Lắng nghe từ thổ cẩm

LÊ QUÂN 22/11/2020 07:14

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 này, như một cách để mang đến hy vọng cho những nghệ nhân và người quan tâm về thổ cẩm truyền thống.

Thổ cẩm lên sân khấu. Ảnh: L.Q
Thổ cẩm lên sân khấu. Ảnh: L.Q

Nỗi buồn

Theo Sở NN&PTNT, hiện có 3.000 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề, trong đó chủ yếu là hộ làm nghề. Tổng số lao động trong làng nghề có gần 6 nghìn lao động, chủ yếu là lao động nữ và độ tuổi trung niên trở lên.

“Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Quảng Nam. Việc khôi phục duy trì và phát triển nghề này tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang. Hiện có 182 hộ với 262 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ còn nhiều khó khăn, mới chỉ dừng ở mức độ duy trì nghề, thu nhập bình quân của lao động thấp, khoảng dưới 1 triệu đồng/tháng” - đại diện Sở NN&PTNT nói.

Nhiều năm qua, dù  Quảng Nam đã có sự quan tâm hỗ trợ khôi phục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm và các làng nghề nhưng gần như mọi thứ vẫn mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ cộng đồng làng.

Theo con số thống kê mới nhất, cả nước hiện có khoảng 30 dân tộc thiểu số có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. Vải thổ cẩm không chỉ cung cấp chất liệu may mặc, mà còn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của các đồng bào dân tộc thông qua việc bố trí màu sắc, họa tiết.

Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang bị mai một. Đồng bào dân tộc đang sử dụng nhiều trang phục hiện đại trong cuộc sống hằng ngày, vải thổ cẩm dần ít được sử dụng hơn. Lực lượng trong độ tuổi lao động cũng không còn nhiều người thiết tha với nghề dệt vì thu nhập không đủ sống.

Họ có nhiều lựa chọn khác: đi làm công ăn lương, rời buôn, bản lên thành phố kiếm sống, hoặc đi học cao hơn... Riêng với các vùng núi của Quảng Nam, việc đối diện với thực trạng khó khăn đặt ra rất nhiều vấn đề về sinh kế hơn. 

Chuyên gia phát triển Mạng lưới/Du lịch cộng đồng của FIDR cho rằng, khó khăn hiện tại của các làng nghề dệt truyền thống là vốn để đầu tư, thứ hai là đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm. Có giải quyết được vấn đề này mới có thể mang đến hy vọng sáng sủa hơn cũng như tìm kiếm nhiều cơ hội hơn cho nghề truyền thống từ sau các cuộc hội. 

Kể câu chuyện sản phẩm

Năm 2014, Hội đồng Di sản quốc gia đã công nhận nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu Quảng Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên các làng nghề vẫn nằm trong tình trạng đầu ra sản phẩm rất kém, việc gắn với du lịch vẫn còn nhiều bất cập từ cả về đường sá và khâu tổ chức. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Minh cho biết, đã đến lúc cần nhận ra rằng ngoài cơ chế chính sách và mối quan tâm của các nhà lãnh đạo, quản lý cần có sự phối hợp đồng bộ của các nghiên cứu văn hóa và các doanh nghiệp hoặc đại diện cho một số tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.

“Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, từ các nhà khoa học với kết quả nghiên cứu sẽ được phát huy qua mọi phương tiện truyền thông. Dù công tác truyền thông tại Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng việc quảng bá điểm đến giới thiệu các loại thổ cẩm chưa có chiến lược. Trong mức độ nhất định còn bị động do thiếu sự quan tâm về cơ chế đầu tư, dẫn đến sự dấn thân của cộng đồng dân cư làm nghề còn ở mức độ rất thấp. Sản phẩm thổ cẩm tơ lụa đang nằm trong thời kỳ hội nhập phát triển nên không thể đơn độc mà cần sự liên kết” - ông Nguyễn Đức Minh nói.

Nayaz Dewani, một ông chủ người Ấn Độ kinh doanh dòng lụa Cashmere đã mở một cửa hàng tại Đà Nẵng. Nayaz nói muốn gia nhập “cộng đồng” sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Và người Ấn cũng đang muốn tiến sâu vào thị trường Đông Á, bằng những giá trị văn hóa đặc sắc của họ. Dù giá thành tương đối cao, nhưng Nayaz thì cho rằng, “không nên trả giá với những sản phẩm truyền thống”. Và dòng lụa Cashmere giữ được tiếng tăm đến tận bây giờ, không chỉ nhờ vào bản lĩnh văn hóa của người Ấn. Nayaz chia sẻ, cách kinh doanh với những sản phẩm thủ công của người Ấn rất đặc biệt, đó là họ sẽ gắn vào mỗi sản phẩm một truyền thuyết. “Khi bạn mua một thức hàng truyền thống, nghĩa là bạn đã sở hữu cả một kho tàng kỳ bí về chính nền văn hóa đó” - Nayaz nói.

Hơn một năm sau khi Mạng lưới dệt Miền Trung - Tây Nguyên ra đời với tên gọi “Dải thổ cẩm”, đã xuất hiện nhiều hơn sự liên kết các hợp tác xã, câu lạc bộ với công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường. Người làm nghề cũng được đào tạo để nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của đồng bào mình. Đại diện FIDR tại Việt Nam cho rằng, đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Chẳng hạn gần đây, chất liệu thổ cẩm cũng được khéo léo đưa vào nhiều trang phục hiện đại, thậm chí trang phục dạ hội, hoặc những sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đây cũng được xem như một hướng đi có thể cân nhắc, trên cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc truyền thống...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe từ thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO