Vẳng đưa…“khoan hố hợi hò khoan”

XUÂN HIỀN 27/01/2020 07:18

(Xuân Canh Tý) - Không rộn ràng âm sắc như bài chòi, hò khoan xứ Quảng có độ sâu lắng riêng. Và những người may mắn thay “cầm nắm” được cái âm sắc trời cho mỗi bận cất giọng, với họ, những ngày được sống với hò khoan, là một “phần đời lộng lẫy”…

Bà Nguyễn Thị Trang - cây hát hò khoan nổi tiếng của Điện Bàn một thưở. Ảnh: X.H
Bà Nguyễn Thị Trang - cây hát hò khoan nổi tiếng của Điện Bàn một thưở. Ảnh: X.H

1. Hò khoan xứ Quảng có lai lịch bằng đúng với hành trình di dân mở cõi từ thuở lập đất lập làng. Qua mỗi tỉnh thành của vùng đất dần mở về phương Nam, văn nghệ dân gian lại có những âm sắc, giai điệu riêng. Hò ví dặm xứ Nghệ, hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình, điệu Nam ai Nam bình xứ Huế rồi đến câu cất lên mở lời ngọt lịm “à ơi, khoan hố hợi là hò khoan…” của xứ Quảng mình.

Rồi lạ lùng thay, vào đến đất Quảng, những điệu hò khoan biến tấu để hạp với cảnh sắc và con người Quảng Nam chân chất nhưng cũng đầy tếu táo.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm VHTT- TTTH thị xã Điện Bàn, người gắn bó khá lâu với phong trào văn nghệ dân gian Điện Bàn nói, từ xưa, người nông dân Điện Bàn đã mê lắm cái điệu hò đặc trưng, vừa có tính đối đáp, thể hiện tài ứng tác tại chỗ của người xứ Quảng, vừa có cái thể điệu man mác đầy tâm tình.

Ông nói, hò khoan xứ Quảng gồm có hò trên sông nước và hò trên cạn. Hò trên sông nước có hò chèo thuyền, hò đua thuyền. Hò trên cạn có hò giã gạo, hò đi cấy, hò xay lúa… Một cuộc hát hò khoan thường có hai bên nam, nữ trải qua 3 chặng: hát chào, hát vào cuộc và hát nhân ngãi.

“Vô đây, bớ bạn vô đây
Trầu cau một hộp đem xây trên bàn
Tội chi đứng sá ngồi đàng
Sương sa lụy nhỏ, cảm thương hàn ai nuôi!”

Sau mấy câu hát chào, cuộc hát bước sang chặng “vào cuộc”. Lúc này, nam thanh nữ tú người ca kẻ xướng, cứ vậy làm nên những lời đối đáp chân tình.

“Ở nhà nghe tiếng hò khoan
Trốn cha, trốn mẹ băng ngàn tới đây
Tới đây gặp bạn chốn này
Hỏi bạn còn thương như cựu hay đà khuây nghĩa người?”

Rồi thì cuộc hát tiếp diễn bằng hàng loạt những câu hát đố, hát đối, hát xạo, hát nhân ngãi, hát hẹn, hát tiễn… Người ta cứ hình dung một cuộc đời đầy sống động giữa khung cảnh của đồng làng, bên anh bên ả, những tốp đàn ông đàn bà vừa lao động hăng say vừa tỏ bày tâm sự bằng chính những điệu hát dân gian được truyền tụng từ nhiều đời…

2. Và rồi cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, khi thời cuộc đổi thay, những thứ tưởng chừng nằm lòng trong máu thịt của mỗi con người, lại có lúc gần như chìm khuất đi. Người buông câu hò khoan vắng dần. Những lần hát đối đáp hát nhân ngãi vùi sâu vào ký ức những người tuổi đã hoa niên.

Bà Nguyễn Thị Trang – người con gái năm xưa từng run rẩy trong lớp áo bà ba, đứng chòng chành trên con thuyền nan ở sông Vĩnh Điện, để cất điệu hò khoan phục vụ dân thị trấn lúc bấy giờ. Ký ức ấy, với người phụ nữ sở hữu giọng ca còn ngọt lịm, như một “phần đời lộng lẫy” mà sau này khó điều gì có thể đánh đổi được.

“Đó là đêm hội hoa đăng tổ chức trên sông Vĩnh Điện. Tôi vẫn nhớ người dân đứng chật kín trên cầu Vĩnh Điện, rồi đoạn hai bên bờ sông, để nghe chúng tôi hát hò khoan” – bà Trang kể.

Đây cũng chính là một trong những lớp người phục vụ văn nghệ quần chúng của huyện Điện Bàn khi ấy được chọn để tham gia Liên hoan hát hò khoan Quảng Nam – Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức, đâu hồi những năm 1988 – 1990.

Cho đến một ngày khi văn nghệ dân gian truyền thống, trong đó có bài chòi, dần vắng khán giả thân thuộc, thì đội văn nghệ lưu động của những người đi lên từ phong trào cơ sở như bà Trang, cũng đành lui về một chốn. Chuyển qua làm công tác Hội phụ nữ, bằng những câu hát hò khoan, bà Trang lồng ghép câu chuyện tuyên truyền chính sách. Rồi nhiều hơn thế, những bữa dạy về điệu hò khoan cho trẻ nhỏ, được chính người phụ nữ này tổ chức.

Người ta có quyền mơ tưởng, một khi đời sống đang bắt đầu chững lại với sự nhìn nhận về vị thế của các giá trị văn hóa truyền thống. Khi bài chòi được vinh danh, thì cũng đồng nghĩa, giấc mơ về những câu hát cũ sẽ lúc nào đó sống dậy. Nên cứ thắp lên hy vọng, rằng cái điệu “à ơi, khoan hố hợi là hò khoan”… sẽ lúc nào đó, trở lại, và tươi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẳng đưa…“khoan hố hợi hò khoan”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO