“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung

TRUYỆN KÝ CỦA PHẠM THÔNG 25/02/2020 08:59

Sơn Trung ở phía đông bắc của quận lỵ, có địa thế và vị trí đặc biệt ở vùng trung Quế Sơn. Phía bắc chạm chân núi Hòn Tàu, một dãy núi đồ sộ, rừng rậm, hiểm trở liên hoàn về phía tây là Bằng Thùng, Núi Lớn... thông tới Hòn Kẽm, Đá Dừng nằm ở hai bờ đầu nguồn sông Thu Bồn. Chân đằng đông của dãy núi này đổ xuống sát Phú Diên thuộc vùng đồng bằng Quế Sơn. Phía tây có dãy Động Mông - Đá Hàm chạy từ đường 105 ra hướng bắc nối với Hòn Tàu. Phía đông lại được án ngữ bởi dãy núi mọc từ chân Hòn Tàu đổ về phía nam, giáp với đường 105.

Như vậy Sơn Trung là một vùng bán sơn địa, một bán thung lũng có ba bên bao bọc bằng các dãy núi, chỉ mỗi một phía nam mở thoáng ra, tiếp giáp với đường 105 chạy qua Sơn Thượng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Tàu vừa là vùng căn cứ địa cách mạng của Quảng Đà, Quảng Nam đồng thời là vùng trung chuyển giữa đại ngàn Trường Sơn với đồng bằng nam Quảng Đà và bắc Quảng Nam. Hầu hết lực lượng quân đội, cán bộ đi công tác, các đoàn thanh niên xung phong... hành quân, vận chuyển lương thực thực phẩm từ vùng đồng bằng Quế Sơn, Duy Xuyên lên núi cao Trường Sơn đều men đường mòn chạy dọc chân núi này, qua địa bàn Sơn Trung về căn cứ. Chính ở vị trí bàn đạp đó nên Sơn Trung đã trở thành nơi giằng co vô cùng ác liệt giữa ta và địch trong suốt nhiều năm chiến tranh.

Ngay sau ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris ký chưa ráo mực, theo lệnh Nguyễn Văn Thiệu “Tràn ngập lãnh thổ, cắm cờ lấn đất giành dân”, bọn ngụy quân liền triển khai quân tấn công chiếm đóng Hòn Giang nằm ở đầu nam của rặng núi ngang chắn phía đông Sơn Trung.  Phía tây Sơn Trung, Trung đoàn 57 Biệt động quân rất hung hãn lập tức chiếm giữ Hòn Bồ, Đá Tịnh và cả rặng núi Động Mông - Đá Hàm cùng với Hòn Giang khống chế, đánh áp Sơn Trung từ hai phía đông - tây.

Tuy nhiên theo Hiệp định Paris, Mỹ và chư hầu đã rút quân để trở lại chỉ một mình lính ngụy, hỏa lực cũng giảm hẳn. Mặt khác tinh thần chiến đấu của lính ngụy thua xa quân viễn chinh Mỹ, tại vùng bán sơn địa này chúng rất ngại chạm trán với quân chủ lực của ta. Vì thế chúng chơi bài vừa tiến vừa lùi, không dám rời xa đồn bót, trải rộng quân chiếm đóng toàn xã Sơn Trung. Ví như tại đỉnh Hòn Giang, địch tụt dốc xuống lùng sục phục kích cán bộ, bộ đội từ Hòn Tàu di chuyển về phía Phú Thọ, Sơn Thượng...; ngăn chặn dân trụ bám đi chợ An Xuân và các chợ chòm hổm ở Đồng Lùng, xóm Váy, xóm Làng thuộc thôn Nghi Hạ, cắt đường gạo thóc, mắm muối và đường liên lạc của ta chứ không dám tiến vào các thôn Nghi Trung, Nghi Thượng nằm sâu trong vùng bán thung lũng Sơn Trung...

Nhận định được âm mưu của địch, đánh giá đúng thực lực về vật chất và tinh thần của chúng, Huyện ủy Quế Sơn kịp thời triệu tập các đảng ủy xã về quán triệt, phổ biến tình hình và đối sách của ta là kiên quyết chống lấn chiếm, giữ vững vùng giải phóng bằng phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công”. Trong thời buổi mất chỗ dựa lính Mỹ và bị cắt giảm viện trợ hơn trước thì chủ trương hô hào lấn đất giành dân, tràn ngập lãnh thổ của Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ là trò lên gân cho đỡ sợ mà thôi. Nhìn lại, trong thời khắc cao điểm nhất, Mỹ đã đổ vào chiến trường miền Nam hơn nửa triệu lính viễn chinh cộng với quân chư hầu lên đến trên sáu trăm ngàn, nhưng tất cả đều phải cuốn cờ về nước. Bây giờ chỉ còn lại mỗi “Quân lực Việt Nam cộng hòa”, một đội quân tay sai ô hợp đó thì không thể là đối thủ của quân giải phóng.

Nhận định địch như vậy không phải là chủ quan hay lạc quan tếu mà thực tế diễn tiến của chiến trường trong mười mấy năm qua đã chứng minh rõ điều đó. Sau Hiệp định Giơnevơ bọn Mỹ Diệm tiến hành khủng bố trắng lực lượng cách mạng miền Nam, chúng đã giết chết, bắt bỏ tù hầu hết người kháng chiến cũ, cơ sở quần chúng gần như bị đánh vỡ tan. Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời với chủ trương giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà bằng phương pháp đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Từ đó lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh, của khu hình thành. Ban đầu mỗi tỉnh có một đến hai đại đội, mỗi huyện có một trung đội vũ trang tuyên truyền. Ấy thế mà từ đầu 1960 đến 1965 lực lượng quân sự, chính trị của ta lớn lên như vũ bão. Đến đầu năm 1965, chỉ trong vòng 5 năm ta đã giải phóng hầu hết nông thôn, miền núi. Vùng giải phóng mở ra liên hoàn từ núi cao đến bờ biển, chiến trường miền Trung, miền Đông, miền Tây Nam Bộ đều diễn ra như vậy, đẩy ngụy quân, ngụy quyền trước nguy cơ sụp đổ. Đầu năm 1965 lính chiến đấu Mỹ trực tiếp nhảy vào miền Nam với binh hùng tướng mạnh, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, mở rộng cuộc chiến ra cả nước với mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng Mỹ lại thất bại, sau tám năm liên tục tấn công, liên tục đánh phá, hết thay thế chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác, cuối cùng buộc phải ký Hiệp định Paris triệt thoái toàn bộ quân chiến đấu Mỹ và chư hầu về nước. Sự thật của cuộc chiến trong những năm qua là như vậy, bây giờ chỉ lính ngụy cô đơn thì có cách nào đối chọi được với quân giải phóng, một đội quân tự giác chiến đấu, tự giác hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tình hình chung của miền Nam, Khu 5 và của tỉnh là như vậy, riêng huyện Quế Sơn, hay trên địa bàn nhỏ như xã Sơn Trung, từ lúc manh nha hình thành lực lượng vũ trang cho mãi tới nay cũng đã diễn tiến theo các bước gần như thế. Nay lại được cấp trên cung cấp tình hình toàn diện hơn, hiểu rõ về thế và lực của địch và ta hiện thời, quân và dân Sơn Trung càng khẳng định vào niềm tin tất thắng, quyết tâm lao vào cuộc chiến đấu trong tình hình mới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO