Tìm Phật trong “cổ tự”

NGUYỄN DỊ CỔ 20/06/2020 09:33

Lần giở từng trang thư tịch xưa bằng “cổ tự” (chữ cổ) như lật từng trang kinh để có thể truy tầm Phật ảnh in dấu một thời ở đất Quảng.

Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An.
Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An.

Quảng Nam từ trước thế kỷ 10, Phật giáo đã có sự phát triển. Phật viện Đồng Dương sớm được thành lập từ năm 875. Vua Lê Đại Hành cũng từng bắt được cả thiền sư Thiên Trúc tại Indrapura năm 982. Đây là Phật giáo của người Chăm. Phật giáo của người Việt trên đất Quảng phải cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 mới có sự xác lập. Nhiều thiền sư phái Trúc Lâm dưới triều Lê đã trốn vào Nam.

Mặc dù muộn hơn so với lịch sử Phật giáo của cả dân tộc, nhưng Phật giáo ở đất Quảng cũng đã phát triển, được giai cấp cầm quyền quan tâm sắc tứ, thậm chí hình thành thiền phái mới là Lâm Tế Chúc Thánh, tạo nên dấu ấn riêng và phát huy tinh thần hoằng dương Phật pháp, thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của phật tử - tín đồ.

Khai sơn cổ tự

Các chúa Nguyễn quan tâm và có động thái đối với sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong nói chung và xứ Quảng nói riêng, đã dẫn đến sự khai sơn những ngôi cổ tự đầu tiên ở vùng đất Quảng Nam. Chùa Bửu Châu ở Trà Kiệu do chúa Tiên Nguyễn Hoàng xây dựng năm 1607. Chùa Chiên Đàn với những tên gọi khác như chùa Di Đà, chùa Quan Âm hay Minh Hương Phật tự xây dựng vào khoảng năm 1653.

Thư tịch cổ trong nước như Quảng Nam tỉnh chí lược, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên, Đồng Khánh địa dư chí lược, Ngũ Hành Sơn lục, hay của nước ngoài như Hải ngoại kỷ sự (1695) của Thích Đại Sán, Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan đã ghi chép về một số ngôi chùa: Tiên Chân, Trang Nghiêm, Ứng Chân, Tam Thai, Thái Bình, Vân Long, Bình An, Vĩnh An, Long Hưng, Thạch Cốc, Hải Tạng, Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Viên Giác, Long Tuyền, Bảo Quang, Cổ Lâm, Phổ Khánh…

Lược truyện trụ trì

Văn bia Thái Bình tự thạch bi chép về sư Chân Dĩnh, một vị sư được đánh giá ngang với cao tăng của Ấn Độ. Khai sơn hòa thượng thuật trình bày tiểu sử Hòa thượng Ân Triêm người khai sơn chùa Phước Lâm. Minh Giác hòa thượng bi chép về Hòa thượng Minh Giác trụ trì chùa Phước Lâm. Vĩnh Gia hòa thượng tháp chí minh ghi chép hành trạng của Hòa thượng Vĩnh Gia kế tục trụ trì chùa Phước Lâm. Hòa thượng Phúc Trí bi kể về vị trụ trì hiệu Quảng Hưng, gốc làng Triều Châu, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên. Bi ký Đài Sơn Tăng truyện (tác giả Lương Thúc Kỳ) thuật ký về Hòa thượng Tùng Sơn ẩn tu tại động Tùng Sơn ở Đại Lộc.

Ngũ Hành Sơn lục còn ghi lại rất nhiều vị khai sơn trụ trì của các ngôi chùa ở Non Nước cũng như hành tung của các vị tăng đó. Có thể kể đến thiền sư hiệu Bảo Đài hòa thượng, Chân Dĩnh hòa thượng, Viên Trừng hòa thượng, Tuệ Quang hòa thượng, Mật Hạnh hòa thượng, Chí Thành hòa thượng, Từ Trí hòa thượng… Thư tịch này còn bình luận về phẩm hạnh của các vị thiền sư, ví dụ: “Ba anh em ruột (Trần Văn Trừng, Trần Văn Ân, Trần Văn Nghi - NV) đức hạnh mô phạm, tinh thông kinh luật, tam thế trụ trì, quả là xưa nay hiếm thấy”.

Triết lý nhân sinh

Một số văn bia Phật giáo đất Quảng phảng phất những tư tưởng, triết lý, thiền kệ uyên áo, cao thâm, khiến người sau tiếp cận được thì dường như đã giác ngộ nhân sinh phần nào. Văn bia chùa Viên Giác Hội An có đoạn: “Đạo Phật sùng hư, pháp tượng viên mãn. Dò xét thì thấy đầy vũ trụ, cuộn lại thì chỉ thấy một li hào. Đón trước thì không thấy đầu nối, theo dõi thì không thấy đàng sau. Cửa động huyền vi mở rộng không hề đóng. Khơi dòng chảy mà cho rút nhiều cũng không cạn. Chảy ra mà không biết, mà đã biết rõ thì công đức bao trùm cả kiếp trần. Rộng mà không hiểu đặng, hiểu đặng thì soi đến số hạt cát bên sông. Vậy mới hay: Danh không cánh mà bay xa, Đạo không rễ mà bền chặt” (Nguyễn Bội Liên dịch, người viết chỉnh sửa vài chỗ).

Cho dù Phật pháp có nhiệm màu, thể hiện linh thiêng độ trì, nhưng những bậc tu hành, tín sĩ ở Quảng Nam vẫn biểu hiện ý thức biện chứng tự nhiên, thiết thực và thực dụng. Điều đó thể hiện qua lời văn bia do Hà Đình Nguyễn Thuật viết cho chùa Phước Lâm: “Xà, trính tuy y nhiên, nhưng lâu ngày, rui ngói mối mọt mà không thay, ngày càng thấm lậu mục nát, thì làm sao mà ngăn mưa đón gió được. Như vậy, mà cứ ngồi đợi pháp Phật hộ trì thì có được chăng?”.

Cúng dường tam bảo

Tín đồ Phật tử đất Quảng đương thời đã tích cực cúng dường “tam bảo” bằng ruộng đất, tiền bạc, kim đồng. Không chỉ là người Việt mà còn là người nước ngoài. Phổ Đà sơn linh trung Phật khắc tên 10 gia đình người Nhật (Heizaburo, Sogoro, Shunmon, Achiko, Chaya Takeshima, Kawakami Kaheie, Asami Yasuke, Shichiro Bei, Akiu, Heiza Emon) đã công đức cho chùa gồm tiền, đồng (570 cân). Có cả 2 người Hoa (Diệp Công Kiên, Lã Tông Ngô) cúng dường cũng được ghi chép. Triều âm phả bi văn cho biết, Hội Hoa kiều ở xã Minh Hương đóng góp tiền của xây dựng chùa Chúc Thánh. Vu Lan tự bi cũng cho biết người Cao Miên tham gia công đức cho việc trùng tu chùa Vu Lan (TP.Đà Nẵng).

Việc cúng dường tam bảo giúp cho “luôn luôn thâu trữ để làm kho lẫm của thiền môn. Nhờ vậy mà tứ sự (ăn, mặc, ở, thuốc men) nơi thiền môn không lúc nào thiếu hụt, sự cúng dường đầy đủ, khiến cho sự diễn giảng giáo pháp được lưu thông, kinh vàng thường mở đọc, trống pháp vang rền, đèn từ rực sáng, bồ đề cây tươi tốt đẹp xinh, mưa cam lộ rải khắp trời Tây, hoa trời rơi tản mạn đủ màu, mây lành trải qua Nam cực, lá bối thành chương” (Thích Hạnh Niệm dịch) và “dấu vết của Phật lưu truyền mãi mãi”.

Hoằng dương quảng độ

Phật giáo Quảng Nam phát triển và có tầm ảnh hưởng. Từ thế kỷ 17, Ngũ Hành Sơn (Phổ Đà sơn) trở thành một trung tâm thờ Quan Âm mang tính quốc tế hoặc có vị trí quốc tế. Đặc biệt, Phật giáo ở Quảng Nam lại phát triển hình thành riêng một thiền phái mới với “năm ngành bảy phái lưu mãi tiếng thơm” để rồi ở “vùng Nam châu”, “các sư, các chùa đều xưng chùa Chúc Thánh là Tổ đình”. “Hoa giáp mấy vòng trải truyền nhiều thế”, các môn đệ thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ thiết lập 3 trung tâm Phật giáo Lâm Tế Chúc Thánh ở đất Quảng (phía đông - Hội An, phía bắc - Ngũ Hành Sơn, phía tây - Đại Lộc) mà còn mở rộng hoằng hóa Phật pháp, khai sơn Phật tự, trú trì thiền môn ở nhiều nơi khác thuộc Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm Phật trong “cổ tự”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO