"Không gian chữ Quốc ngữ"

HOÀNG VĂN MINH 10/01/2020 13:09

Không gian chữ Quốc ngữ trong Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Phương, thị xã Điện Bàn) sắp được xây dựng. Và hành trình này, với GS.Nguyễn Đăng Hưng cùng Nhóm cổ động Không gian chữ Quốc ngữ là “duyên trời”, bắt đầu từ việc đặt bia tưởng niệm giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Isfahan, Iran năm ngoái.

GS. Nguyễn Đăng Hưng (đứng giữa) tại lễ đặt bia tri ân ở phần mộ của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Isfahan (Iran). Ảnh: Kim Liên
GS. Nguyễn Đăng Hưng (đứng giữa) tại lễ đặt bia tri ân ở phần mộ của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Isfahan (Iran). Ảnh: Kim Liên

GS.Nguyễn Đăng Hưng vốn là nhà khoa học về hàng không không gian. Sau mấy chục năm sinh sống và giảng dạy tại Đại học Liège (Bỉ), năm 2016, ông nghỉ hưu và về Việt Nam sinh sống. Và “duyên trời” đã đưa ông đến với lĩnh vực chữ Quốc ngữ vào năm 2017, lúc ông cảm thấy lo lắng về những đề nghị cải cách có thể xâm phạm chữ Quốc ngữ. “Tuy nhiên thay vì lên mạng phản đối, tôi nghĩ mình cần hành xử theo hướng tích cực hơn: Phải làm gì cụ thể để vinh danh chữ Quốc ngữ thay vì chỉ biểu lộ bất bình trên mạng! Đây là thói quen của tôi từ xưa đến nay” – GS.Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm tới đây được xây dựng trên khu đất rộng gần 2ha với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Trong quy hoạch tổng mặt bằng của công viên, có nhiều hạng mục đầu tư như nhà trưng bày các hiện vật về Dinh trấn Thanh Chiêm và Không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ.

Tháng 11.2018, GS.Hưng dẫn đầu một phái đoàn từ Việt Nam sang Isfahan (Iran) và xin phép nhà thờ Cơ đốc Vanka đặt một tấm bia đá trên mộ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, thể hiện sự tri ân đối với một người đã có công lớn trong việc hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ. Thú vị là tấm bia đá này được lấy từ Đà Nẵng (đá Non Nước) ghi lời tri ân bằng 4 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh và Ba Tư).

GS.Hưng kể: “Tại buổi lễ đặt bia tri ân, bên mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes, tôi và nhiều người trong đoàn đã không kìm được nước mắt vì xúc động, vì hạnh phúc, vì không gian quá đặc biệt, trong đời không dễ gì gặp lại”. 

Theo GS.Nguyễn Đăng Hưng thì tri ân, vinh danh người tạo ra chữ Quốc ngữ, không chỉ mình giáo sĩ Alexandre de Rhodes, mà cả các giáo sĩ Bồ Đào Nha nữa. “Người đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ là Francisco de Pina, ông là người đầu tiên giảng tiếng Việt. Tôi muốn vinh danh ở đây không chỉ các giáo sĩ mà cả những con chiên Việt Nam. Vì nếu không có con chiên góp sức với cố đạo thì khó mà ký âm và lan tỏa chữ Quốc ngữ được” - GS.Hưng nói.

GS.Hưng cũng nhắc tới việc cách đây 100 năm vua Khải Định ra chiếu dùng chữ Quốc ngữ trong các văn bản ở Việt Nam cùng nhiều bậc tiền bối có công khác. Chính vì thế, trong Không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ ở Công viên di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sắp được xây dựng, sẽ có một khu tưởng niệm giống như vườn Luxembourg tại Paris.

“Trong khu tưởng niệm ở Thanh Chiêm, bên cạnh việc tri ân các giáo sĩ người nước ngoài, chúng tôi còn tri ân các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…, các chí sĩ yêu nước của các phong trào canh tân đất nước như Duy tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức được lợi thế này và đã chọn chữ Quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc. Sau này, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ của các học giả Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn… đã đóng góp rất tích cực cho phong trào Việt Minh dẫn đến sự thành công và lan rộng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945!” - GS.Hưng nói.

Cũng theo GS.Hưng, việc tri ân này chính là uống nước nhớ nguồn, hợp với đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt. Sinh hoạt này sẽ giúp cho giới trẻ đánh giá đúng về những di sản văn hóa của quá khứ. Giới trẻ sẽ ý thức được mình xuất phát như thế nào trong giai đoạn hội nhập thế giới phẳng ngày nay. Giới trẻ sẽ có lòng tự tin hơn và tình yêu nước cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc sẽ vững bền hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Không gian chữ Quốc ngữ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO