Tình nghệ sĩ

QUẾ HÀ 26/07/2020 07:25

Những người làm văn nghệ ở Khu 5, bây giờ còn lại nhà văn Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, nhà điêu khắc Phạm Hồng, họa sĩ Giang Nguyên Thái … Tình bạn, tình đồng chí vẫn đậm đà và sâu lắng như thời ở chiến trường, ở Khu 5.

Bên mộ nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ ở Nghĩa trang Bắc Trà My.Ảnh: Q.H
Bên mộ nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ ở Nghĩa trang Bắc Trà My.Ảnh: Q.H

Mỗi lần về thăm chiến trường xưa, các văn nghệ sĩ kháng chiến đều đến những nơi họ từng sống, chiến đấu và viếng thăm đồng đội đã hy sinh, nằm lại trên đất Quảng Nam. Đến Điện Bàn, ở đó có các nhà văn Nguyễn Hồng, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, nhạc sĩ Văn Cận và cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quảng Đà. Ở Duy Xuyên, hai nhà văn Chu Cẩm Phong và Dương Thị Xuân Quý, nghệ sĩ múa Phương Thảo. Họa sĩ Hà Xuân Phong nằm bên dòng sông Trà Nô, Hiệp Đức, còn tận nguồn “Cao sơn ngọc quế” thì nhà thơ Nguyễn Mỹ ở lại bên dòng Đắk Ta - đầu nguồn sông Thu Bồn. 

Tình bạn, tình đồng chí

Đối với nhà văn Hồ Duy Lệ, ông coi viết là để tri ân với lớp lớp những đoàn quân Nam tiến, những con người, trong đó có văn nghệ sĩ và báo chí đã quên mình vì lý tưởng, vì độc lập tự do, thống nhất nước nhà. Ông sợ nhất là sự lãng quên quá khứ và cho rằng “Không có gì trôi đi mất” nếu chúng ta chịu khó lần tìm và giữ gìn. Và có lẽ, không mấy người biết tất cả bia tưởng niệm của nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý đều đã được vận động xây dựng và chăm nom, thăm viếng chính bởi những văn nghệ sĩ từng chiến đấu tại chiến trường Khu 5. 

Ngay sau ngày giải phóng, hai nhà văn Nguyễn Bảo và Nguyễn Bá Thâm về ven sông Thu Bồn vùng Điện Bàn để tìm hài cốt Nguyễn Hồng. Ngày ấy, các nhà văn Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng cùng học lớp Ngữ văn khóa 12, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi cùng học lớp viết văn khóa 4 - khóa đặc biệt phục vụ chiến trường và cùng vào Khu 5. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm thuộc nhiều tên đất, tên làng, từng con đường, ngọn đồi, từng trận đánh, từng chiến công và cả hy sinh mất mát trên đất Quảng Nam.

Ông kể, trong một lần hành quân, Nguyễn Hồng thấy lon sữa đã dùng, vứt chỏng chơ bên vệ đường, Nguyễn Hồng liền dùng nước để tráng phần cặn sữa còn sót lại, chia cho 2 bạn Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, gọi là “bồi dưỡng tí ngọt”. Vì vậy, mỗi lần viếng bạn, nhà văn Nguyễn Bá Thâm luôn đem theo một lon sữa Ông Thọ cùng một bó hoa hồng màu vàng. Hồi sinh viên, Nguyễn Hồng mê tác phẩm “Bông hồng vàng” của Paustovsky. Câu nói của Nguyễn Hồng “Ngọt lắm đó, chúng mày uống đi!” cứ ám ảnh ông, nhớ đến từng kỷ niệm với người con trai Đức Thọ - Hà Tĩnh hoạt bát, tài hoa, kiên cường.

Ở giới hội họa, những bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong vẫn được nhà điêu khắc Phạm Hồng trân trọng gìn giữ và bảo quản an toàn, để sau này tập “Ký họa Quảng Nam thời kháng chiến” ra mắt được độc giả đón nhận và coi đây là tư liệu quý hiếm. Ông cũng là người chế tác tấm bia mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý và đài tưởng niệm văn nghệ sĩ Khu 5 ở Nhà văn hóa Quân khu 5 tại Đà Nẵng.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái - Trưởng ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Khu 5 tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bảo rằng: “Thế hệ chúng tôi đã thực sự trưởng thành từ mảnh đất này và luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt vào cuối tháng 4 để kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Nam, cũng là cách nhắc nhớ nhau về mảnh đất ân nặng nghĩa tình”.

Tình nhân dân

Chính trên mảnh đất “máu và lửa” này, nhiều gia đình đã hương khói, chăm lo mộ phần và coi các anh, các chị như người ruột thịt của mình. Nơi hy sinh nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Nguyễn Hồng được dựng những tấm bia tưởng niệm, hay những ngôi mộ gió…

Người ta nhớ tới “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, “Nước vối quê hương” của Nguyễn Trọng Định, “Hương rừng” của Dương Thị Xuân Quý, “Đêm cao điểm” của Nguyễn Hồng hay những lời ca hùng tráng ‘‘xuống đường, xuống đường...’’ của nhạc sĩ Văn Cận… và không ngừng khắc khoải về hài cốt của các anh, các chị ở nơi đâu vẫn chưa tìm được.

Bia tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý, được dựng trong khuôn viên “đất lành Duy Xuyên” của vợ chồng anh Võ Bắc và chị Hồ Thị Anh. Bên mộ chị, hoa nở sớm chiều, không bao giờ tắt lặng khói hương. Cách bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong, chừng hơn trăm mét là nhà ông Văn Công Mịch. Ông Mịch là người đã thờ Chu Cẩm Phong và đồng đội hơn 40 năm qua. Ngày 1.5 hằng năm - ngày nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong hy sinh, ông đều làm mâm cơm để cúng. 

Theo lời kể của những người dân, lúc chị Phương Thảo hy sinh, “Thi thể còn nguyên vẹn, những người chứng kiến ai cũng khóc và nói cô ấy chết đẹp như một thiên thần”. Bà con địa phương tẩm liệm, chôn cất chu đáo trong mảnh vườn của nhà ông Văn Công Ba; nhân dân La Tháp, Duy Châu luôn hương khói và gìn giữ. Gần 30 năm sau, người thân của chị tận Hà Nội vào nhận. Sau đó, gia đình đã đưa chị vào nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, nhưng bà con nơi đây thành tâm xây một ngôi mộ gió nơi nghệ sĩ múa Phương Thảo từng nằm xuống, với tâm nguyện làm nơi trú ngụ cho hương hồn chị...

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà gần nơi chị mất, từ một cơ duyên anh chị gặp và trở nên thân thiết như người nhà, đã tự nguyện lập bàn thờ và giỗ cúng chị Phương Thảo suốt hơn 20 năm qua, hình ảnh nghệ sĩ múa xinh đẹp được treo trân trọng giữa nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO