Không tắt, lửa Trà Nô

NGUYÊN THÀNH VINH 30/04/2020 06:14

Hè chưa nắng rát, lối về làng Ông Tía rợp một màu xanh. Chúng tôi đi tìm những “tay rựa Trà Nô”, tìm câu chuyện cũ ngày ngọn lửa Trà Nô bừng bừng góc núi một đêm tháng 3 của 60 năm về trước. Ký ức vẫn sống, ít nhất là trong miền lặng yên của núi rầm rì vọng lại…   

Bia di tích về khởi nghĩa làng ông Tía tại thôn Trà Nhan, xã Phước Trà, Hiệp Đức. Ảnh: T.C
Bia di tích về khởi nghĩa làng ông Tía tại thôn Trà Nhan, xã Phước Trà, Hiệp Đức. Ảnh: T.C

Suối nước Vin mát xanh phía đầu làng. Giờ làng có tên mới là Trà Nhan (xã Phước Trà, Hiệp Đức), nhưng nhiều người vẫn quen hỏi bằng cái tên của một thời quá vãng: làng Ông Tía. Không chỉ là nơi phát xuất kỳ tích của 11 người làng trong đêm khởi nghĩa, nơi này còn được nhắc nhớ là địa bàn tiên phong trong việc khai hoang trồng cao su một thuở trên vùng căn cứ địa.

Một thời hào khí

Con đường mới xuyên qua những vạt keo, vạt cao su đã lên cao ngút, dẫn lối chúng tôi về Trà Nhan, tìm gặp chứng nhân duy nhất trong số 11 “tay rựa” Trà Nô còn sống. Ông là Hồ Văn Loan, nhưng cái tên được khắc trên bia tưởng niệm cùng với 10 người khác mang họ Đinh. Tuổi già, cái tai đã không còn tinh như những ngày cắt rừng băng suối, trí nhớ cũng theo tuổi tác mà vơi đi nhiều. Con gái ông lý giải, sau này, vì cả làng đều đổi họ Hồ, nên tên ông không phải là Đinh Loan như trên bia.

Ông không nhớ tuổi mình, hỏi chuyện gì, cũng phải chờ người con gái “phiên dịch” sang tiếng Mơ Nông. Đã thấy bóng mây trong mắt ông già, bên cạnh tóc bạc da mồi và dáng điệu chầm chậm của tuổi xế chiều. Nhưng kỳ lạ, là trong bập bõm những câu trả lời, thì chuyện về cái đêm “lửa Trà Nô” vụt cháy ấy, ông còn nhớ lắm.

“Lửa Trà Nô” là cái tên mà lịch sử địa phương vẫn thường gọi cho cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía vào ngày 13.3 của tròn 60 năm trước. Một trận thắng “phá kìm, diệt ác” vang danh vùng Thượng, nơi chỉ có vỏn vẹn 30 gia đình với chừng hơn 200 nhân khẩu. Sống trong ngôi nhà dài truyền thống, tên của làng khi ấy được gọi theo tên vị già làng: Ông Tía.

Những trang sử còn ghi: năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Luật 10/59, thực hiện chiến dịch “thượng du vận” nhằm dụ dỗ lôi léo đồng bào các dân tộc thiểu số. Đầu năm 1960, chúng tổ chức các lực lượng chốt giữ tại làng Ông Điểu, Ông Nuôi, Nước Mục, Gia Ngàn, Ông Tía, Ông Viên, Ông Đầu, mỗi làng có từ hai tiểu đội đến một trung đội chốt giữ. Sau khi thiết lập hệ thống đồn bốt, địch tiến hành đặt các cơ quan hành chính thay mặt chúng điều hành làng. Địch tăng cường chống phá, cướp bóc, giết hại dân lành hòng khủng bố trắng.

Giữa những kìm kẹp của quân thù, đội tự vệ bí mật làng Ông Tía đã ra đời, gồm 11 người (Lào, Đề, Hèo, Sơn, Xin, Nhéo, Nhớ, Uông, Đu, Loan, Xảo). Kế hoạch khởi nghĩa được thông qua, từng thành viên lập tức nhận lấy phần nhiệm vụ của mình, dưới sự chủ xướng của ông Đề. Già Loan nói, đêm tiến xuống đồn, địch còn 5 tên, 6 cây súng. Những “tay rựa” Trà Nô với thứ vũ khí duy nhất là con rựa đi rừng. Dự tính, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra vào đêm 12.3.1960, nhưng do địch cảnh giác, mãi đến sáng 13.3 đội tự vệ mới có thể hành động.

Một trận “xáp lá cà” rất nhanh đã diễn ra nơi miền ngược. Sau chiến thắng, cả làng thu được toàn bộ súng đạn, đồ quân dụng của địch, thoát ly vào rừng, tiếp tục tổ chức cắm chông, đặt bẫy thò, bố phòng chống địch. “Không ai sợ. Chúng tôi đánh rất nhanh, diệt hết bọn địch. Cả làng reo mừng, từ nay không sợ kìm kẹp, giết chóc, cướp phá của giặc nữa” - già Loan thuật lại.

Ông Hồ Văn Loan, người duy nhất trong số 11 người đội tự vệ làng ông Tía còn sống. Ảnh: T.C
Ông Hồ Văn Loan, người duy nhất trong số 11 người đội tự vệ làng ông Tía còn sống. Ảnh: T.C

Địa chỉ đỏ

Già đã sống gần hết cuộc đời rồi, không nhớ nổi nhiều thứ. Chỉ có cái đêm khởi nghĩa, là không quên. Nhờ ngày ấy mà làng Ông Tía tự do, cả làng sống với rừng của mình, với núi của mình. Người mình quen tự do rồi, không kẻ thù nào có thể áp bức mình, lấy tự do của mình. Không có súng, thì có rựa, có dao, chỉ cần lòng này không sợ. Cũng từ đêm đó, cả làng tìm thấy con đường đi của mình, là theo Đảng, theo Bác Hồ. Sáu mươi năm rồi, đến giờ vẫn vậy, vẫn chỉ một con đường đó thôi”.(Già Hồ Văn Loan)

Trận đánh ở làng Ông Tía là cuộc khởi nghĩa xảy ra sớm nhất ở Quảng Nam, là hiệu kèn xung trận ở giai đoạn mới “đấu tranh chính trị và vũ trang kết hợp”, bắt đầu tại một làng nhỏ, lan ra cả vùng và toàn tỉnh sau này, phát động cuộc chiến tranh du kích toàn dân, toàn diện. Thắng lợi này đã củng cố niềm tin chiến thắng, tình đoàn kết, tinh thần yêu nước trong nhân dân, làm nên một ngọn lửa Trà Nô hào khí soi sáng dẫn đường cho quân và dân ta xuyên suốt trong phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần làm thất bại chiến dịch “tố cộng” và chiến dịch “thượng du vận” của địch.

Nhiều năm sau, nơi này như một “chứng tích đỏ” cho các thế hệ và chính thức được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1999. Năm 2006, UBND huyện Hiệp Đức lập dự án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết di tích, triển khai xây dựng các hạng mục như nhà rông, bia ghi danh... Ngoài các thiết chế văn hóa lịch sử, xung quanh di tích này huyện còn bố trí xây dựng 12 nhà sàn truyền thống để người dân sinh sống.

Theo UBND xã Phước Trà, khu di tích khởi nghĩa làng Ông Tía đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nuôi dưỡng lòng yêu nước và là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của cán bộ và nhân dân xã. Để giáo dục truyền thống cách mạng, tại khu di tích này cứ 2 năm diễn ra một lần đại hội văn hóa thể thao 3 xã vùng cao Phước Gia - Phước Trà và Sông Trà của huyện Hiệp Đức.

Tại đây, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là lễ hội mừng lúa mới, múa cồng chiêng... được tổ chức, thực sự là ngày hội kết đoàn của bà con vùng cao, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.

Sự kiện khởi nghĩa làng Ông Tía đã tròn 60 năm. UBND huyện Hiệp Đức cho hay đã chỉ đạo Phòng giáo dục xây dựng nội dung về sự kiện này để đưa vào chương trình dạy học ngoại khóa về lịch sử địa phương. Cái tên “làng Ông Tía” cũng được UBND huyện trình để đưa vào quỹ tên đường cho thị trấn mới Tân Bình, để luôn nhắc nhớ về niềm tự hào trên mảnh đất quê hương. Sẽ không tắt, “lửa Trà Nô”, trên vùng căn cứ địa.

Kỳ vọng mới

Miền hồi ức của dân làng, từ ngày ấy, là cả một hành trình dài son sắt với Đảng, với Bác Hồ. Dân làng lấy họ Hồ, sau ngày giải phóng, lại trở về gần nơi cũ để dựng nhà, lập lại làng.

Ông Lê Văn Hường - Phó Chủ tịch xã Phước Trà nói, sau sáp nhập, làng có tên mới Trà Nhan, với 199 hộ, gần 900 nhân khẩu. Nhiều năm qua, vùng căn cứ địa này được đặc biệt quan tâm đầu tư bằng các chương trình, chính sách kinh tế xã hội, diện mạo của nơi này nhờ đó cũng đã có nhiều đổi thay. Hơn 90% số hộ đã sử dụng điện lưới quốc gia, đường ô tô vào sâu trong làng, từ tự cung tự cấp, bà con đã quen dần với việc sản xuất nông sản để mua bán. Nguồn vốn từ nhiều chương trình, chính sách giúp sắp xếp lại dân cư, ổn định nhà cửa, kiên cố hóa trường lớp, giúp bà con phát triển kinh tế. Xã cũng vừa thực hiện khai hoang hai cánh đồng Trà Nhan và Nà Quy, tạo diện tích lúa nước đáng kể để bà con sản xuất.

“Thay đổi rõ nhất, bên cạnh những khác biệt về hạ tầng, về đường sá, là chuyện bà con dần có ý thức tự chủ trong phát triển kinh tế. Với lợi thế phát triển lâm nghiệp, nhiều hộ gia đình rất chú trọng trồng cây keo, trở thành cây trồng khá chủ lực giải quyết nhiều khó khăn” - ông Hường nói.

Đã thấy đổi thay hiện hữu trong từng nhà, từng ngõ. Năm 2018, cùng với xã Sông Trà, Phước Trà chính thức được công nhận là xã an toàn khu. Song, phía trước vẫn còn nhiều trăn trở.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, làng Ông Tía nói riêng, các xã Phước Trà, Sông Trà nói chung đang được ưu tiên hỗ trợ từ nhiều cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là những điều kiện thuận lợi khi chính sách cho đồng bào miền núi ngày càng được quan tâm.

“Nhiều thứ đã đổi khác, cuộc sống bà con ngày càng đi lên. Nhưng yếu tố bền vững và một cuộc cách mạng trong tư duy sản xuất, làm ăn của bà con vẫn còn hơi mờ so với kỳ vọng. Để thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm, không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai. Huyện vẫn đang tập trung chỉ đạo, tiếp tục có những hoạch định chiến lược hơn để phát huy lợi thế, đồng hành với bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu” - ông Thọ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không tắt, lửa Trà Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO