Quyết sách để phát triển văn hóa

XUÂN HIỀN 16/09/2020 04:42

Khá nhiều sự thay đổi từ khi Nghị quyết số 26 về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam của HĐND tỉnh (ban hành năm 2011)  đi vào đời sống. Cùng những dịch chuyển đó là các băn khoăn tìm hướng phát triển mới…

Các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được quan tâm khôi phục, nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các loại hình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được quan tâm khôi phục, nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các loại hình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hiệu ứng từ các quyết sách

Năm 2016, khi Trung ương bắt đầu “khoán trắng” cho địa phương về kinh phí trùng tu di tích, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành đề án “Tu bổ cấp thiết di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí 80 tỷ đồng. Đây chính là sự tiếp sức cho công cuộc bảo tồn trùng tu di tích trên toàn tỉnh.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, chính điều này đã tạo đà để cứu nguy di tích, với tinh thần “kể cả thu lợi hay không từ các di tích thì vấn đề bảo tồn phải được thực hiện ở mức tốt nhất có thể”. Theo nhìn nhận từ các chuyên gia, quá trình trùng tu thời gian qua ở Quảng Nam chưa để di tích nào bị biến dạng hay sụp đổ, cũng như tình trạng xâm hại di tích chưa đến mức báo động. Đến nay toàn tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo 8 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh và dựng bia 55 di tích, với tổng kinh phí thực hiện hơn 61,51 tỷ đồng.

Công nhân trung tu nhóm tháp A, Mỹ Sơn. Ảnh: X.H
Công nhân trung tu nhóm tháp A, Mỹ Sơn. Ảnh: X.H

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTT&DL chia sẻ, công tác bảo tồn, trùng tu di tích chỉ là một trong những nhóm mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND ngày 9.12.2011 về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020 của HĐND tỉnh. Nghị quyết 26 với 10 nhóm mục tiêu cụ thể, bao gồm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, hệ thống bảo tồn và công tác bảo tàng; hệ thống thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và xây dựng tượng đài; phát triển quảng cáo ngoài trời; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành văn hóa; phát triển nguồn nhân lực. Việc linh động cụ thể hóa nghị quyết bằng xây dựng nhiều đề án với chính sách ưu tiên được thông qua và đi vào thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Sau 8 năm đi vào thực tiễn, các nhóm mục tiêu của nghị quyết đã đạt những thành tựu nhất định, tạo nên diện mạo đời sống văn hóa xứ Quảng khá đa diện. Ông Nguyễn Thanh Hồng nói, văn hóa đã không còn bị nhìn nhận như một lĩnh vực đứng ngoài, đi bên cạnh các lĩnh vực khác của đời sống mà được thẩm thấu vào các hoạt động kinh tế, chính trị và trong đời sống xã hội. Những nội dung cụ thể được xác định trong quy hoạch sự nghiệp văn hóa trở thành nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sở, ngành khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho đơn vị, địa phương mình hàng năm và lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Các hiệu ứng từ xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, cơ quan, đơn vị văn hóa đã tác động tích cực đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy truyền thống cũng như tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng. Thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các hoạt động mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, phục vụ bạn đọc, triển lãm, hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở... diễn ra sôi nổi, thu hút người dân tham gia.

khắc phục bất cập và tìm hướng đi mới

Theo Báo cáo số 135/BC-UBND về kết quả rà soát, đánh giá một số nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua, UBND tỉnh đề xuất dừng thực hiện và công bố hết hiệu lực thi hành đối với Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND ngày 9.12.2011 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020. Đồng thời đề nghị giao đánh giá, lập đề án phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030.

UBND tỉnh cũng đề nghị kéo dài thực hiện Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND ngày 7.7.2015 và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12.7.2019 của HĐND tỉnh về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đến hết năm 2021. Đồng thời cho phép Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khảo sát, đánh giá lập Đề án đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 trình UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đầu tư cho phát triển văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp xu thế phát triển. Chẳng hạn, các trung tâm VH-TT xã, nhà văn hóa cấp thôn mặc dù đã được xây dựng nhưng còn thiếu trang thiết bị cơ bản, không đảm bảo diện tích, thiếu công trình phụ trợ cho các hoạt động văn hóa, chưa đạt chuẩn theo quy định. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được quan tâm khôi phục, nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các loại hình, các địa phương và có nhiều khó khăn trong đào tạo đội ngũ kế cận.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Tiên Phước cho rằng, cần phải nghiên cứu xây dựng đề án về bảo tồn văn hóa dân gian Quảng Nam nói chung để các huyện cùng tham gia và có cơ sở để bảo tồn tại địa phương. “Thiết nghĩ, cần đưa nội dung đàn hát dân ca vào trường học để bảo tồn. Ngoài ra tỉnh cần nghiên cứu đưa một số môn thể dục thể thao mang tính truyền thống vào trường học, bảo tồn các môn thể thao trò chơi dân gian, đưa vào các hội thi, hội diễn” - ông Phùng Văn Huy nói.

Chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở vẫn là một vấn đề đáng lưu tâm của Quảng Nam. Ở cấp huyện, dù hiện nay có hơn 70% số cán bộ văn hóa trình độ đại học, cao đẳng trở lên, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực liên quan đến văn hóa. Trong đó, nhiều cán bộ được chuyển sang từ những đơn vị khác, không am hiểu sâu về lĩnh vực văn hóa nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Đây là điều đã được báo động từ nhiều năm nay.

Nhạc sĩ Dương Trinh - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói, riêng với đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay thường lựa chọn học về du lịch hoặc quản lý văn hóa chứ không ai nghĩ đến việc phải có một thế hệ cán bộ văn hóa được đào tạo chuyên sâu, có hiểu biết về vốn văn hóa của đồng bào mình. Cán bộ văn hóa ở cấp cơ sở, theo nhìn nhận của lãnh đạo Sở VH-TT&DL, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, lại thường xuyên biến động, thiếu ổn định. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở cấp cơ sở.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, thiết chế là điều kiện rất quan trọng để phát triển các loại hình văn hóa. Hội An đã xây dựng đề án Hội An nhân tình thuần hậu, với nhiệm vụ đặt ra là bảo vệ tính chân xác của di sản trước sự cọ xát của nhiều yếu tố. Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, quảng bá di sản tại Hội An đã làm rất tốt.

Đồng thời với bảo tồn và phát triển văn hóa, ông Nguyễn Văn Lanh cho rằng, cần phải tính đến câu chuyện phát triển du lịch dựa vào văn hóa trong thời gian tới. Quảng Nam cần phải có tầm nhìn kết nối với Đà Nẵng và Lý Sơn (Quảng Ngãi). “Dự án thành phố du lịch thông minh cần được xúc tiến mạnh hơn, đặc biệt ở thời điểm này việc quảng bá rất quan trọng. Ngay ở sân bay Đà Nẵng, có thể đặt văn phòng để giới thiệu và quảng bá du lịch Quảng Nam, tạo sự thân thiện với du khách. Tôi được biết hiện nay, du khách tự tìm dịch vụ là chủ yếu” - ông Lanh nói.

Tìm ra những hướng đi đúng đắn, chọn lọc những giá trị tích cực để tiếp tục phát huy ưu thế của mình là điều nên tính toán trong chặng đường phát triển mới của ngành văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết sách để phát triển văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO