Khoảng trống về tri thức bản địa

ALĂNG NGƯỚC - XUÂN HIỀN 29/11/2020 06:33

Tri thức bản địa là hệ thống kiến thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển dựa trên kinh nghiệm để thích nghi với môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội. Khả năng đóng góp của tri thức bản địa không chỉ ở sự phát triển bền vững của cộng đồng mà còn thể hiện ở việc ứng phó với các rủi ro thiên tai nếu được phát huy, tận dụng... 

Liên tục những thảm họa lũ quét, sạt lở tại các làng ở miền núi. Gần như họ hoàn toàn bị động, không thể lường trước hay tự dự báo được các rủi ro thảm họa đến với cộng đồng mình. Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, trong quá khứ, cộng đồng người dân tộc thiểu số biểu hiện khả năng chủ động của họ trong việc ứng phó với các hiểm họa tự nhiên, thông qua các tri thức bản địa.

Đồng bào miền núi thường chọn dựng làng ở những nơi phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi cho sinh kế. Ảnh: N.H
Đồng bào miền núi thường chọn dựng làng ở những nơi phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi cho sinh kế. Ảnh: N.H

NGƯỜI VÙNG CAO DỰNG LÀNG

Làng của đồng bào Cơ Tu hay bất kỳ tộc người nào khác sinh sống trên dãy Trường Sơn trước khi được lập nên cũng đều trải qua các bước “xét duyệt” rất kỹ của hội đồng già làng, bằng tất cả kinh nghiệm, tập quán trong việc dựng làng. Đây được xem là yếu tố quan trọng, quyết định, khởi đầu quá trình hình thành làng mới.

Chọn đất

Tập quán di cư khiến người vùng cao quen dần với cuộc sống “du mục” nay đây, mai đó. Sau những lần dừng chân ở điểm phù hợp, ưng ý, hội đồng già làng bắt đầu thực hiện những cuộc trưng cầu ý kiến con dân của mình, trước khi xin phép giàng (thần linh). Bắt đầu việc chọn đất, người vùng cao lần lượt tiến hành các bước lễ nghi quan trọng, trong đó nổi bật là tập tục cúng đất xin ý thần linh.

Như một nét đẹp trong văn hóa khai sinh làng vùng cao, nghi thức cúng đất lập làng luôn được gìn giữ trong từng cộng đồng. Già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) cho biết, bất kể vùng đất nào, khi chọn đất lập làng mới, nhiệm vụ đầu tiên được cộng đồng thực hiện, ngoài xác định vị trí phù hợp còn là nghi thức cúng đất. Bởi từ xa xưa, người vùng cao luôn coi trọng việc cúng đất để xin phép thần linh lập nên những ngôi làng mới.

“Bằng kinh nghiệm của mình, già làng sẽ là người chọn vùng đất, đồng thời tiến hành lễ cúng thần linh để cầu sự bình an. Ngoài yếu tố có địa thế đẹp, rộng rãi và gần nguồn nước, làng mới được chọn phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nương rẫy và có khả năng phòng thủ vững chắc để chống lại kẻ thù, thú dữ” - già Hạnh cho biết thêm.

Làng tái định cư. Ảnh: N.H
Làng tái định cư. Ảnh: N.H

Lịch sử hình thành làng miền núi của Quảng Nam được nhiều nghiên cứu ghi nhận. Một ngôi làng không chỉ là nơi sinh sống của cộng đồng mà còn thể hiện phong tục trong cách ứng xử với thiên nhiên, với cộng đồng và thế giới xung quanh. Cư dân miền núi với du canh du cư là phong tục phổ biển, mỗi lần như vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc chọn đất lập làng. Nhiều dân tộc đến nay vẫn lưu truyền phong tục này. Mỗi tộc người tại Quảng Nam lại có những đặc điểm cấu trúc làng truyền thống khác nhau.

Người Giẻ Triêng dựng làng theo kiểu phòng thủ, với các nhà trong làng được xếp thành hình vòng tròn quanh nhà rông, vật liệu làm nhà chủ yếu bằng cây lá với kỹ thuật lắp ghép chằng buộc rất tinh xảo. Người Co lại sống ở những làng gọi là Plơi dựng lưng chừng núi, ven suối, sông hay thung lũng. Người Cơ Tu chọn dựng làng ở những quả đồi có độ cao tương đối và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Người Ca Dong lại thường chọn những sườn đồi thoáng đãng, có nguồn nước và ở theo làng có nhiều nhà cùng dòng máu. Chung quy, việc chọn đất dựng làng thường được đồng bào chú trọng tới các tiêu chí như làng phải gần nguồn nước, không được lập làng ở nơi quá xa khu vực sản xuất, làng phải ở nơi cao ráo, không có độ dốc quá lớn và nơi lập làng phải được sự đồng ý của thần linh. 

Những người  “ăn rừng”

Vận dụng tất cả vốn liếng được truyền nối, đồng bào dân tộc thiểu số hình thành nên những ngôi làng mới phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán gắn với bảo vệ môi trường rừng tự nhiên. Trong cuốn sách “Văn hóa người Cơ Tu” (NXB Đà Nẵng, 2009), tác giả Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, sau khi chuẩn bị đầy đủ vật tế, già làng tiến hành dựng cây dáo, đốt cây đót để cúng. Cúng xong, nếu mọi việc thuận, người cúng sẽ phát một khoảnh đất “nhận tạm” để dựng nhà, sau đó tổ chức ăn uống qua ngày. Khi đêm về, nếu hội đồng già làng tham gia cúng nằm mơ thấy điều tốt như được món đồ quý, trời nắng đẹp… thì ngày hôm sau tiến hành phát dọn, phân đất cho dân làng.

Ngược lại, nếu nằm mơ thấy báo điềm xấu như bị rầy la, báo điều cấm kỵ, đuối nước... hoặc nhìn vào chân gà thấy biểu hiện điềm không tốt, không thuận; hoặc lúc đang đi gặp phải rắn độc, gãy cán rựa, rìu hay vỡ chén… thì phải bỏ khu đất đó để tìm miền đất khác. Ngoài ra, cách bố trí đất để dựng nhà phải tuân thủ theo truyền thống họ hàng, phù hợp nết tính của từng gia đình. Đồng thời kiến trúc làng được xây dựng theo hình bầu dục hoặc hình tròn, xung quanh dựng nhà sàn của các gia đình, ở giữa là gươl, cửa các nhà dân hướng vào gươl - linh hồn của làng.

Đồng bào miền núi thường chọn dựng làng ở những nơi phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi cho sinh kế. Ảnh: N.H
Đồng bào miền núi thường chọn dựng làng ở những nơi phù hợp với phong tục tập quán và thuận lợi cho sinh kế. Ảnh: N.H

Tri thức bản địa của cộng đồng người thiểu số là một thực tế có tính lịch sử. Trong bối cảnh hoạt động kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào rừng, thì những tri thức bản địa mà các cộng đồng cư dân địa phương tích lũy được, đã góp phần phát triển kinh tế.  Nhà nghiên cứu Ngô Văn Lệ cho rằng, cộng đồng miền núi có cách phân loại rừng để ứng xử riêng đối với từng loại rừng. Rừng già là rừng có nhiều cây to, lâu năm, thường là rừng đầu nguồn, là nơi trú ngụ của các vị thần linh bảo vệ cộng đồng, nên cấm khai thác. Từng cộng đồng, tùy theo truyền thống văn hóa của mình mà có những kiêng cữ riêng. Chính vì lợi ích cộng đồng nên họ đều có ý thức bảo vệ rừng. Ai vi phạm thì căn cứ vào luật tục để xử. Cộng đồng phụ thuộc vào rừng, nên không thể khai thác quá mức khả năng tự phục hồi của rừng. Cộng đồng các dân tộc thiểu số có ý thức rất cao trong việc bảo vệ rừng. Họ gắn bó với đất rừng, là cư dân “ăn rừng”, nhưng họ không triệt phá rừng khi khai thác. Họ chỉ khai thác những loại rừng nhất định và có những quy định cụ thể để không tận diệt rừng.

Một khi rừng bị khai thác quá mức sẽ gây nên những thảm họa khôn lường. Người miền núi không thể một mình mà giữ được rừng. Và thực tế đã cho thấy, việc khai thác rừng không có quy hoạch sẽ dẫn đến tàn phá rừng, hậu quả là những ngôi làng mới được dựng lên từ những cuộc đi của luật tục đã bị càn quét bởi những đợt lũ quét, lũ ống, sạt lở.

KHÔNG GIAN SINH TỒN BỊ TÁI CẤU TRÚC

Những cuộc quy hoạch “sai lệch” với nhu cầu thực tiễn của người dân miền núi khiến không gian sinh tồn của đồng bào đang dần bị “tái thiết” một cách cẩu thả. Vì thế, nhiều ngôi làng vùng cao bây giờ vừa thiếu đi nếp sống cũ, vừa phá vỡ cấu trúc vốn có.

Những ngôi làng dựng men theo sườn núi, sườn đồi. Ảnh: N.H
Những ngôi làng dựng men theo sườn núi, sườn đồi. Ảnh: N.H

Góc phố trên ngàn

Vốn sống cũ bây giờ đã không còn hiện diện nhiều ở bản làng vùng cao. Từ Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang cho đến Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn… không gian làng của đồng bào đều được “hiện đại hóa” một cách rất nhanh. Chưa nói đến hậu tái định cư thủy điện, ở nhiều góc núi, không gian làng đang dần bị phá vỡ về cấu trúc, khiến môi trường sống không còn mang nhiều “hồn núi”. Điều đó, thấy rõ nhất là ở xã vùng cao Trà Linh (Nam Trà My), với hàng loạt khu dân cư được “tái thiết” theo lối hiện đại, từ xa nhìn vào hệt như góc phố giữa rừng.

Hệ lụy đi kèm với cấu trúc làng bị phá vỡ, là hiểm họa khôn lường từ nạn lở đất. Thực tế, những điểm sạt lở đất ở vùng cao thời gian qua ít nhiều cũng có sự tác động của chuyện quy hoạch làng mới. Từng vạt đồi được san ủi, tràn lấp khiến liên kết đất không còn bền vững. Sau nhiều đợt mưa lớn kéo dài, đất từ phía taluy dương và taluy âm bị lở theo dòng chảy, gây ra thảm họa. Như Tây Giang, dù được biết đến là địa phương điển hình trong công tác bố trí, sắp xếp dân cư miền núi, nhưng chỉ sau thời gian đưa dân về sống tại làng mới, địa phương nay đón nhận thêm nỗi lo mới do nạn lở đất.

Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm (Tây Giang) nói, chỉ chưa đầy một năm, có 2 ngôi làng bị sạt lở nặng buộc phải sơ tán người dân khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, làng H’juh là nặng nề nhất, khiến cả làng phải dời đi. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng mặt bằng mới cho H’juh, đảm bảo hơn về cấu trúc không gian truyền thống, nhằm thích ứng với thiên tai mưa lũ” - ông Hồ nói.

Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, chính việc phá vỡ cấu trúc do tác động của các dự án, nhiều không gian làng ở vùng cao dần bị “biến dạng”. Đây cũng là hậu quả trong việc quy hoạch đại trà, không tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng văn hóa bản địa miền núi. Hệ lụy từ việc áp đặt tư duy “miền núi tiến kịp miền xuôi” đã khiến hàng loạt khu dân cư miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, gây hậu họa.

“Đó là điều rõ ràng nhất, đã xảy ra ở miền núi thời gian qua. Nhưng hiểm họa ấy, là rất nhỏ so với văn hóa nhà sàn, nhà làng đã dần thay đổi, thậm chí là bị thay thế bởi kiến trúc nhà trệt, nhà xây theo lối hiện đại khiến không gian làng vùng cao đã mất đi tính truyền thống” - ông Mươk nói. 

Làm mới cấu trúc làng xã

Vốn dĩ việc phá vỡ tính cố kết cộng đồng của đồng bào miền núi đã được cảnh báo từ rất nhiều năm trước bởi các nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học uy tín. Một nhà nghiên cứu dân tộc học chia sẻ: “Tri thức bản địa của đồng bào rất phong phú, nó thể hiện ở bản sắc văn hóa làng, các thiết chế văn hóa xã hội của cộng đồng làng, tạo thành đặc tính cố kết nên quần thể xã hội gắn chặt với nhau. Hạt nhân của làng - đó là kinh nghiệm ứng xử với rừng được con người nâng lên thành tín ngưỡng. Vai trò của già làng được xác định một cách rõ ràng, góp phần giữ vững trật tự xã hội, gắn kết quan hệ cộng đồng. Cũng chính vì thế, nếu phá vỡ tính cố kết cộng đồng thì bản sắc văn hóa có từ bao đời sẽ nguy hại. Ngoài ra, chuyện quy hoạch, di dời dân càng khiến những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao “rơi rụng” dần. Đầu tư cơ sở hạ tầng có nơi phá vỡ không gian sinh hoạt của đồng bào hoặc “di dời” họ xa dần tín ngưỡng, tập tục của mình. Rất nhiều làng đã mất đi cái hồn từ những công cuộc như thế này. Đến vùng núi cao Nam Trà My, nhìn vào thiết kế nhà ở với nền láng xi măng, mái tôn, vách gỗ… cứ tưởng là những khu tái định cư của đồng bào Kinh từ miền xuôi lên lập nghiệp. Làng Rô - một địa danh nổi tiếng của miền núi huyện Nam Giang, nơi từng che giấu nhà thơ Tố Hữu khi vượt ngục Kon Tum trở về - cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng vì không còn như mường tượng ban đầu, mất hẳn nét đặc trưng mà chỉ như khu trài dân dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh”. 

Nhìn nhận từ các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa có một tầm nhìn và sự đầu tư thỏa đáng cho sự phát triển đời sống văn hóa các dân tộc miền núi. Hiện miền núi Quảng Nam tồn tại 2 khu vực, bao gồm khu vực làng truyền thống và khu vực tái định cư, khu vực có kế hoạch sắp xếp dân cư miền núi. Theo TS. Tạ Thị Hoàng Vân, việc “làm mới cấu trúc làng xã” có vẻ như mâu thuẫn với yêu cầu tất yếu của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà làng xã chính là cái nôi. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống không có nghĩa là bắt một hệ thống cũ cùng tồn tại trong hoàn cảnh hiện tại mà nó không thể đáp ứng. Sinh kế của đồng bào tại các huyện miền núi chủ yếu là hoạt động kinh tế nương rẫy lâu dài, đời sống kinh tế khá phụ thuộc vào thiên nhiên. Đó cũng là vấn đề của văn hóa bản địa, của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng núi Quảng Nam, đang dẫn đến nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với câu chuyện biến đổi khí hậu, nhóm người dễ tổn thương nhất vẫn là cộng đồng các dân tộc thiểu số với lối sống chủ yếu dựa vào tự nhiên.

ỨNG DỤNG TRI THỨC BẢN ĐỊA

Các chính sách ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai lẫn những cuộc quy hoạch dựng làng sau này cần đa dạng dựa trên tri thức địa phương... Đây chính là đề xuất của các nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa lẫn chính quyền địa phương các huyện miền núi.

Nhà dân tộc học Mai Thanh Sơn nói: “Tôi phải nhấn mạnh lại là những yếu tố cốt lõi mà những người già, người lớn tuổi, người gắn bó với đồng ruộng, nương rẫy trao truyền lại vẫn có ích chứ không phải không có ích. Ví dụ, nếu có quyền tự do lựa chọn nơi để sinh sống, lập làng, thì các dân tộc thiểu số bao giờ cũng chọn không gian lập làng phải đáp ứng các điều kiện cơ bản cho các phương thức sinh kế, an toàn trước các nguy cơ rủi ro thiên tai và không có tranh chấp”.

Việc sắp xếp lại dân cư là nhu cầu tất yếu của vùng núi cao, tuy vậy, cuộc sống của đồng bào miền núi lại gắn liền với núi rừng sông suối và phong tục tập quán. Kinh nghiệm tái thiết làng ở miền núi Quảng Nam từ nhiều năm nay vẫn thường diễn ra theo kiểu các địa điểm đưa dân từ vùng sạt lở đến tái định cư chỉ được lựa chọn sau khi sự cố xảy ra chứ ít khi được tính toán trước. Hệ thống tri thức bản địa liên quan đến quá trình xây dựng, từ việc khai thác nguyên liệu, đến việc dựng nhà vẫn chưa được sưu tra cụ thể.

“Kiến thức bản địa có một đặc điểm là không thể dùng chung cho cả dân tộc đó. Mỗi một tộc người, một vùng đất thì có một đặc điểm riêng, thổ nhưỡng riêng, địa mạo riêng, thủy văn riêng… Kiến thức của các tộc người, cách ứng phó với tự nhiên phải gắn với vùng đất đấy. Để sắp xếp dân cư phù hợp, các nhà khoa học cần phải rà soát lại toàn bộ quỹ đất, quỹ rừng, điểm cư trú của các cộng đồng. Cả đất nước có khoảng sáu nghìn xã, mỗi xã 5 - 7 làng thôi, trong đó trước mắt phải tập trung rà soát những địa điểm nhiều nguy cơ nhất như các làng bãi ngang ở miền xuôi, làng có chế độ thủy văn phức tạp ở miền núi. Khuyến nghị của giới khoa học là các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như các chương trình phát triển, xóa đói giảm nghèo như Chương trình 135, Nông thôn mới, chương trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách, chương trình dạy nghề khác cần có hỗ trợ cụ thể các sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng sử dụng kiến thức bản địa” - nhà dân tộc Mai Thanh Sơn chia sẻ thêm. 

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, bên cạnh tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về địa chất để quy hoạch không gian làng vùng cao, những năm qua, địa phương luôn quân tâm đến việc vận dụng tri thức bản địa cho các hoạt động xây dựng dự án, hạng mục công trình dân sinh. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vai trò của già làng, những người có nhiều kinh nghiệm sống, gắn bó nhiều năm với núi rừng. Chính họ là người đã đóng góp ý kiến giúp chính quyền địa phương làm tốt chủ trương quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư miền núi gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.

“Theo kinh nghiệm của các già làng, khu vực đất để chọn lập làng, dựng nhà cửa và các công trình cộng đồng thiết yếu khác, ngoài vị trí cao ráo, gần nguồn nước, còn phải đảm bảo các yếu tố về phòng tránh thiên tai. Trong đó, tuyệt đối không lập làng hoặc dựng nhà cửa tại các khu vực xung yếu, nơi có luồng gió đi qua, cũng như vị trí dòng chảy của suối nguồn, nguy cơ sạt lở đất. Tránh được các nguy cơ này, cuộc sống mới được yên ổn, cộng đồng mới hạnh phúc, ấm no” - ông Blúi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng trống về tri thức bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO