Người vương nợ tháp đền

KHÁNH LINH 06/09/2019 15:31

Ông gắn bó với công tác quản lý Khu di tích Mỹ Sơn kể từ khi những đền tháp còn hoang tàn, đổ nát. Chặng đường 20 năm của ông cùng với Mỹ Sơn là từ không đến có, từ khó khăn đến thành tựu, để bây giờ nhìn lại ông không giấu được niềm tự hào lẫn trăn trở. Ông là Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn từ 1995 đến 2015. Ông Hường bồi hồi nhớ lại:

Sau 20 năm Di sản Mỹ Sơn đã được cứu vãn thành công và đón nhiều khách tham quan.Ảnh: K.L
Sau 20 năm Di sản Mỹ Sơn đã được cứu vãn thành công và đón nhiều khách tham quan.Ảnh: K.L

Tháng 11.1994 tôi chính thức lên Mỹ Sơn khảo sát, xây dựng phương án hoạt động quản lý di tích Mỹ Sơn. Lúc này, nhóm chỉ có 3 người kết hợp cùng 5 bảo vệ trong tháp trước đó. Bấy giờ khu di tích được Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên an ninh trật tự không đảm bảo. Việc đầu tiên khi tôi lên Mỹ Sơn là ổn định an ninh trật tự nhằm tạo lập hình ảnh một điểm di tích văn hóa văn minh, tránh gây nhiêu khê cho khách. Ngày 15.12.1995 UBND huyện Duy Xuyên ban hành quyết định thành lập Ban Bảo vệ và khai thác dịch vụ du lịch Mỹ Sơn (nay là Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn), nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ, vãn hồi an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách.

Lúc mới lên đây khó khăn, khổ cực vô cùng. Khó nhất chính là thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt và đội ngũ nhân lực. Không có cơ quan, không có phương tiện, không có con người làm việc, phải ở trọ nhà dân, mãi đến năm 1996 mới xây được ngôi nhà nhỏ cấp 4 để làm việc. Bấy giờ mình cũng chưa có suy nghĩ gì về du lịch, chỉ biết rằng Mỹ Sơn là một địa danh có bề dày về lịch sử văn hóa, nếu chúng ta quản lý tốt thì cũng sẽ là điểm tốt cho khách tham quan thôi. Mãi một thời gian sau mình thấy rằng, để quản lý tốt thì phải đi vào nền nếp, phải có cơ chế và tăng cường, bổ sung cán bộ, nhân viên có năng lực về ngoại ngữ, quản lý văn hóa… nhằm không chỉ bảo vệ di tích mà còn là bảo vệ cảnh quan rừng núi xung quanh.  

Ông Nguyễn Công Hường.
Ông Nguyễn Công Hường.

* Ông có thể khái lược về quá trình Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hường: Năm 1997 chia tách tỉnh, thời điểm này Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Sở VH-TT có sự quan tâm rất lớn với Mỹ Sơn. Trên cơ sở đó, mình bắt đầu xúc tiến làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới cho Mỹ Sơn. Tuy nhiên, khác với Hội An, Mỹ Sơn là một phế tích, nằm trong một không gian tự nhiên, khép kín, mọi thông tin về Mỹ Sơn rất hạn hẹp. Vì vậy, việc đầu tiên của UBND tỉnh, Sở VH-TT, UBND huyện là phối hơp tổ chức hội thảo khoa học lần thứ nhất vào 2 ngày 7 - 8.9.1998, nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu Mỹ Sơn. Từ hội thảo này Quảng Nam đã ra được lời kêu gọi, đồng thời tạo một dư luận rất quan trọng để tiến tới đề xuất UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tuy vậy, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Có một khó khăn tôi còn nhớ là tháng 9.1999, UNESCO đề nghị mình bổ sung hồ sơ, yêu cầu phân tích rõ mối quan hệ giữa đỉnh núi Ngọc Linh, dòng sông Thu Bồn, Cù Lao Chàm với Mỹ Sơn là một sự nối kết dựa trên yếu tố địa văn hóa. Đồng thời, UNESCO cũng yêu cầu mình xác nhận lại cam kết, nếu Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới có chịu áp lực về dân cư không, có ảnh hưởng động đất không, có ảnh hưởng về bão lũ không… Đây là thời điểm có nhiều nỗ lực của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Cục Di sản trong việc giúp Mỹ Sơn hoàn chỉnh hồ sơ, nhờ đó người ta đã chấp nhận hồ sơ để Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới.

* Danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã mang tới cơ hội gì cho Mỹ Sơn?

Ông Nguyễn Công Hường: Khác với một số di sản khác, Mỹ Sơn khi được công nhận di sản đang tồn tại dưới dạng phế tích khảo cổ học; nhiều đền tháp bị thời gian, thiên nhiên, chiến tranh tác động hư hại nặng, rồi hạ tầng, dịch vụ, đường sá giao thông yếu kém. Những gì sót lại ở Mỹ Sơn dù có giá trị quan trọng, mang tính đặc thù, độc đáo nhưng luôn đối diện tình trạng bị hủy hoại, mất đi. Do đó, việc được công nhận di sản đã trở thành điều kiện quan trọng nhằm cứu vãn Mỹ Sơn giữ lại diện mạo hiện tồn cho khu đền tháp.

Ngoài sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện thì sự hỗ trợ, hợp tác với các chính phủ, tổ chức quốc tế rất đáng ghi nhận. Nổi bật là hai dự án hợp tác quốc tế với Chính phủ Italia và Ấn Độ, trước đó là Ba Lan. Đặc biệt, dự án Bảo tồn trùng tu nhóm tháp G phối hợp với Chính phủ Italia đã giúp đào tạo cho mình đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và năng lực quản lý, nhất là đã tạo ra đội ngũ thợ trùng tu di tích Chăm lành nghề, chuyên nghiệp không chỉ cho Quảng Nam mà cả miền Trung, nơi còn rất nhiều di tích Chăm.

Đánh giá lại chặng đường 20 năm qua, theo tôi thành công nhất là đã cơ bản giải quyết được bài toán bảo tồn di sản một cách bền vững; đó không chỉ bảo tồn cho bản thân di tích mà còn thành công ở bảo tồn cảnh quan, môi trường Mỹ Sơn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, từng bước xây dựng Mỹ Sơn trở thành điểm tham quan hấp dẫn của Quảng Nam, đưa du lịch Mỹ Sơn từ vài nghìn khách năm 1999 tăng lên gần 400 nghìn lượt vào năm 2018. Đây là những con số sống động minh chứng cho thành quả mà danh hiệu di sản Mỹ Sơn mang lại.

* Nhìn lại hành trình 20 Di sản Mỹ Sơn liệu có thể nói là đã hài lòng, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hường: Nếu nói thỏa mãn thì chưa, bởi kỳ vọng, mong muốn ở Mỹ Sơn còn rất nhiều. Đầu tiên là du lịch, với cơ sở hạ tầng, dịch vụ của Mỹ Sơn hiện nay so với yêu cầu và xu thế phát triển thì còn rất thiếu và yếu. Dù tăng trưởng cao nhưng so với các điểm di sản trong nước thì lượng khách đến Mỹ Sơn vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tầm vóc của một di sản. Nếu lấy con số 400 nghìn lượt khách tham quan Mỹ Sơn so với 6,5 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Nam năm 2018 thì quá nhỏ bé. Tất nhiên, so sánh là điều khập khiễng nhưng tôi muốn nói rằng việc đóng góp lượng khách du lịch vào tổng lượng khách đến Quảng Nam của Mỹ Sơn là chưa tương xứng. Để thay đổi vấn đề này không phải nỗ lực của riêng Mỹ Sơn mà còn liên quan đến tỉnh.

Đặc biệt, công tác bảo tồn, nhất là việc định hình giải pháp trùng tu và chất liệu xây dựng tháp… chúng ta cũng chỉ mới tìm ra chất liệu tương thích, còn nói vật liệu xây dựng như thể người Chăm xưa đã làm thì vẫn là ẩn số. Đơn cử, một số viên gạch mới mà chúng ta đưa vào trùng tu thay thế đã rêu mốc, trong khi gạch của người Chăm xưa không có điều này, dù đã trải qua hàng trăm năm, do đó ứng xử với Mỹ Sơn phải hết sức cẩn trọng.

Rồi đội ngũ quản lý, chuyên môn, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng nếu so với yêu cầu tương lai thì phải tăng cường đào tạo, tuyển dụng thêm đội ngũ có năng lực, có thể độc lập, chủ động được trong công tác quản lý, bảo tồn. Chứ như điều kiện hiện nay chúng ta vẫn chưa đủ khả năng lập một kế hoạch chứ nói đến việc chủ động một dự án về tu bổ trùng tu di tích. Nguyên nhân cũng một phần vướng mắc cơ chế. Tất nhiên, có những cái nếu như cơ chế thoáng thì với năng lực như hiện nay của anh em, đồng thời bổ sung thêm và liên kết với nhau là có thể giải quyết xử lý những yêu cấp thiết, đáp ứng được công tác bảo tồn trùng tu, đồng thời cũng đáp ứng cho phát triển du lịch.

Tôi được biết, từ năm 2015 đến nay, cơ chế đã bắt đầu có những thay đổi. Đặc biệt, Nghị định 43 của Chính phủ về tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp cũng đã ban hành, đây sẽ là điều kiện tốt để tháo gỡ căn bản những vướng mắc trước đây, qua đó giúp Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về tài chính… để di sản Mỹ Sơn phát triển tốt hơn thời gian tới. Tôi cho rằng, 20 năm qua chỉ là sự khởi đầu, và bây giờ mới chính là giai đoạn của tăng tốc, để 10 năm, 20 năm tới Mỹ Sơn không chỉ được cứu vãn hoàn toàn mà còn là một trung tâm du lịch hấp dẫn, thu hút và lan tỏa khách ra nhiều địa phương khác của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người vương nợ tháp đền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO