Người Quảng khai phá giai điệu Boléro

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 26/01/2020 07:41

(Xuân Canh Tý) - Boléro là tên một điệu nhạc nhảy do nhạc sĩ kiêm vũ sư Sebastiano Carezo người miền Andalucía (Tây Ban Nha) sáng tạo năm 1780. Điệu nhạc có chân nhạc 4/4, nhịp nhàng, tiết tấu nhấn nhá nhưng không nhanh lắm. Điệu nhạc cuốn hút khiến các nhạc tác gia cổ điển như Chopin (1810-1849), Georges Bizet (1838-1875), Claude Débussy (1862-1918) và Ravel (1875-1937) sử dụng, viết ra những chương hoặc những tấu khúc riêng cho tác phẩm nhạc cổ điển không lời. Boléro đã đi vào âm nhạc cổ điển, một thứ âm nhạc tinh tế và sang trọng nhất của loài người.

 

Cùng với cây đàn guitar sáu dây, Boléro theo bước chân đi tìm thuộc địa của người Tây Ban Nha sang khu vực Nam Mỹ và biển Caribe. Lạ thay trên vùng đất mới, Boléro rất phù hợp với cách chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người La-tinh, nhanh chóng biến thành một điệu thức dùng để sáng tác và biểu diễn. Boléro trở thành điệu thức dùng viết ca khúc (nhạc có lời). Ba quốc gia thành công nhất với ca khúc Boléro là Cuba, Mexico và Porto Rico. Boléro cũng từ Tây Ban Nha du nhập sang Pháp. Các nhạc sĩ Pháp là những người châu Âu đầu tiên dùng Boléro viết ra ca khúc.

Trang bìa và phổ nhạc của ca khúc Nắng chiều.
Trang bìa và phổ nhạc của ca khúc Nắng chiều.

Năm 1952, một nhạc sĩ tài hoa người Quảng Nam, thành viên hàm thụ của Hiệp hội Các tác giả, nhạc tác gia và nhà sản xuất âm nhạc Pháp (SACEM) thẩm thấu điệu thức Boléro Mỹ la-tinh và Pháp, viết ra ca khúc đầu tiên khai phá con đường tươi đẹp cho Boléro Việt Nam. Người ấy là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng; chữ Nguyễn đứng sau là họ của người mẹ, sinh năm 1926 tại Điện Bàn; từng là nhà giáo dạy nhạc tại Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu. Nhà ông là Trường Tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản; chế độ cũ đổi tên là đường Cường Để, ngày nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An. Cổng sau nhà mở ra sân chùa Bà Mụ.

Lê Trọng Nguyễn thương yêu một cô gái gốc Quy Nhơn sống tại Hội An với gia đình. Không hiểu mối tình ấy bền chặt thế nào mà hình ảnh dịu dàng của cô gái với màu hoa tím bâng khuâng cứ xuất hiện trong ca khúc của ông, đẹp và nhớ khôn nguôi.

Năm 1952, ông đi chơi ở Huế, nhớ hình bóng bạn xưa, viết lên ca khúc Nắng chiều với lời ghi chú rất rõ ràng sau tên tác giả: “Rumba – Boléro”. Ghi như vậy có nghĩa là xử lý ca khúc theo Rumba, theo Boléro hoặc dung hợp cả hai điệu thức ấy đều được.

Nữ danh ca Minh Trang ở Huế được hãng đĩa Tân Thanh (Sài Gòn) mời vào Sài Gòn thu Nắng chiều lần đầu tiên năm 1953; sau đó ca khúc được các nhà xuất bản Tinh Hoa Sài Gòn, Tinh Hoa Huế, An Phú Sài Gòn liên tiếp in bản rời nhiều lần, mỗi lần 3.000 bản.

Nắng chiều (ảnh minh họa). ảnh: HỒ TRUNG TÚ
Nắng chiều (ảnh minh họa). ảnh: HỒ TRUNG TÚ

Nắng chiều là một tác phẩm tình ca Boléro đẹp. Về thanh nhạc, tác giả sử dụng giai điệu Boléro Tây Ban Nha làm nền tảng nhưng cố ý làm chậm lại, mỗi ô nhịp ít nốt hơn và triệt để dùng những nốt hoa mỹ rất Việt Nam để giai điệu khác hẳn với không khí xôn xao, rực rỡ của Boléro Mỹ la-tinh. Tác giả tuyệt đối tôn trọng quy tắc cân phương của từng câu nhạc, tạo cho giai điệu ca khúc một phong cách cổ điển cực kỳ:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ...

Đặc biệt và sáng tạo nhất là Nắng chiều viết chủ âm Sol trưởng nhưng đoạn giữa (ta thường gọi là điệp khúc) lại biến tấu qua Mi thứ khiến âm hình trở nên dịu dàng, mềm mại. Giai điệu ca khúc cứ như mật ngọt rót vào lòng người.

Về mặt nội dung ca từ, Nắng chiều là một ca khúc rất Quảng Nam. Nó làm nổi bật một phong cách giản dị nhưng sang trọng; say đắm nhưng không bi lụy. Hình ảnh trong ca khúc quá thân thuộc: Bến nước, lối về cuối thôn, nắng vương sân nhà, nương dâu bên sông Thu, giàn hoa tím, bóng tre la ngà, màu nắng chiều bâng khuâng... Trong không gian thơ mộng ấy, người bạn gái hiện ra với vóc dáng gầy gầy, đôi mắt long lanh, má trắng ngà, tóc thề xõa ngang vai. Người bạn ấy chỉ nói một điều giản dị “Mến anh” chứ không nói “Yêu anh”. Tình yêu những năm 1950 nhẹ nhàng, hồn nhiên như vậy đó.  

Nắng chiều trở thành danh tác âm nhạc từ năm 1953. Đài phát thanh nào cũng phát ca khúc này. Người Quảng Nam yêu nhạc ngày ấy tự hào vì quê hương mình có ca khúc nổi tiếng.

Dấu ấn của Lê Trọng Nguyễn sâu đậm đến nỗi ai biết ca hát cũng hát Nắng chiều; thanh niên học và chơi guitar hay mandolin cũng chơi Nắng chiều. Thị trường âm nhạc Sài Gòn thu in tái bản bài hát và thu đĩa Nắng chiều với nhiều giọng hát đẹp, hòa âm mới qua Chachacha + Boléro; Boléro + Mambo; Boléro + Calypso...

Lê Trọng Nguyễn là nhạc sĩ khai phá con đường âm nhạc Boléro Việt Nam; đưa tình ca thoát ra khỏi cái không khí u buồn của các điệu Blue, Slow, Andantiano, Valse... có trước đó. Nội hàm tình yêu trong âm nhạc của ông rõ ràng hơn, đằm thắm hơn, say đắm hơn. Đó là mẫu số chung của tình yêu trong âm nhạc người nhạc sĩ Quảng Nam. Một đời nhạc sĩ chỉ mong có một ca khúc đỉnh cao như vậy là đủ.

Tuy nhiên, âm nhạc Boléro khởi đầu từ Quảng Nam nhưng dòng âm nhạc Boléro thì đơm hoa kết trái tại Sài Gòn. Tại sao vậy? Đà Nẵng và Quảng Nam ngày ấy không có thị trường âm nhạc; chỉ có Sài Gòn mới có. Do hoàn cảnh lịch sử năm 1954, nhiều nhạc sĩ gốc Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Họ nhanh chóng thẩm thấu điệu thức Boléro, cùng với các nhạc sĩ Sài Gòn viết ra những ca khúc đồng quê Việt Nam và tình ca mới. Boléro vụt lớn lên, trở thành một dòng nhạc giải trí chủ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng khai phá giai điệu Boléro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO