Có thể nào quên?

Truyện ký của PHẠM THÔNG 15/08/2019 14:35

Cán bộ nằm vùng là phải bám dân, ẩn náu trong các làng xóm. Hải Để biết bơi lội, có sức khỏe tốt nên cắm sâu dưới vùng đông Tam Kỳ, địa hình ngăn cách bởi những dòng sông lớn như Trường Giang, Tam Kỳ. 

Ở đó toàn nổng cát trắng, ngày này qua tháng nọ phải nấp trong buồng, nằm dưới lòng đất, trên rầm nhà, bí quá phải chui vô bụi dứa dại chịu nắng cả ngày. Đến đêm trồi lên, nhảy xuống, rúc ra lần đến các nhà cơ sở. Cả tháng các ông khó hoặc là không thấy được mặt trời, hiểm nguy luôn rình rập, rủi lộ khó mà chạy thoát với địa hình trống trơ như thế. Tư tưởng họ phải thường trực với những kế sách đối phó, căng thẳng từng giờ, từng ngày. Được một cái là gần dân, dân yêu thương, đùm bọc, có chút cá biển, chút mắm đỡ khổ. Có dân nhưng vắng Đảng, nhất là thời gian gần đây (1957) các đồng chí, đồng đội lần lượt rơi vào tay giặc để lại cho các ông sự cô đơn đồng đội. Ông Hải được lệnh về căn cứ báo cáo tình hình, ông vui như mở cờ trong bụng...

Về căn cứ Hóc Hói nằm ở lưng chừng đèo Dài dù sao cũng dễ thở hơn, thời điểm này đồng chí của ông còn lại rất ít nhưng vẫn có người để bàn bạc, thảo luận, chuyện trò. Đôi khi còn mở những quyển sách mỏng có nội dung chính trị, những quyển sổ chép tay thơ Tố Hữu bọc ny lon nhét giấu trong kẹt đá, giữ trong ba lô ra cùng nhau đọc, suy ngẫm, thảo luận để củng cố niềm tin cho nhau mà lạc quan chiến đấu. Ba Đông, Hải Để thuộc nằm lòng nhiều bài thơ Tố Hữu. Có thể nói thơ Tố Hữu là một trong những vũ khí tinh thần động viên các chiến sĩ trụ bám miền Nam trong thời khắc hết sức tối tăm này. Mỗi khi gặp khó khăn thử thách các ông thường ngâm, có khi đọc thành tiếng: “Làm cách mạng từ khi ta đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy thôi cần chi nói nữa/ Bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi/ Dẫu mai đây có chết một thân tôi/ Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu/ Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão/ Gân đang săn và thớ thịt căng da/ Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa...”. Còn khi nằm ở dưới đồng bằng, trong vùng địch chiếm, không câm mà phải nói không tiếng, mắt sáng mà không được thấy mặt trời mới thiệt là khổ....

Các ông thay phiên nhau đi công tác, khi nào cũng có ít nhất vài người nằm lại căn cứ. Nói căn cứ cho to vậy chứ có cái nhà cái cửa chi đâu. Các ông phải sống cái kiểu “đi không dấu, nấu không khói” thì nhà cũng chỉ là hang đá, tấm tăng che mưa, nằm ngủ võng buộc vào cây rừng. Nấu ăn bằng củi thiệt khô, lựa lúc trời nắng, khói không đọng lại trên cây; đêm phải che lửa, ánh sáng thật kín, nấu xong xóa dấu vết. Đã ở trong kẹt núi, hang hốc, khe suối mà cũng phải vậy đó. Bọn địch bôi bát những chiến sĩ lặn núi ngủ hầm này là thổ phỉ, treo đầu họ cả triệu đồng, mấy tạ gạo.

Ở núi cực thật, ăn uống kham khổ thường trông chờ vào sự tiếp tế rất khó khăn của cơ sở. Muốn gặp cơ sở để lấy gạo, lấy muối phải hẹn trước. Thường các ông phải ra đèo Dài nằm trong bụi rậm chờ các cô bán mắm ở biển lên, người dân ở Trường An đi rừng hoặc làm việc chi đó liên quan đến vùng trên này một cách hợp pháp với địch, thấy họ đi tới phải làm mấy tiếng chim kêu, họ đáp lại đúng mật khẩu mới ra tiếp cận nhận lương thực, thực phẩm. Bà Lan, bà Phụng, bà Ngô người biển Tam Ấp - Kỳ Phú, mẹ con bà Nghị, chị Tiến ở ngay chân đèo Dài, Bích An, Kỳ Bích... thường làm việc nguy hiểm này. Liều nhất là chị Đặng Thị Lan người biển Tam Ấp, dáng bé thấp nhưng rất kiên cường. Không biết chị đi từ bao giờ mà mặt trời lên độ vài sào đã ở giữa đèo Dài rồi. Lúc nào cũng có cá nục, cá ngừ kho, cá hố khô, mắm cái, mắm nước tiếp tế cho các ông. Chị đích thực là cánh tay nối dài của các ông về tới vùng biển xa xôi kia. Chị không chỉ là người tiếp tế thực phẩm mà còn là một giao liên thiện nghệ, qua mắt địch đưa tin tức về vùng Đông. Bởi thế chị được Huyện ủy, ông Mười rất tin tưởng. Chị được ông Mười Chấp - Bí thư ra quyết định kết nạp Đảng vào tháng Giêng năm 1957. Lúc này có một người được kết nạp Đảng là hiếm, quý hơn vàng. Bởi hầu hết đảng viên nằm lại đều bị địch bắt, giết hại gần sạch, tư tưởng cầu an, nằm chờ thụ động đang phổ biến trong dân và những người kháng chiến còn nằm lại hợp pháp với địch. Bắt mối cho được một cơ sở vững vàng, trung kiên, khôn khéo, xông pha là rất khó. Chị Đặng Thị Lan được kết nạp trong giai đoạn thoái trào vô cùng nghiêm trọng này là vinh dự lớn. Có thể nói chị là một trong những người đầu tiên được kết nạp Đảng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ở Tam Kỳ. Người thứ hai là cô Tiến vừa là đồng chí vừa là người tình lãng mạn của Mười Chấp. Có lẽ vì nhớ vì thương, vì sợ ổng đau, ổng đói và vì nước vì non, vì bảo vệ chăm sóc một chiến sĩ cách mạng nên cô Tiến đẹp gái kia  thường xuyên lách địch vào núi, vào hố đưa gạo, tiếp mắm cho các ông. Mỗi lần như thế, ông Mười đều trực tiếp ra đón nhận, không thì nhớ bứt tóc. Có nghĩa là ông Bí thư này nhất cử lưỡng tiện.... Hải Để, Ba Đông chỉ biết nhìn theo trông chờ mắm muối. Thế mà còn lầm rầm, cười khẩy: Thủ trưởng mình lanh thiệt ta!

Có dạo đôi ba tháng cả chị Lan, cô Tiến đều bị địch bắt nhốt ở nhà tù quận Tam Kỳ, vắng người tiếp tế các ông đói cơm, lạt mắm, ăn sắn, củ rừng trừ bữa. Không chịu đói, không chịu lạt mắm mấy ông thay phiên nhau mò xuống nhà cơ sở kiếm gạo, kiếm thức ăn. Đi công tác lặn lội khắp nơi không chết, đi lấy gạo về ăn mà chết mới đau. Nhưng cẩn thận cộng với kinh nghiệm đầy mình, các ông không bao giờ vào nhà dân bằng đường mòn, băng đồng băng bờ, xoi rào bước vào nhà. Toàn lần đi những lối địch không lường nổi. Có thế mới sống dai nhách để làm cách mạng được. Tệ hại nhất là bị cơ sở phản, chết như chơi. Nhiều đồng chí của các ông đã bị như thế phải vong mạng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có thể nào quên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO