Rồi như đá ngây ngô

HỨA XUYÊN HUỲNH 02/09/2020 04:57

Mượn tựa đề một ca khúc của Trịnh Công Sơn để khởi sự bàn về những “bất động” mùa dịch. Có ai tha thiết chờ ngày dỡ bỏ những sợi dây giăng bọc các cụm tượng ven sông Hàn, chờ “tảng đá cười” của Mark Cooper đón người thưởng lãm… để biết đá và người không hề “ngây ngô”?

 
Lặng im "phòng khách"

Ít nhất tôi đã 2 lần dừng lại, loay hoay chụp ảnh những bức tượng đá bờ tây sông Hàn khi phát hiện chúng đột nhiên bị ngăn cách bởi những sợi dây giăng để ngăn người dân tụ tập. Lần đầu tiên, tầm giữa tháng 4, vào đợt đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát. Lần này, dịch tái phát và như mới vừa “trượt” qua đỉnh.

Những tác phẩm điêu khắc đặt ở đó đã nhiều năm rồi. Cứ sau mỗi kỳ triển lãm, Đà Nẵng lại có thêm nhiều tác phẩm đá. Nếu muốn “truy” ra lý lịch tác phẩm đặt bên đường mà tôi vẫn đi dọc bờ tây sông Hàn mỗi ngày, hẳn sẽ phải cần thêm nhiều thời gian. Với những “Phi mã”, “Tình nhân đá”, “Áo dài Bắc Trung Nam”… mà người ta từng nhắc tên trong các mùa triển lãm trước, không rõ giờ sắp đặt ở cụm tượng nào.

Tôi vừa dừng lại mé bên ngoài cầu Rồng, nhìn về phía dáng rồng cuộn nhanh ra hướng biển, thấy có bức tượng cách điệu nghệ nhân ôm đàn cạnh những tác phẩm thú vị khác. Như mọi ngả rẽ khác, tuyến đường dọc sông Hàn những ngày này vắng lặng hẳn. Tượng đá đặt ở đó dường như cũng không cần gọi tên riêng, chúng thân thuộc đến nỗi có thể buông lời chào hỏi người ngang lại, hay đứng lẫn vào cùng du khách để ghi hình trong các bức ảnh lưu niệm… Nhưng lần này, lúc này, khách phương xa đã ngừng đến. Cư dân bản địa cũng không còn tản bộ như thói quen cũ. Dây cũng đã giăng ngang. Vì dịch.

Nghệ sĩ Mỹ Mark Cooper và tác phẩm Vô biên (Unbounded).Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cung cấp.
Nghệ sĩ Mỹ Mark Cooper và tác phẩm Vô biên (Unbounded).Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cung cấp.

Có kiến trúc sư từng ví tuyến đường ở tả ngạn sông Hàn như một bao lơn ôm bọc lấy thành phố, như người mẹ ôm con vào lòng, thân thiện mà bao dung. Lại có người hình dung, nếu Đà Nẵng là một ngôi nhà thì tuyến đường ấy chẳng khác nào một… phòng khách, mời gọi. Nhưng bên trong “phòng khách” ấm áp ấy, vào một buổi trưa cuối tháng 8, lần đầu tiên tôi thấy những bức tượng im lặng nhìn nhau.

Lỡ hẹn với tảng đá cười

Sân vườn Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nằm trên tuyến đường Lê Duẩn gần như vuông góc với sông Hàn, có 3 khuôn mặt đá nhoẻn cười. Tác phẩm “Vô biên” (Unbounded) của nghệ sĩ người Mỹ Mark Cooper đấy.

Thoáng nhìn, tưởng như khuôn mặt ở giữa ra chiều suy tư. Nhưng tổng thể hình khối đá cẩm thạch gồm ba cụm có chiều kích lớn nhất 2,2 mét, nhỏ nhất 0,8 mét nặng nề kia lại rất duyên dáng khi có dấu đục của nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá Non Nước. Chính Mark Cooper tiết lộ, sau triển lãm “Chiếc cầu - Bridge” hồi tháng 3.2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khi về lại Mỹ ông vẫn lưu mãi những cảm xúc tốt đẹp của Đà Nẵng, thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là nụ cười. “Vô biên”  được tạo dựng từ ý tưởng ấy, theo phong cách đương đại.

Mark Cooper bảo “Vô biên” được tạo ra “như một tham chiếu hàm chứa hình ảnh và nét thẩm mỹ mơ hồ đâu đó về tôn giáo và văn hóa nơi đây”. Lão nghệ sĩ 70 tuổi cũng từng hình dung khối đá lớn ấy như những cái gật đầu tinh nghịch, truyền tải một ngôn ngữ phổ quát về niềm vui thị giác mà nghệ thuật có thể mang lại với hình ảnh mang nét ngây thơ của trẻ con… Ý tưởng thú vị đó đã được lãnh đạo Trường Đại học Boston, Trường Bảo tàng Nghệ thuật thuộc Đại học Tufts (nơi Mark Cooper giảng dạy) cùng với Tổ chức IAP tán thành và tài trợ kinh phí.

Dù tác phẩm đã hoàn tất, đã chuyển tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đã dự tính cho một lễ ra mắt hồi cuối tháng 7, nhưng rồi tất cả diễn ra trong lặng lẽ. Ngay cả Mark Cooper cũng chỉ kịp gửi sang một bức thư ngắn. Ông giải thích về tiêu đề “Vô biên”, ngụ ý niềm vui, tình yêu thương, sự lạc quan sẽ hướng chúng ta đến sự không ràng buộc, vô hạn, vô tận và vô lượng. “Các tác phẩm điêu khắc này gợi hình ảnh của một cái ôm trìu mến và tôn trọng nhau mà không bị ràng buộc bởi khoảng cách lịch sử hoặc văn hóa” - ông viết trong thư đề ngày 28.7, từ Boston.

Mark Cooper lỗi hẹn với chuyến trở lại Đà Nẵng, “Vô biên” lỗi hẹn ra mắt công chúng. Vì sao? Lại cũng vì Covid-19.

"Trái đất vẫn có người ở"

Cũng chưa hẳn mọi thứ đều câm nín. Đằng sau những tấm khẩu trang y tế không biểu lộ cảm xúc, những tấm kính chống giọt bắn hơi lạnh lùng, những tia nhìn e dè né tránh, những ngăn cách không gian…, vẫn thấy còn đó trái tim nồng ấm.

Khi bức ảnh chụp cháu bé Hồ Ánh Khiết 8 tuổi, người đồng bào Ca Dong, chân trần vai vác gốc măng rừng tay ôm xấp lá lội bộ hơn 30 phút từ trong rẫy về điểm tập kết, nhiều người không kìm được xúc động. Bức ảnh do một thành viên CLB Kết nối yêu thương ghi lại. Có gì khác lạ? Thì ra mấy ngày trước, chính quyền vùng cao huyện Nam Trà My gửi “tâm thư” kêu gọi đồng bào gom góp quà quê gửi về xuôi, những nơi đang vướng dịch từ Đà Nẵng đến Quảng Nam. Trên không gian mạng, tôi còn gặp nhiều cuộc đối thoại khác. Hỏi thăm, an ủi, hẹn chuyển quà. Cứ nóng rực từng phút. Nghe thấy cả những tiếng reo vui. “Các bạn quá vui mừng và bảo sẽ mua một ký thịt heo ăn đỡ thèm suốt tháng qua” - một đồng nghiệp viết sau khi chuyển món tiền do một gia đình gửi giúp nhóm lao động tự do Quảng Nam đang mắc kẹt ở Đà Nẵng. Niềm vui sao quá “bình dân”, thầm kín.

Bước chân của cháu bé Ca Dong 8 tuổi cứ như một cuộc đối thoại ngắn sau những dòng thư viết không lời in trên giấy. Và bước chân ấy khiến tôi lẩn thẩn nhớ đến những cuộc đối thoại vô thanh khác từ nhân vật ngôi thứ nhất trong danh tác của nhà văn phi công Antoiné de Saint Exupéry. Ít nhất có 2 cuộc đối thoại lạc lõng giữa sa mạc. Một, đối thoại dài với chàng hoàng tử bé. Một nữa, ngắt quãng và thảng thốt khi chẳng ai đáp lại lời kêu cứu trong “Cõi người ta”: “Trời ơi, dù sao trái đất này vẫn có người ở cơ mà…”.

Nhu cầu đối thoại là có thực, nhất là khi cõi-người-ta bị “giãn cách” quá lâu. Chàng hoàng tử bé đã rời bỏ tinh cầu thứ bảy (trái đất) để về lại tiểu tinh cầu B612, chàng phi công trong “Cõi người ta” cũng gục xuống khi biết mình kêu gào “Ê! Ê!” với ảo ảnh giữa sa mạc, và lúc đó, tôi tin cả hai có gửi lại thông điệp về đối thoại. Nên tôi đang tha thiết chờ ngày những sợi dây giăng bọc các cụm tượng ven sông Hàn dỡ bỏ, chờ “Vô biên” (Unbounded) mở nụ cười đón người thưởng lãm, chờ những đôi chân trần Ca Dong bước khỏe hơn về phía đồng bằng. Và chờ ai đó hồi đáp những lời vọng từ tiểu tinh cầu B612…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rồi như đá ngây ngô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO