và tác phẩm của họ như một toàn thể. Mẫu số chung của những chân dung này là họ đều gánh chung một vận mệnh trong cái đêm dài lịch sử, và nếu ghép những gương mặt này lại, ta có được bức chân dung chung cho một thời đại nhiều biến thiên: “rằng lời bạc mệnh cũng là lời chung””.

Bìa tập sách mỹ thuật “Vọng” (Ảnh: NVCC)
Bìa tập sách mỹ thuật “Vọng”. Ảnh: NVCC

Giám tuyển Lý Đợi nhận định, có lẽ Trần Thế Vĩnh đã chia sẻ được quan niệm của Edgar Degas (1834 - 1917): “Sao chép lại những gì ta thấy cũng tốt, nhưng còn tốt hơn nhiều khi vẽ lại những gì giờ ta chỉ còn thấy trong ký ức. Đó là sự biến chuyển mà trí tưởng tượng kết hợp với trí nhớ”. Trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy ở đại học, còn lại Vĩnh chưa gặp bất kỳ ai trong 50 nhân vật, vài người đã qua đời từ rất lâu. Nên ký ức của Vĩnh là những dư âm từ lịch sử, từ sách vở, từ tinh thần văn nghệ, từ sự ngưỡng mộ… được truyền lưu qua năm tháng. Bằng trí nhớ gián tiếp, sự tưởng tượng dạt dào cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Chính điều này làm cho các tranh chân dung - mới nhìn tưởng giống nhau - nhưng lại có được hồn cốt riêng và câu chuyện sâu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện nghệ sĩ nổi tiếng thế kỷ XX qua chân dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO