Xiêm y thức giấc

HỨA XUYÊN HUỲNH 19/09/2020 08:56

Trang phục, cũng như các loại hình khác, tồn tại hay bị “đào thải” đều có duyên do. Tranh cãi xung quanh ý tưởng cho nam công chức mặc áo dài ngũ thân là một thí dụ về các góc nhìn khác biệt đối với xiêm y.

Thấp thoáng áo dài của phụ nữ Hội An trong bức ảnh Chùa Cầu đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Thấp thoáng áo dài của phụ nữ Hội An trong bức ảnh Chùa Cầu đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu

“Trình diễn”

Tranh biện nổ ra sau khi Sở VH-TT Thừa Thiên Huế thử nghiệm cho cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống khi đến công sở từ đầu tháng 9, trong đó có áo dài ngũ thân dành cho nam giới. Luồng ý kiến ủng hộ thì nhắc nhiều đến di sản có xuất phát điểm từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (cải cách trang phục năm 1744) và tiếp tục cải tiến trong vòng 1 thế kỷ. Có nhà nghiên cứu còn dẫn ra 2 thuật ngữ của ngành di sản (bảo tồn và bảo tàng), như muốn di sản áo dài ngũ thân “thức giấc” và tồn tại sống động; khác với các di sản chỉ được bảo vệ theo kiểu cất giữ, lưu trữ bằng hiện vật, tư liệu trong bảo tàng...

Ở hướng ngược lại, dù vẫn yêu quý và cổ xúy việc phục dựng trang phục Việt truyền thống, nhưng nhiều người không thỏa mãn trước câu hỏi lớn về mục đích sử dụng. Công sở chưa phù hợp để chiếc áo dài ngũ thân xuất hiện, nói cách khác, đó không phải là “không gian trình diễn”. Phía đơn vị thử nghiệm khẳng định họ không có nhu cầu biến chiếc áo ngũ thân thành trang phục công sở mà chỉ dừng ở chỗ phục hồi di sản văn hóa. Mặc dù vậy, một khi công chức mặc áo dài đi làm vẫn rất dễ gây dị nghị. Chưa đến mức phải “huy động” lực lượng công chức vào cuộc bảo tồn trang phục cổ, bởi công sở khác với các không gian của lễ lạt, đối ngoại, du lịch hay sàn catwalk.

Trong các biếm họa về đề tài này, tôi rất thích bức vẽ một trung niên mặc áo dài ngũ thân chạy xe máy đến công sở, xe và mũ bảo hiểm đều sơn tím, chiếc khăn đóng thì đang… xỏ vào cánh tay phải, thấp thoáng chiếc kính và smart-phone giắt ở lưng quần. Dù kết quả tranh biện có thế nào, thì chiếc áo ngũ thân đã được trao cơ hội không thể tốt hơn để tự PR.

Khuất lấp

Nhân chuyện chiếc áo ngũ thân “thức giấc” một cách tình cờ, tôi liên tưởng đến những xiêm y đã ngủ vùi theo thời gian, trong không gian cụ thể của miền Trung.

Lấy cột mốc từ thời điểm chúa Nguyễn Phúc Khoát cải cách trang phục (giữa thế kỷ 18), ngược về hơn 1 thế kỷ để xem giáo sĩ Cristophoro Borri đã thấy gì khi ông đến Đàng Trong. Trong phần ghi chép về tính tình, phong hóa, tục lệ, cách sống, cách ăn mặc và thuốc men năm 1621, C.Borri có nhắc đến kiểu phục sức lạ: quàng cả tấm lụa lên người, rồi thêm 5 - 6 áo lụa dài và rộng, màu sắc khác nhau; từ thắt lưng trở xuống được sắp đặt các màu rất khéo. Khi đàn ông ra phố và gặp cơn gió nhẹ thổi tung, trông họ không khác gì “những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp”. Thêm chiếc khăn lụa màu da trời quấn ở cổ và cổ tay, đầu đội mũ giống kiểu mũ của giám mục, tay cầm quạt. Giới văn nhân tiến sĩ thì có chút khác biệt, phục sức trịnh trọng và không màu mè lòe loẹt. “Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen”, C.Borri viết. Tức là họ cũng đã mặc bên trong rất nhiều áo.

Ý tưởng thử nghiệm công chức mặc áo dài, trong đó có áo dài ngũ thân cho nam ở Huế, đang tạo ra diễn đàn về y phục. Ảnh: Internet
Ý tưởng thử nghiệm công chức mặc áo dài, trong đó có áo dài ngũ thân cho nam ở Huế, đang tạo ra diễn đàn về y phục. Ảnh: Internet

Thử lùi thêm khoảng 1 thế kỷ nữa. “Ô Châu cận lục” ấn hành năm 1555, quyển 3 (bản đồ) có nhắc về trang phục nhưng quá ít. Ở phần phong tục tổng luận của phủ Thuận Hóa (nay là địa phận kéo dài từ phía nam tỉnh Quảng Trị vào đến khu vực thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), tiến sĩ Dương Văn An nhận xét: “Y phục không khác Trung Hoa”. Sang đến phần viết về Điện Bàn, đếm kỹ cũng chỉ có 18 câu thơ, trong đó 2 câu nhắc sơ qua về trang phục: “Đàn bà mặc áo Chiêm/ Con trai cầm quạt Tàu”. Câu văn thứ 19 là dòng bình luận ngắn: “Phong tục huyện Điện Bàn hậu nhiều, bạc ít, đại loại là như thế”.

Trong “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777”, tác giả Phan Khoang cho hay kể từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận, Quảng, “người Việt vào đông thêm và y phục, khí dụng, phong tục cố nhiên là y theo kiểu họ đã sống ở Bắc”. Theo Phan Khoang, tương truyền chính Đào Duy Từ khi bày mưu định kế chống cự với họ Trịnh đã khuyên chúa Nguyễn Phước Nguyên (người kế vị chúa Nguyễn Hoàng) bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo bốn thân bày yếm mà mặc áo năm thân gài khuy, bỏ váy để mặc quần… Mãi đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (đời chúa Nguyễn thứ 8), y phục tiếp tục được cải cách, châm chước theo kiểu Trung Quốc.

Còn mất

Khi viết “Có 500 năm như thế”, tác giả Hồ Trung Tú cũng liên hệ hình ảnh chiếc váy từng xuất hiện trong ghi chép của giáo sĩ C.Borri với bức tranh in trong cuốn “A Voyage to Cochinchina in the year 1792 and 1793” của John Barrow (1764 - 1848). Bức tranh do William Alexander vẽ nhóm người ở Đàng Trong ở một làng bên cửa Hàn (Đà Nẵng). Đối chiếu với những gì John Barrow mô tả, tác giả Hồ Trung Tú nhận xét: Như vậy là sau 172 năm, chiếc váy nhiều tầng, nhiều màu của “người phụ nữ quý phái” (từ thời C.Borri) vẫn không thay đổi.

Nhưng chi tiết thú vị từ bức tranh nhóm người Đàng Trong lại thuộc về… y phục của 3 người đàn ông. Bởi từ hình ảnh áo cài nút chéo vai, đội nón hoặc cầm dù, quần rộng, tác giả Hồ Trung Tú tiếp tục liên tưởng đến chiếc quần “trật bù lươn” rộng thùng thình của nông dân Quảng Nam. Nghi vấn đặt ra: Liệu có phải chiếc Kama (xà rông người Chàm) vẽ trong sách John Barrow đã biến tướng thành chiếc quần “trật bù lươn”? Liệu nhà Nguyễn cấm “mặc quần không đáy” hồi tháng 9.1828 chính là cấm đàn ông mặc váy Kama chứ không phải cấm đàn bà mặc váy?

Trên báo Quảng Nam, tôi từng có dịp kể lại câu chuyện “áo dài ra phố”, một hình ảnh thân thuộc của phụ nữ phố Hội. Lần đó, nhân hội thảo quốc tế về bảo tồn văn hóa phi vật thể tại Festival di sản Quảng Nam lần thứ 5 (năm 2013), một người Hội An tâm sự với tôi rằng ngày xưa mẹ ông đi ra chợ cũng mặc áo dài, dù chợ chỉ cách nhà vài chục mét… Hình ảnh đẹp đó đã làm thức dậy trong ông niềm luyến tiếc không gian xưa cũ, nơi có các bà các mẹ từng chăm chút từng vạt áo để cùng làm nên nét lịch lãm của phố. Tôi vừa vào xem lại tư liệu hình ảnh sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của người Hội An xưa trên website của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vẫn thấy thấp thoáng áo dài đang thong thả ra phố…

Theo dòng thời gian khắc nghiệt, có nhiều thứ tự động khuất lấp (như các mẫu y phục cũ) hoặc do chính con người vận động để thay đổi (như tây phục, hớt tóc…). Nhưng cũng có những giá trị được nhìn nhận lại, muốn “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”, muốn khôi phục. Nói vậy, là ngụ ý khuyến khích chiếc áo dài, trong đó có cả áo ngũ thân của nam giới, sớm “xuất hiện” trong không gian đặc biệt, kiểu kinh đô áo dài xứ Huế. Chứ không thể và không nên dừng ở mức chỉ “trình diễn” nơi công sở.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xiêm y thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO