Thêm yêu tiếng xứ mình

DƯƠNG QUANG 14/02/2021 06:45

(Xuân Tân Sửu) - Tròn 370 năm ấn hành bản “Từ điển Việt - Bồ - La” đầu tiên (1651 - 2021), làm cơ sở phát triển chữ Quốc ngữ, xin góp mấy lời ngõ hầu làm phong phú thêm văn hóa - ngôn ngữ quê nhà.

 

Nhầm lẫn thú vị

Nhạc sĩ Lam Phương qua đời, mới đây. Nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của ông được cất lên, như một lời tạ từ, trong đó có “Thành phố buồn”. Lại nghe rất nhiều ca sĩ hát: “… Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người”. Và lại cãi “trốn phong ba” chứ chẳng phải “chốn phong ba”. Có người đưa ra bằng chứng là tờ nhạc được cấp phép xuất bản sau năm 1970, ghi rõ “trốn”, thậm chí có cả clip tác giả xác nhận là “trốn”, chẳng phải “chốn”. Thế mà thiên hạ vẫn chưa chịu, “chốn phong ba” mới đúng chứ, mới hay chứ...

Diễn giải theo ngữ nghĩa thì “trốn phong ba” hay “chốn phong ba” đều có lý. Nhưng xét theo hoàn cảnh sáng tác ca khúc này thì phải là “trốn phong ba”: Cô gái ấy trốn chạy cuộc tình đầy phong ba bão táp với người nhạc sĩ đã có gia đình để đi lấy chồng - “làm dâu nhà người”. Đó là mối tình một thời của nhạc sĩ Lam Phương và Hà Dung ở thành phố sương mù Đà Lạt những năm trước 1975.

Một trường hợp khác, cũng gây nhầm lẫn mà khá thú vị, là trong bài “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn. “Một hôm bước qua thành phố lạ/Thành phố đã đi ngủ trưa”.

Một trang trong “Quảng Vận” giải thích từ “thỉ tổ”.
Một trang trong “Quảng Vận” giải thích từ “thỉ tổ”.

Tác giả viết rành rành là “ngủ trưa”, vậy mà khi hát, từ Tuấn Ngọc đến Quang Dũng đều phát âm tr thành ch, “trưa” thành “chưa”, khiến nhiều người nghe (chưa từng tiếp xúc lời nhạc gốc) tưởng là “đi ngủ chưa?” thật - một câu hỏi tu từ! Mà cũng có lý, không gian và thời gian trong khổ nhạc đầu là về đêm, mà ban đêm thì liên quan nhiều hơn tới giấc ngủ, cho nên ở khổ liền kề hẳn nói về chuyện đi ngủ hay còn thức mới đúng chứ”! Hóa ra chẳng phải vậy. Nguyên bản chính là “Thành phố đã đi ngủ trưa” - phép ẩn dụ miêu tả sự yên vắng của thành phố. Không gian và thời gian của hai khổ nhạc chẳng liên quan gì nhau.

Vậy là lỗi nằm ở người hát? Nghe lại nhiều bản thu âm của “Thành phố buồn” và “Đêm thấy ta là thác đổ”, thấy hầu hết ca sĩ hát tr thành ch, khiến thính giả hiểu sai theo. Cũng lạ, theo nghiên cứu phương ngữ học thì sự lẫn lộn trong phát âm tr/ch rơi vào người miền Bắc, còn người miền Trung và người miền Nam thì hiếm khi phát âm sai như vậy, trong khi các ca sĩ trình bày hai bản nhạc đó thì Trung lẫn Nam đều có mà vẫn hát sai tr thành ch! Chắc chắn bản thân người hát cũng cho rằng nguyên bản là ch (chốn phong ba, đi ngủ chưa) nên hát sai mà chẳng biết. Thậm chí, có vài cuộc thi cảm nhận ca khúc hay, thí sinh vẫn nghĩ là “Thành phố đã đi ngủ chưa?” và cứ thế mà bình, rồi… đoạt giải!

Lưỡng khả trong ngôn ngữ

Lan man âm nhạc để dẫn dắt tới một câu chuyện văn hóa liên quan đến hiện tượng ngôn ngữ như đã kể trên.

Tôi có tham gia hỗ trợ một số tộc họ Việt Nam thực hiện gia phả, phả hệ nên được tham khảo khá nhiều bài về lịch sử các dòng tộc ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó bắt gặp rất nhiều chữ “thủy tổ”, rất hiếm nơi viết “thỉ tổ”. Ở Quảng Nam cũng không ngoại lệ, viết “thủy tổ” là chủ yếu.

Các tự điển Hán Việt nhìn chung giảng giải: 始祖 là “ông tổ của một họ, tộc hoặc một ngành nghề”. Chữ “tổ” (祖) đã rõ, còn 始 (tổ hợp ghép của chữ Đài bên phải với bộ Nữ bên trái) thì viết ra chữ Việt là “thỉ” hay “thủy”?

Theo chúng tôi, viết “thỉ” mới đúng. Vì sao vậy? Nên tra cứu từ nguyên.

“Quảng Vận”, xuất bản bên Trung Hoa từ năm 1008, tức cách nay hơn cả nghìn năm, đã được tái bản nhiều lần, giải nghĩa chữ 始 như sau: 始 - thỉ: Sơ dã thi/ chỉ thiết nhất. Tạm diễn giải: “thỉ” có nghĩa là nguyên sơ (ban đầu); về phiên thiết thì tiểu vận 始 chỉ có một âm đọc duy nhất (là “thỉ”). Không phải “thủy”, hẳn rồi!

Ngoài ra, “Thuyết âm giải tự” của học giả Hứa Thận (thế kỷ thứ 2, đời Hán An Đế) phiên âm tiếng các vùng miền Trung Hoa, theo đó “thỉ” đọc là “shǐ”, chứ không phải “shuǐ” (thủy), tức là mất âm đệm “u”.

Từ “thỉ” sang “thủy” có thể là do quá trình biến âm, dẫn tới cách hiểu “thỉ” và “thủy” như nhau, cùng trường nghĩa. Ví dụ chúng ta hay gặp “Vô thỉ vô chung” (Không có khởi đầu, cũng không có kết thúc), song cũng thường thấy “nguyên thủy” (ban đầu), “thủy chung” (có đầu có cuối), ví dụ: “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thủy” (Vật có đầu có cuối, chuyện có trước có sau - sách Đại Học). Tần Doanh Chính sau khi thống nhất thiên hạ, lúc lên ngôi, xưng đế là 秦始皇, bính âm: “Qín Shǐ Huáng” - như thế này thì phải đọc là “Tần Thỉ Hoàng”. Vậy nhưng, trên thực tế phần nhiều đọc/ viết là Tần Thủy Hoàng. Trường hợp hiếm có (mà chính xác) là hồi năm 2003, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành bộ tiểu thuyết dã sử 2 tập “Đào mả Tần Thỉ Hoàng” của nhà văn Thái Tâm Canh. Bìa sách in rõ “Tần Thỉ Hoàng”.

Một cơ sở nữa, cũng dựa trên từ nguyên học, để khẳng định viết “thỉ” đúng hơn cả, đó là cuốn “Tầm nguyên tự điển Việt Nam” (Lê Ngọc Trụ, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 1993). Cuốn này giải thích 始 - thỉ: khởi đầu. Nhưng cũng thừa nhận: “thỉ (thủy)” - tức là có hai cách viết.

Từ đó, cũng có thể xem “thỉ”/ “thủy” là trường hợp lưỡng khả trong ngôn ngữ. Song, với những dẫn giải và phân tích trên, chúng tôi tái khẳng định: “thỉ” là đúng hơn!

Cách đọc của người Quảng

Riêng người Quảng Nam thì đọc/ viết “thỉ” hay “thủy”? Tohyama Emi - một học viên cao học tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - từng thực hiện cuộc khảo sát về đặc trưng ngữ âm Quảng Nam tại thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) và nhận xét: Về âm đệm trong thổ ngữ Quảng Nam chuyển đổi âm sắc của nó hoặc biến mất với trường hợp “thuế”, thành thwe > the (đọc “thuế” thành “thế”). Cũng như vậy, người Quảng Nam viết “thỉ” hay “thủy” thì đại đa số đọc là thwi > thi (thỉ)!

Không chỉ người Quảng Nam, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp người Bình Định, người Phú Yên khi phát âm những vần có âm đệm oa, oe, uê, uy… đều xảy ra hiện tượng chuyển đổi âm sắc, mất âm đệm chẳng hạn: tròn xoe > tròn xe, đặc biệt là nguyên thủy > nguiên thỉ. Tác giả Nguyễn Ngọc Oanh (Trường THPT Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) trong tham luận in tại kỷ yếu hội thảo “Chữ Quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam” (tháng 10.2015) nhận định: “Đây là một chi tiết hiếm hoi về dấu ấn rõ nhất ảnh hưởng của các phát âm ở vùng Nam Trung Bộ trong Từ điển Việt - Bồ - La”.

Phần tác giả Nguyễn Ngọc Oanh nêu dù chỉ là một trong những ghi chép của giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes (tác giả Từ điển Việt - Bồ - La) trong quãng thời gian sang xứ Đàng Trong truyền đạo và sáng tạo chữ Quốc ngữ Việt Nam, từ 1624 đến 1645 (không liên tục), song cũng giúp củng cố thêm rằng người Quảng Nam, hay rộng ra là người Trung Bộ, Nam Trung Bộ, từ xưa đã phát âm chuẩn, ít nhất là với từ 始 祖, là “thỉ tổ”!

Mà có hề chi, tiếng Việt ta là vậy đó! Nhiều trường hợp dùng sai mãi thành đúng; cũng nhiều trường hợp tồn tại hai cách viết, cách đọc mà các nhà Việt ngữ học gọi đó là “lưỡng khả” (hai cách dùng), còn người bình dân thì bảo “viết/đọc sao cũng được, miễn hiểu đúng”. Bàn sâu một chút để thấy thêm yêu “tiếng nước tôi”, thêm yêu lời ăn tiếng nói xứ mình!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm yêu tiếng xứ mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO