Voi xứ Quảng trong sách xưa

NGUYỄN DỊ CỔ 30/08/2020 04:27

Từ xưa, voi xứ Quảng từng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở cả nước ngoài, sử sách đến nay vẫn lưu lại...

Đàn voi được ghi nhận tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc huyện Nông Sơn. Ảnh: Dự án Trường Sơn xanh.
Đàn voi được ghi nhận tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc huyện Nông Sơn. Ảnh: Dự án Trường Sơn xanh.

Xứ Quảng - đất voi

Voi Đàng Trong, đặc biệt là xứ Quảng, từ lâu đã được nhiều thư tịch cổ nhắc đến. Đường thư của Trung Quốc đã đề cập voi ở xứ Quảng trong việc xử kẻ có tội. Sách “Dậu Dương tạp trở” thế kỷ 7 - 8 chép: “Nước Hoàn Vương (tức Chămpa - NV), voi rừng thành bầy, một con đực có đến 30 con cái, người trong nước nuôi cho thuần thục rồi bắt nó đi lấy gỗ”. Chúa Nguyễn Phúc Chu từng khoe với thiền sư Trung Quốc: “Bản quốc có những tê ngưu và voi đi từng bầy trong núi”.

Năm 1621, linh mục Borri cũng viết “rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi”. Borri cho biết thêm, voi ở xứ Quảng lớn gấp hai voi Ấn Độ, vết chân để lại đường kính chừng nửa mét, ngà voi đực dài tới 4,7m (trong khi voi xứ khác được dẫn đi diễu ở châu Âu thì ngà chưa được 8 tấc). Voi ở xứ Quảng có tuổi thọ khoảng 40 năm.

Một trang sách Đông Tây dương khảo (1618) viết về voi xứ Quảng.
Một trang sách Đông Tây dương khảo (1618) viết về voi xứ Quảng.

Việc thuần dưỡng voi rừng để phục vụ cuộc sống, đặc biệt là được sử dụng trong chiến trận cũng được ghi chép lại. Nếu vào thời điểm 1621, Đàng Trong chưa biết cách bắt và luyện voi mà “phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia” như ghi chép Borri, thì hơn nửa thế kỷ sau vào thời điểm 1695, chúa Nguyễn đã kể cho Thích Đại Sán nghe chuyện: “Muốn bắt voi sống, người ta đem hai con voi cái thuần đi dụ, voi cái kèm voi rừng cho người ta lấy dây lớn cột chấn vào gốc cây, giam cho đói khát ít ngày, rồi người nài lần đến gần, cho ăn uống. Lâu dần quen, hai voi cái bèn kèm voi mới về giao cho một viên quản tượng”.

Theo miêu tả của Thích Đại Sán, đối với mỗi con voi xung trận, trên lưng được đặt một cỗ yên bằng gỗ sơn đỏ, hình như cái hộc, dùng để chở lính giao chiến với nỏ, với súng. Trong hộc có 3 người đứng, đầu đội hồng kim khôi, mình mặc áo nhung lục, tay cầm kim câu trường thương, một tên nài cầm câu liêm ngồi trên vai voi. Theo mô tả của Borri, voi còn chở khẩu súng lớn hay kéo nhiều thuyền chiến lớn kết dãy xuống biển.

Chúa Nguyễn Phúc Chu kể: “Mấy năm gần đây, những trận đánh với Đông Kinh (Thăng Long), Chiêm Thành, quân ta thắng trận phần lớn nhờ sức voi vậy. Thời tiên vương có một con voi ra xung phong hãm trận, chủ tướng bị địch giết bèn lấy vòi quấn thây chạy vào hang núi giấu kín; quay trở ra, nổi xung chạy vào trận địch, đánh phá tung hoành. Ba quân hùa theo, kết quả được toàn thắng. Sau lúc thu quân, voi đến quỳ trước trướng, dẫn người đi tìm hài cốt chủ cũ đem về chôn cất, rồi bỏ ăn, chết theo chủ. Đến nay, mả nghĩa tượng đương còn”. Chi tiết này làm nhớ đến thớt voi của Trần Hưng Đạo năm xưa. Theo đó, Thích Đại Sán nhận xét: “Đại Việt tượng tức Kí Bắc mã”, có nghĩa là voi Đại Việt như ngựa Kí Bắc. Ngựa Kí Bắc nổi tiếng hay - tốt ở Trung Quốc.

Voi Quảng sang Nhật

Voi Quảng đã trở thành vật tiến cống cho nước ngoài dưới thời Vương quốc Chămpa, quốc gia Đại Việt, chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong và triều Nguyễn. Song, sử liệu trong nước chỉ nhắc ngắn gọn thông tin voi là cống phẩm. Ngoài ra, thư tịch cổ của Nhật cũng ghi chép tỉ mỉ về voi Quảng di nhập đất nước Phù Tang.

GS. YAJIMA Michifumi, rút từ sách “An Nam kỷ lược cảo” (1796) của người Nhật, cung cấp thông tin về chi tiết voi Quảng Nam đã được đưa đến Nhật Bản vào năm 1728 do tướng quân Tokugawa Yoshimune đặt mua. Phan Hải Linh đi sâu nghiên cứu và công bố vấn đề này, một số trích đoạn: “Trịnh Đại Uy chở hai thớt voi một đực một cái của Quảng Nam nhập bến Nagasaki vào ngày 13 tháng 6 năm Thân, niên hiệu Kyoho thứ 13”, “Voi đực sinh ra ở Quảng Nam 8 năm trước, năm Dần. Lông xám, 5 móng, chân trước cao 5 thước 6 tấc dư… Voi cái sinh ra ở Quảng Nam 6 năm trước, năm Thìn. Lông màu xám, 5 móng, chân trước cao 4 thước 8 tấc dư”. Phan Hải Linh dẫn tác phẩm Edo meisho zukai viết năm Bunsei (Văn Chính) thứ 12 (1829), có chép rằng: “để ra mắt Thiên Hoàng và Pháp Hoàng, voi được ban tước Quảng Nam tòng tứ vị bạch tượng”.

Một điều đặc biệt về việc huấn luyện voi bằng tiếng Nhật mà sách “An Nam kỷ lược cảo” đã ghi: “Nếu dạy voi không ngừng các mệnh lệnh thì khoảng 100 ngày sẽ dạy được voi hiểu lệnh. Voi nghe được tiếng Quảng Nam, không hiểu tiếng Nhật. Hai người Nhật không rời voi, lúc đầu vừa cho ăn vừa nói một từ bằng tiếng Quảng Nam, sau dạy lại từ đó bằng tiếng Nhật. Dần dần voi hiểu được tiếng Nhật”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Voi xứ Quảng trong sách xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO