Ký ức không quên về ngày giải phóng Tiên Phước

VÕ TƯỞNG 10/03/2020 10:22

Cuối tháng 2.1975 đội tuyên truyền của tôi đang đứng chân tại xã Kỳ Phước, huyện Bắc Tam Kỳ (nay là xã Tam Lộc, Phú Ninh), được lãnh đạo Ban Binh địch vận tỉnh điều về cơ quan. Lúc này Ban Binh địch vận tỉnh đóng tại xã Phước Sơn, huyện Quế Tiên (nay là xã Tiên Sơn, Tiên Phước). Về đến cơ quan tôi được biết sắp mở chiến dịch xuân hè. Vài ngày sau, đồng chí Trần Minh - Phó Trưởng ban Thường trực gọi toàn đội lên giao nhiệm vụ tham gia chiến địch giải phóng Tiên Phước, đồng thời phân công tôi trực tiếp đi hợp đồng phối hợp cụ thể. Đội chúng tôi lúc đó gồm 3 người, ngoài tôi còn có các đồng chí Ngô Thị Vinh và Vũ Đình Diêm (đồng chí Diêm sau này là Trưởng Công an TP.Tam Kỳ; đồng chí Vinh nghỉ mất sức).

Theo phân công của lãnh đạo ban, sáng 5.3.1975  tôi từ cơ quan đi bộ lên bến phà Tiên Hà, qua sông đến điểm hẹn, đồng chí trợ lý địch vận Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 đang chờ tôi tại đây. Sau khi hợp đồng cụ thể tôi quay về báo cáo, được đồng chí Trần Minh dặn dò cụ thể và thông báo thay đổi nhân sự của đội. Đồng chí Ngô Thị Vinh được phân công nhiệm vụ khác, thay vào đó anh Nguyễn Bé người Nam bộ, nguyên là đào binh được ban tuyển làm nhân viên cơ quan. Cần nói rõ thêm, trong kháng chiến chống Mỹ, Ban Binh vận tỉnh tuyển dụng nhiều người là nghĩa binh, đào binh làm công tác trong cơ quan, một số anh trở thành cán bộ, đảng viên mà phần lớn là người Nam Bộ, trong đó có anh Bé.

Sáng 9.3.1975, đội xuống xã Phước Cẩm (nay là Tiên Cẩm, Tiên Phước). Đến điểm hẹn, đồng chí trợ lý địch vận Trung đoàn 31 đón và đưa về Ban chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh 8, do đồng chí Hoàng Minh Tiến làm tiểu đoàn trưởng. Địa điểm của tiểu đoàn bộ đóng cách ấp chiến lược xã Phước Hòa (nay là xã Tiên Châu) khoản 1,5km đường chim bay về phía bắc, nơi đây rừng hoang không một nhà dân. Tại đây không khí làm việc nhộn nhịp nhưng im ắng, người đào công sự, người bắt đường giây thông tin, người trực bộ đàm, người lo cơm nước…, người nào việc ấy và trao đổi với nhau rất khẽ. Buổi chiều hôm ấy chúng tôi mượn xẻng bộ đội đào công sự, đề phòng phi pháo địch bắn bất ngờ.

Ngày 10.3.1975, khoảng 3 giờ 30 sáng chúng tôi được đánh thức, ăn sáng xong, mỗi người nhận thêm một vắt cơm trưa và 2 bánh lương khô, sau đó cùng bộ đội triển khai đội hình chiến đấu. Tôi phân công đồng chí Bé mang súng đi trước, đồng chí Diêm vác loa trên vai, tôi mang âm ly và cầm micro trên tay sẵn sàng phát loa kêu gọi. Tôi được biết giờ G nổ súng tiến công toàn khu chiến là 4 giờ 30, riêng hướng chúng tôi khoảng 5 giờ 30, khi trời vừa hừng sáng, sương mù còn khá dày, bộ đội ta nổ súng tiến công ấp chiến lược Phước Hòa. Đội lập tức phát loa :“Hỡi anh em sĩ quan, binh lính trong quân đội Sài Gòn. Quân giải phóng đang tiến công giải phóng quận lỵ Tiên Phước, anh em hãy mau chóng buôn súng đầu hàng để được khoan hồng”. Bộ đội hành tiến phía trước, chúng tôi đi liền kề phía sau, hết tôi đến đồng chí trợ lý địch vận trung đoàn liên tục phát loa kêu gọi. Ngoài kêu gọi binh lính địch, chúng tôi kêu gọi đồng bào trong ấp bình tĩnh ở tại nhà, không bỏ chạy hoảng loạn nguy hiểm đến tính mạng. Tiếng loa vang lên hòa cùng tiếng súng tiến công của bộ đội, bọn địch trong ấp chiến lược Phước Hòa hoang mang, dao động, chống cự yếu ớt và bỏ chạy về hướng quận lỵ. Đội chúng tôi bám sát Đại đội 5 Tiểu đoàn 8 vận động băng qua các khu dồn, vừa phát loa kêu gọi, vừa nổ súng truy kích địch và hướng thẳng về phía cứ điểm 211.

Mục tiêu chính của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 là tiêu diệt cứ điểm 211. Cứ điểm này nằm giữa 2 xã Phước Hòa và Phước Mỹ (nay là Tiên Châu và Tiên Mỹ), cách quận lỵ Tiên Phước 1,5km theo đường chim bay về phía bắc. Đây là cứ điểm then chốt, quan trọng bật nhất trong hệ thống phòng thủ liên hoàn bảo vệ quận lỵ Tiên Phước. Tại đây địch cho xây dựng rất kiên cố, khu trung tâm có hầm bê tông, 42 lô cốt và gần 30 trại lính; xung quanh có từ 3 đến 5 lớp rào kẽm gai; ở giữa các lớp rào là bãi mìn. Chín giờ sáng pháo ta bắt đầu bắn vào quận lỵ và cứ điểm 211; đúng 11 giờ tăng cường độ bắn cấp tập vào cứ điểm, bọn địch trong đồn bị áp chế hoàn toàn. Lợi dụng lúc địch rối loạn, Tiểu đoàn 8 triển khai các mũi tiến công áp sát mục tiêu, đầu tiên đánh chiếm 2 tiền đồn: đồi Tranh ở phía bắc và đồi Yên Sơn ở phía tây. Sau khi chiếm được đồi Tranh, chúng tôi liền lên đó. Điểm này theo đường chim bay cách đồi 211 gần 400m. Treo chiếc loa lên một cây khô, chúng tôi kêu gọi:“ Hỡi anh em binh sĩ trong đồn 211, hãy mau buông súng đầu hàng để được khoan hồng”. Cứ như vậy, chúng tôi thay nhau phát loa kêu gọi liên tục vào đồn. Từ đồi Tranh nhìn qua cao điểm 211 chúng tôi quan sát được động tĩnh của địch và ta. Pháo ta dội liên hồi, nhiều lô cốt, trại lính bị phá hủy, bọn địch chui hết vào công sự. Cùng lúc bộ đội ta mật tập áp sát hàng rào, khi pháo vừa chuyển làn, mìn phá rào phát nổ, bộ đội từ các hướng nổ súng tiến công. Bọn địch trong đồn lợi dụng công sự kháng cự chống trả điên cuồng, nhưng trước sức tiến công mãnh liệt áp đảo, các hỏa điểm của địch lần lượt bị hỏa lực của bộ đội ta dập tắt, hệ thống phòng ngự của chúng bị phá vỡ...

Đúng 13 giờ 30 phút ngày 10.3.1975, lá cờ chiến thắng được Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 cắm trên nóc hầm chỉ huy của căn cứ 211. Tiết trời tháng 3 nắng khá gay gắt, bình đông nước mang theo không còn một giọt, khát nước cháy cổ, bụng đói cồn cào, nhưng toàn đội vẫn theo chân bộ đội vận động lên cứ điểm 211 và phát loa hướng về phía quận lỵ Tiên Phước kêu gọi. Vừa gọi được vài phút, âm ly bị hỏng, tôi mở ra sửa, cùng lúc trên bầu trời xuất hiện 3 chiếc máy bay A37, chỉ huy đơn vị liền phát lệnh đơn vị rút. Tôi đang sửa chiếc âm ly, đành phải hốt ốc vít bỏ vào túi quần rút theo bộ đội, vừa rời khỏi, máy bay ném liền hai loạt bom xuống đồn. Đồng chí Diêm trong đội lăn mấy vòng dọc theo đường, chiếc loa méo như chiếc nón lá bẻ gấp lại. Thoát hiểm, chúng tôi sửa lại máy móc tiếp tục cùng bộ đội hành tiến hướng về phía quận lỵ Tiên Phước. Băng qua các khu dồn, ấp chiến lược xã Phước Mỹ, chúng tôi tiếp tục phát loa kêu gọi binh lính địch ra hàng và kêu gọi nhân dân bình tĩnh.

Lúc này các mũi tiến công của Trung đoàn 31 vào trung tâm quận lỵ Tiên Phước đã triển khai áp sát. Khoảng 15 giờ, hỏa lực phát hỏa bắn dồn dập vào khu hành chính, cùng lúc bộ đội ta từ các hướng tấn công vào trung tâm quận lỵ Tiên Phước. Đội chúng tôi theo chân Đại đội 5 của Tiểu đoàn 8 tiến từ hướng bắc vào. Đến 16 giờ ngày 10.3.1975 quân ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Tiên Phước. Qua đài kỹ thuật được biết, khi cứ điểm 211 mất, ngụy quân, ngụy quyền trong quận giao động đến cực điểm, tên quận trưởng điện cho tỉnh trưởng Quảng Tín xin rút bỏ quận lỵ Tiên Phước. Do đó, khi bộ đội ta tiến công như vũ bão vào quận lỵ, sức phản kháng của địch đã tê liệt, một bộ phận buông súng đầu hàng, số đông bỏ trốn trong các khu rừng quanh quận lỵ hoặc chạy về hướng Tam Kỳ.

Trong cuốn Lịch sử Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 Quân khu 5 có ghi: Chiến dịch giải phóng Tiên Phước ngày 10.3.1975 đã gọi hàng và bắt sống gần 1.500 lính và nhân viên chính quyền Sài Gòn. Điều đó đồng nghĩa với 1.500 người cầm súng cho chính quyền Sài Gòn được sống, được trở về đoàn tụ với gia đình nhờ chính sách khoan hồng nhân đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam và lòng bao dung của người lính Cụ Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức không quên về ngày giải phóng Tiên Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO