“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung

PHẠM THÔNG 27/02/2020 11:32

Thời khắc này nổi lên người hùng Võ Quốc Dĩnh. Chính lá cờ cắm sát đồn Hòn Giang khi chúng vừa đến chiếm đóng là từ tay anh. Anh cùng du kích đào hố chôn cột cờ, tự tay kéo cờ trong đêm hôm ấy. 

Từ một Xã đội trưởng lên Bí thư xã, mới 21 tuổi nhưng anh đã có 6 - 7 năm chiến đấu và tổ chức phong trào cách mạng trên chính quê hương mình. Ít học nhưng rất thông minh, khi đi tiếp thu nghị quyết, chính sách, phương thức tổ chức phong trào do cấp trên phổ biến, về tại cơ sở anh truyền đạt gần như nguyên văn, rót vào lòng chiến sĩ tình cảm, niềm tin và khí thế cách mạng. Bí thư Dĩnh cùng với Xã đội trưởng Đinh Hữu Lượm xây dựng lực lượng, lên sa bàn, bố trí đào công sự, trong những giờ phút quyết định anh xông ra trực tiếp chỉ huy công đồn, đánh giặc chống lấn chiếm. Anh cùng Phạm Đình Ba, Đinh Thị Thanh Doanh lãnh đạo đảng bộ triển khai rất cụ thể công tác vận động quần chúng, giành dân, giữ dân, quan tâm đến những vấn đề thiết thực nhất của dân.

Anh cùng với chị Doanh bám sát những người dân trung kiên, hiểu tư tưởng và tình cảm cách mạng của họ, vận động họ làm công tác binh địch vận, đấu tranh thuyết phục binh lính bỏ ngũ quay về với nhân dân. Và dân đã làm được việc. Họ tự mình đông chợ giữa vùng đang tranh chấp, làm sống lại cảnh buôn bán giữa làng quê kháng chiến đã bị bom đạn của quân thù xóa sạch trong nhiều năm qua. Họ tự mình quan hệ làm thân, vận động tiểu đội lính ngụy ở Hòn Giang vác một đại liên, hai cối cá nhân và nhiều vũ khí khác quay về với cách mạng... Anh là linh hồn của phong trào cách mạng Sơn Trung trong giai đoạn vừa đấu súng vừa đấu lý, đấu tình này. Bằng tấm lòng nhân bản của người cùng dòng máu Việt, anh cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân đã làm cho những người lầm đường lạc lối nhận ra tính chính nghĩa của công cuộc kháng chiến chống Mỹ mà cả dân tộc Việt Nam ta đang tiến hành, để họ bỏ ngũ quay về với nhân dân.

Từ năm 1967 đến 1972, Sư đoàn không vận Số 1 đến chiếm đóng Núi Quế, Cấm Dơi, Bằng Thùng và nhiều chốt điểm khác, cho lính nhảy dù chụp quân lùng khắp rừng núi Hòn Tàu, ngăn chặn con đường huyết mạch của ta từ căn cứ phía Trường Sơn chạy ngang Lộc Đại, Nghi Thượng, Nghi Sơn qua đèo Đòn Gánh xuống Phú Giêng, Phú Hương, Phú Phong, vùng sâu Thăng Bình hoặc đâm về phía bắc xuống Xuyên Trà, nối ra Điện Bàn, bí mật xâm nhập Đà Nẵng. Phía đầu tây bắc của Sơn Trung, trong những năm tháng ác liệt nhất, bộ đội, cán bộ đi công tác, thanh niên xung phong tải hàng ở đồng bằng lên bị Mỹ lết phục kích liên miên tại đèo Đá Trắng, đèo Đòn Gánh...

Giờ đây Mỹ rút quân, ngụy yếu thế không dám mò tới, dân ở các khu dồn bắt đầu trở về vùng kháng chiến, cuộc sống của các làng quê miền sơn cước vốn khá trù phú có dấu hiệu phục sinh. Ven đường, bên những giao thông hào, bên hầm trú ẩn cạnh những nền nhà bị bom sang phẳng đã có đôi ba chục người tụ tập buôn bán đầu mối dưới chợ Gò Dê - Phú Diên, những người ở vùng thấp hơn như chợ Bà Rắn, Mộc Bài, các xã duyên hải của Thăng Bình cất công băng đèo Đòn Gánh lên Lộc Đại, Nghi Sơn, Nghi Thượng, Xóm Trại - Nghi Trung, mang cá khô, mì chính, cá hộp, mắm cái lên trao đổi, mua bán với dân trụ bám, cán bộ, bộ đội ở miền bán sơn địa này. Với vị trí ngã ba, ngã tư của tuyến đường từ Trường Sơn đổ xuống đồng bằng, tuyến đường nuôi sống kháng chiến, người ta ví von rằng “Sơn Trung là cái đòn gánh hai đầu đông tây xứ Quảng”, vì thế chen giữa những khoảng trống yên bình, không khí sinh hoạt đời thường đáp ứng những nhu cầu bức thiết của cuộc sống, của kháng chiến lập tức hồi sinh.

Phong trào cách mạng quần chúng của Sơn Trung trong giai đoạn sau Hiệp định Paris phát triển khá toàn diện, đặc biệt quân và dân nơi đây đã lập nên những thành tích xuất sắc về công tác binh địch vận. Huyện, tỉnh, khu 5 biết rất rõ, chọn Sơn Trung là đơn vị điển hình lập thành tích xuất sắc trong công tác binh địch vận; trụ chắc vùng giải phóng, chống trả đầy hiệu quả kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của đối phương ngay từ khi Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực; thực hiện tốt chính sách 10 điểm về hòa hợp, hòa giải dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong năm 1973, đồng chí Đinh Thị Thanh Doanh được Đảng bộ xã cử thay mặt quân và dân Sơn Trung đọc báo cáo điển hình tại các Hội nghị Tổng kết công tác binh địch vận và phong trào đấu tranh chính trị do huyện, tỉnh và khu 5 tổ chức.

Tôi về Quế Hiệp, đi trên những con đường làng bê tông bằng phẳng thênh thang, hai bên san sát những ngôi nhà ngói đỏ tươi, tìm gặp những chiến sĩ cách mạng còn sống sót sau cuộc chiến. Tâm sự với tôi, chị Doanh, anh Vinh rưng rưng nhắc nhớ đến Võ Quốc Dĩnh - Anh hùng lực lượng vũ trang hy sinh ở gò Đồng Mặt trong lúc tiềm nhập vùng địch hậu; nhắc nhớ đến lời dặn dò của bà Đây binh vận và những đồng đội ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Nhớ cái thời các anh chị chiến đấu một mất một còn với kẻ thù nhưng lại rất nhân bản khoan dung với những người lầm đường lạc lối, biết ăn năn hối cải... Đang hoài niệm về một thời bi tráng, hào hùng bỗng chị Doanh, anh Vinh cùng lúc chỉ tay về phía Hòn Giang, Động Cỏ, Động Mông - Đá Hàm:

- Kìa anh thấy không, núi đồi trong thời chống Mỹ xơ xác vì bom đạn, vì chất độc hóa học, bây giờ trải dài ngút tầm mắt một màu xanh của lá. Đó là những rừng keo vươn lên trong thời bình, đó là màu xanh giàu có của người dân vùng bán sơn địa. Cũng đồi núi ấy, ngày xưa địch ở trên đó ngày đêm nã pháo xuống xóm làng, ngày nay lại chất chứa nguồn sống, mạch sống của chúng tôi. Cây keo trên những dãy núi kia đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Lộc Đại, Nghi Sơn, Nghi Thượng, Nghi Trung, Nghi Hạ. Con gái, con trai Quế Hiệp đều được học hành, nhiều gia đình có hai ba con tốt nghiệp đại học và còn vươn cao hơn nữa... Quế Hiệp - Sơn Trung anh hùng trong kháng chiến, bây giờ trên đà khởi sắc dựng xây. Ở tuổi cổ lai hy, nhìn làng xóm an yên, con cháu có học có hành, chúng tôi rất vui, rất tự hào vì có chút đóng góp ở thời trai trẻ. Hạnh phúc rất giản đơn, những người lính già như chúng tôi, giờ rất mãn nguyện trong cuộc sống hằng ngày cùng bà con lối xóm, hỉ xả cùng những người phía bên kia chiến tuyến năm xưa, vui vầy với gia đình cháu con giữa đất nước thanh bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Ba mũi giáp công” của đất và người Sơn Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO