Những trang sách đối thoại

HỨA XUYÊN HUỲNH 03/01/2020 13:40

Thường vẫn thấy các tác giả trao đổi, tranh luận, bút chiến… và đấy là sinh hoạt bình thường của giới nghiên cứu. Nhưng đối thoại một cách nhã nhặn, tha thiết, thậm chí đối thoại với chính mình sau khi tác phẩm chào đời, thì ít gặp.

Một trang có nhiều “ghi chú” của cuốn Ý thức mới… cạnh ấn phẩm cũ và tác phẩm đối thoại Nói với tuổi hai mươi.
Một trang có nhiều “ghi chú” của cuốn Ý thức mới… cạnh ấn phẩm cũ và tác phẩm đối thoại Nói với tuổi hai mươi.

“Cuộc tương tranh thân ái”

Khi in cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” (Lá Bối - 1965), trong dòng đầu sách, Phạm Công Thiện tiết lộ sách phản ánh tâm trạng người viết, “tâm trạng của một người bị giam hãm trong đời sống”. Và vì thế, sách cũng ghi lại một ý thức nào đó trong đời người viết, “ghi lại một chặng đường gió loạn đã qua, một quãng đời đã trôi ra biển”.

Nhưng đến lần tái bản thứ tư (năm 1970, An Tiêm), tính ra chẵn 10 năm kể từ ngày bắt đầu viết đăng rải rác một số chương trên tạp chí, tác giả có viết thêm bức thư ngay trước dòng đầu sách dài gần 12 trang gửi “một người đọc không quen”, để “đóng lại mười năm và mở ra mười năm khác”. Như tiết lộ của tác giả, lúc tái bản lần thứ tư ông gần 30 tuổi, còn khi bắt tay viết tác phẩm (1960) chỉ ở quãng 18 - 19 tuổi.

Đây cũng là lý do mà Phạm Công Thiện giải thích vì sao có những dòng chữ nghiêng trong lần in mới. “Con người ba mươi tuổi đối mặt với con người hai mươi tuổi: hai bên giao tranh nhau trong một cuộc tương tranh thân ái mà sự thất bại hiển nhiên là nằm ở những giòng chữ nghiêng”, ông viết (chữ “giòng” giữ theo nguyên tác). Và đó là cuộc tương tranh ít thấy. Những dòng in nghiêng đó ông gọi là “cái nhìn hiện tại chiếu ngược lại quá khứ”.

Đối chiếu kỹ hai ấn phẩm, nhận ra tác giả chỉ “ghi chú” ở phần mở đầu và phần thứ nhứt (Đi vào ý thức mới). Phần thứ hai (Xung khắc giữa ý thức và vô thức), phần kết luận (Ý thức tự quyết) thì giữ nguyên. Và trong số 9 chương của phần đầu, tác giả “ghi chú” nhiều nhất ở chương 1 (52 ghi chú), kế đến là ở chương 3 (17), ngay sau phần mở đầu (16), chương 4 (11), chương 2 (10). Với các chương 5 và 6, ông không ghi chú mà… viết thêm từ 3 đến 8 trang về William Saroyan, Somerset Maugham.

Trong các phần ghi chú bổ sung, chúng tôi nhận ra những thông tin thú vị nằm ngoài vấn đề học thuật. Phạm Công Thiện không chỉ kể lại chuyện bản thân mình (ngoài 20 tuổi) đã gặp 2 ông già trên 70 tuổi (Henry Miller tại Mỹ, Krishnamurti tại Paris - Pháp), mà còn dành một số dòng bổ sung với con mắt liên tài dành cho Bùi Giáng, một tiền bối người Quảng Nam. Như ngay đầu chương 1 (Ý thức bất nhị, về nghệ thuật phi nghệ thuật của Saroyan, tinh thần bất nhị của Phật giáo Thiền tông và Jean-Paul Sartre), bất ngờ Phạm Công Thiện bình phẩm giới văn nghệ miền Nam thời điểm 1970 “…chỉ toàn một lũ nhái con văn nghệ và làm dáng cô đơn, tuyệt vọng. Chỉ có Bùi Giáng là người duy nhất có tài lớn, lớn bằng (hay lớn hơn) O.Neill, T.S.Eliot, vân vân”.

Đối thoại thế hệ

Thêm vài trang sau, khi phê bình nhiều truyện ngắn Saroyan cứ “loanh quanh lẩn quẩn nhì nhằng như kẹo cao su”, Phạm Công Thiện lại tranh thủ… khen Bùi Giáng: “Bùi Giáng là người duy nhất thể hiện mãnh liệt nhất lối viết đi ngoài khung khổ hạn định. Văn nghệ Việt Nam bây giờ hãy còn lết bết đi sau Bùi Giáng đến một trăm năm”.

Chẳng rõ trung niên thi sĩ Bùi Giáng lúc sinh thời có nhoẻn cười khi người đa tài họ Phạm khen ngợi mình “mãnh liệt” như thế không? Nhưng còn một cuộc đối thoại khác, đã diễn ra ngay sau đó.

Tất cả bắt đầu từ một trong hai bức thư thay lời mở đầu in trong lần xuất bản cũ. Một bức gửi Huy (từng làm tựa mở đầu cho tiểu thuyết “Ngày vui qua mau” của Tuấn Huy, năm 1964), một bức gửi Hồng. Cả hai bức này, khi tái bản lần thứ 4, tác giả cũng… viết thêm. Thậm chí, ông thay đổi cách nhìn, như khi viết về Huy (“Người được tôi viết thư này không còn là bạn tôi nữa”, trang XXVI, sđd).

Trong bức thư thứ hai gửi Hồng, tác giả cũng có chút thay đổi quan điểm (“Người được viết bức thư này cũng không còn là người anh em của tôi như xưa nữa”, trang XXXVI, sđd). Có điều, chính bởi bức thư gửi Hồng này đã làm nảy sinh cuộc “đối thoại” giữa hai cá nhân thuộc hai thế hệ ngay sau lần xuất bản đầu tiên. Và cũng vì thế, thêm một tác phẩm mới ra đời: “Nói với tuổi hai mươi” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết năm 1966. Cuốn này được NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2007.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trích đoạn khá dài, hết 5 trang từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” để viết một chuyên luận dài ngót 60 trang gồm các tiểu mục: Nhận diện, Cô đơn, Lý tưởng, Học hành, Thương yêu, Tôn giáo… Đó thực sự là cuộc đối thoại thú vị và đầy sẻ chia giữa “thế hệ trẻ” (từ 15 - 25 tuổi, mà Hồng là hình ảnh tượng trưng) với “thế giới người lớn”. Trong lời cuối sách, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn tha thiết: “Cám ơn em đã theo tôi tới đây, cám ơn em đã cho tôi cơ hội trở lại với tuổi hai mươi của tôi bởi khi nói chuyện với em, thực tình tôi đã được sống lại trọn vẹn những vấn đề tuổi trẻ”.

Thế hệ người lớn đã gửi gắm những gì với thế hệ trẻ vốn dĩ đang cô đơn cùng cực trong những năm 1960 ở miền Nam? “Em hãy bình tĩnh lại, em ngồi xuống. Hãy nghe lại tiếng ru ngày xưa. Cho tâm hồn lắng dịu. Và để cho tôi nói chuyện với em. Bởi vì dù giận dữ, hung hăng, em cũng đã muốn nói chuyện với tôi rồi” (Thích Nhất Hạnh, sđd, trang 9).

Lâu nay, cũng có nhiều tác phẩm “phê bình” một công trình cũ, thậm chí tranh luận học thuật gay gắt. Nhưng tất cả không giống với kiểu đối thoại, độc thoại mà chúng tôi đang đề cập.

Từ lối đối thoại lạ lẫm ấy, thêm tác phẩm được chào đời. Dòng ý thức cũng được khơi luồng mới, chữ nghĩa bổ túc hoặc thăng hoa, tâm tư được phô bày…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những trang sách đối thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO