Ký ức những ngày giải phóng Cấm Dơi

MAI XUÂN HƯƠNG 20/08/2020 10:04

(QNO) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về chiến thắng Cấm Dơi còn in đậm trong tôi về những ngày khốc liệt nhất. Bốn mươi tám năm trôi qua thật âm thầm lặng lẽ, hãy dành phút tri ân những người lính đã anh dũng hy sinh để giành độc lập cho dân tộc. Nơi ấy có những người anh hùng của mọi miền tổ quốc đã ngã xuống từ những cuộc chiến nơi Hòn Chiêng, Cấm Dơi đã  đi vào lịch sử.

 

Cấm Dơi là địa danh một khu đồi thấp, có độ cao so với mặt nước biển khoảng 10 đến 12 mét, địa hình có nhiều tảng đá lớn nằm ngay trung tâm huyện Quế Sơn. Khu Cấm Dơi có hai mỏm đồi liền kề, Đồi Gai nằm về phía Tây có diện tích chung khoảng 20ha. Cấm Dơi thuộc địa phận thôn Thuận An - Sơn Thành cũ, Đồi Gai thuộc địa phận thôn lãnh Thượng xã Sơn Lãnh cũ. Trước năm 1967 là khu rừng nguyên sinh, có nhiều cây cổ thụ hàng mấy trăm năm tuổi, dân làng thôn Thuận An - thị trấn Đông Phú luôn gìn giữ và nhân dân ở đây tôn vinh nó là Rừng Cấm và từ đó con người nơi đây không một ai dám chặt phá cành cây, ngọn cỏ. Môi sinh Rừng Cấm ngày càng hùng vĩ, những đàn dơi từ khắp nơi đổ về hàng chục nghìn con trú ngụ, khi màng đêm buông xuống, chúng bủa nhau đi khắp mọi nơi miệt mài bắt mồi giúp dân làng yên giấc và từ đấy người dân Thuận An đặt tên là “Cấm Dơi”.

Đầu năm 1967, quân Mỹ ào ạt đổ quân vào Quế Sơn, chúng chọn Cấm Dơi để xây dựng căn cứ quân sự Lữ đoàn 173 - Thuỷ quân lục chiến, đặt tên là căn cứ “ROOS”. Để trở thành một căn cứ lớn tại Quế Sơn, quân Mỹ chuyên chở đến đây những phương tiện hiện đại nhất thời đó. Sau gần một tháng, máy cưa đã băm nát những cây cổ thụ chừng 3 người ôm không hết, tất cả những gỗ quý ấy được chở về Đà Nẵng và bỏ lại đằng sau ấy là sự trần trụi của Cấm Dơi và Đồi Gai.

Tiếp đó hàng chục xe, máy cày, máy ủi thi nhau san bằng Rừng Cấm, xây công sự, hầm, hào. Đây là căn cứ quân sự có tầm cỡ lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Quế Sơn thời bấy giờ.

Nhằm xây dựng căn cứ quân sự tại thung lũng Quế Sơn thành tuyến phòng thủ quan trọng để bảo vệ từ xa căn cứ liên hợp hải - lục - không quân tại Đã Nẵng vào những năm 1967-1971, quân Mỹ đã đổ vào đây tiềm lực khổng lồ nhằm bảo vệ căn cứ đồ sộ này. Chúng đã xây dựng hệ thống công sự bên trong bằng bê tông cốt thép, hệ thống bảo vệ được bố trí tầng ngoài công sự, tầng giữa là lô cốt xen kẽ, nhà hầm bê tông kiên cố, trung tâm được bố trí dựa vào địa hình lập thành những khu lô cốt trung tâm chỉ huy, hầm, hào liên hoàng gồm nhiều công sự phòng ngự.

Trận địa pháo 105 ly và 155 ly, cối 81 ly, cối 106 ly... được bố trí trên khoảng đất bằng giữa hai đồi Cấm Dơi và Đồi Gai. Sân bay cho HU1A, HU1B, tàu gáo, tàu rọ được bố trí phía Nam đồi Cấm Dơi. Các ổ đề kháng DKZ75, đại liên các loại được bố trí ở vị trí cao nhất ở 2 mỏm đá đồi Cấm Dơi, Đồi Gai.

Để bảo vệ căn cứ Cấm Dơi chúng bố trí tới 12 lớp rào kẽm gai, 6 lớp có cọc sắt đan ô vuông thẳng đứng cao 2 mét, 6 lớp bùng nhùng kết hợp các loại mìn như mìn ba chấu, mìn ríp, mìn calaymo... Cứ khoảng 10-15m có 1 trụ đèn pha cao áp được chiếu sáng từ tối đến sáng. Có thể hình dung đây là nơi bất khả xâm phạm, dù một con vật nhỏ nhất qua hệ thống phòng ngự này cũng không qua được bọn lính canh gác.

Đến cuối năm 1971 quân Mỹ rút khỏi Quế Sơn bàn giao lại cho quân chủ lực ngụy gồm Trung đoàn 5, Trung đoàn 6 thuộc Sư đoàn 2 bộ binh ngụy chi đoàn thiết giáp. Tiểu đoàn 77 biệt động quân biên phòng, 1 chi đoàn xe bọc thép một số đại đội địa phương, nghĩa quân, dân vệ với khoản hơn 10.000 quân các loại.

Quân chủ lực án ngữ và bảo vệ căn cứ Cấm Dơi phía bắc có dãy Động Mông, đá Hàm; phía tây - nam có Hòn Chiêng, Núi Đất, đồn Lạc Sơn; phía tây có Bằng Thùng; phía đông có quận lỵ Quế Sơn gồm các lính địa phương quân trấn giữ.

Diễn biến chiến dịch

Chiến dịch giải phóng Cấm Dơi được chuẩn bị khá chu đáo vào khoảng tháng 4.1972, các đại đội trinh sát của quân khu và trinh sát Sư đoàn 711 đã tiếp cận Cấm Dơi. Du kích Sơn Lãnh thường xuyên được làm nhiệm vụ dẫn đường cho các đơn vị trinh sát chuẩn bị chiến trường. Lính trinh sát chia thành tổ 3 người, họ được trang bị gọn nhẹ, khắp thân người được ngụy trang bằng lá lang giã nhỏ trộn lọ nồi, trinh sát phải chui qua 12 lớp kẽm gai chằng chịt, trận địa mìn dày đặc và hệ thống đèn chiếu cố định và đèn chiếu quét di động. Dù địa hình phòng bị khá tinh vi nhưng trinh sát của ta cũng vào được bên trong kiểm tra tất cả các lô cốt, hầm, hào của sở chỉ huy, các trận địa pháo, DKZ...

Sau những ngày gian khổ chuẩn bị cho trận đánh sắp nổ ra, tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối. Đến khoảng tháng 7.1972, tôi còn nhớ có 1 vị chỉ huy cao cấp của sư đoàn đi kiểm tra lần cuối. Sau này được biết là Sư đoàn trưởng 711 - Nguyễn Chơn, ông được đội trinh sát của sư đoàn đưa vào kiểm tra, tổ du kích Sơn Lãnh cũng chỉ được dẫn đường đến Gò Rang (nay là cơ quan Công an huyện). Cuối tháng 7.1972 mọi công việc chuẩn bị hầu như đã hoàn tất.

Đến tối ngày 17.8.1972, đơn vị du kích Sơn Lãnh được chia thành 2 tổ để dẫn đường bộ đội tập kết tất cả vị trí đã chuẩn bị.

Một tổ du kích đưa đoàn quân của Sư đoàn 711 xuất phát từ Cầu Đá (thôn Xuân Quế) vượt qua đường 105 qua thôn Lãnh An đến giáp địa phận xã Sơn Thành, du kích Sơn Thành đưa chỉ huy của Trung đoàn 31 đặt sở chỉ huy tiền phương tại hang ông Tân và hang Bà Già ở thôn Tam Hoà. Nơi đây có hang động tự nhiên, sở chỉ huy Cấm Dơi bố trí về phía bắc chừng 2,5km. Các đơn vị trinh sát và bộ đội tập kết, các chỉ huy của Trung đoàn 31 và 38 được đưa vào vị trí an toàn.

Trong trận đánh này lần đầu tiên đơn vị hỏa tiễn B72 được bố trí tại đồi Phong (Đồng Bình - Lãnh Thượng 1), về phía tây bắc Cấm Dơi cách 2km - sau này du kích địa phương hay gọi là đồi B72. Trung đoàn 31 do Trung đoàn trưởng Võ Đình Nã lập sở chỉ huy tại hang ông Tân, hang Bà Già (thôn Thuận An) đưa bộ đội tập kết phía bắc Đường 105 (tức ĐT611 ngày nay). Các trận địa hoả lực như DKZ, cối 120 ly, 82 ly... đã bố trí sát trận địa tại Gò Ngu, Gò Sinh, gò Ông Chương thuộc thôn Thuận An - Đông Phú. Phía tây và tây nam, bộ đội E38 tiếp cận do đồng chí Nguyễn Văn Trí - Trung đoàn trưởng chỉ huy, đội du kích Sơn Lãnh đưa bộ đội của các Tiểu đoàn 17 - do đồng chí Quyền, đồng chí Bộ chỉ huy, Tiểu đoàn 18 do đồng chí Mỡ chỉ huy, Tiểu đoàn 19 do đồng chí Sánh chỉ huy. Bộ đội ta đã được nhanh chóng triển khai các đại đội bộ binh, pháo binh tại các khu vực Gò Rang thuộc Lãnh Thượng 1, phía nam Cầu Liêu, Cấm Lá thuộc xã Sơn Thắng cũ. Các trận địa hoả lực được bố trí rất thuận lợi, tầm bắn phát huy tối đa và tính chính xác cao. 5h sáng ngày 18.8.1972, pháo hiệu của Sư đoàn 711 đã phát, tiếng súng bắt đầu rền vang mở màn tấn công. Những quả đạn ĐKB - B72 rời bệ phóng, pháo 130 ly từ Hiệp Đức bắn chính xác vào trận địa pháo của địch, cả khung trời đỏ rực các loại pháo cối dồn dập đổ ập vào căn cứ Cấm Dơi. Đạn phòng không 12,7 li hạ nòng như bão lửa...

Cấm Dơi rung chuyển toàn bộ, các kho đạn, kho xăng bốc cháy, bọn địch hoàn toàn rơi vào thế bị động, không trở tay kịp, tháo chạy tán loạn, các mũi tiến công của quân ta thừa cơ vây lấn. Sau đó địch bắt đầu phản kích, máy bay phản lực F5, A37… lao đến ném bom, B52 từng tốp 3 chiếc bắt đầu rải thảm vòng ngoài khu Lãnh Thượng  và Tam Hoà.

Bọn địch ở Cấm Dơi bắt đầu xốc lại đội hình tấn công, các ổ đại liên trong lô cốt kiên cố khống chế các mũi tiến công của ta. Pháo, cối các loại của chúng tập trung đánh phản công. Pháo từ hạm đội 7, Núi Quế bắn chi viện chung quanh căn cứ Cấm Dơi làm cho bộ đội ta thương vong và gặp nhiều khó khăn. Chiến trường trở nên khốc liệt qua hơn 1 ngày chiến đấu.

Đêm 18.8.1972, máy bay địch bắt đầu thả đèn sáng, máy bay trinh sát bay ở độ cao ngoài tầm bắn của cao xạ 37 phát hiện bộ đội ta di chuyển, chúng tiếp tục bắn pháo, ném bom ngăn chặn sự tiến công của ta. Thiết đoàn 4 ngụy gồm 12 xe tăng và bọc thép đang đóng quân tại Lãnh Thượng bị các đơn vị của bộ đội Trung đoàn 38 bao vây tiêu diệt. Thấy quân ta vây khắp, chúng tháo chạy sang khu vườn ông Sáu Tùng - vườn ông Võ Đức Danh (thôn Lãnh Thượng 1 hiện nay), bị B52 của chúng dội nhầm vào đội hình huỷ diệt đại bộ phận, bộ đội ta xuất kích tiêu diệt và bắt sống loại khỏi vòng chiến đấu Thiết đoàn 4.

Bước sang ngày 19.8.1972, chiến trường càng trở nên quyết liệt hơn, các máy bay cường kích ném bom vào những toạ độ mà bộ đội ta đang chiếm giữ, máy bay B52 từng tốp 3 chiếc thả bom đánh phá tư khu vực Lãnh Thượng và khu vực chân núi Hòn Tàu, một số đồng chí ta đã hy sinh... Bộ chỉ huy Sư đoàn 711 kịp thời bổ sung lực lượng và cơ số đạn được du kích và dân công các xã Sơn Lãnh, Sơn Khánh, Sơn Thạch, Sơn Thắng, Sơn Long, Sơn Lộc huy động chi viện kịp thời cho bộ đội tiếp tục nã vào Cấm Dơi và các ổ đề kháng của địch. Đến trưa 18.8.1972, bộ đội ta đã chiếm lĩnh được toàn bộ khu dồn Nhà Tằm và ấp Thuận An. Địch tăng cường ném bom kể cả khu dồn Nhà Tằm do địch lập ra, số thương vong là dân thường quá lớn vì ấp Nhà Tằm ở giai đoạn này hơn 3.000 nhân khẩu dồn trú trong những nhà tôn lụp xụp do Mỹ cấp phát xây dựng vào những năm 1969-1970.

Sau những loạt bom tàn phá và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà đã đổ nát, nhân dân hoản loạn chạy vào nhà thờ Tin lành để ẩn núp. Chiều hôm ấy lúc 18h các tốp máy bay nhả loạt bom kinh hoàng san bằng nhà thờ Tin lành.

Ngày 19.8.1972, địch suy yếu hoàn toàn, căn cứ Cấm Dơi bị cô lập, máy bay lên thẳng đến cứu viện bị các trận địa 12,7 li, trận địa pháo cao xạ 37 li tại khu vực ngõ ba Phú Bình phát huy tối đa... Ta làm chủ hoàn toàn trên không, địch bắt đầu tháo chạy ra bên ngoài, phần lớn đã đầu hàng và bị bắt làm tù binh. Du kích Sơn Lãnh bắt đầu tiếp quản khu dồn Nhà Tằm đưa người dân còn sống sót trong các đống đổ nát trở về vùng giải phóng.

Chúng tôi thấy bọn lính ra hàng đến mức không quản lý hết, họ tự lấy dây trói dòng lại từ cánh tay người này đến cánh tay người kia nối dài từng tốp 5 đến 10 người,. Gặp du kích, họ tự nói "các anh bộ đội cho chúng em tự do đi về phía sau", chúng tôi cũng phó mặt cho họ và chỉ đường về phía vùng giải phóng.

Đồng chí Lê Y - Xã đội trưởng cùng 3 chúng tôi là Mai Xuân Hương, Trần Văn Bính, Trần Phú Thọ đang tiến về phía trước bổng phía tay trái độ 70m (phòng GG-ĐT hiện nay) còn một công sự của bọn tàn quân kháng cự chưa chịu đầu hàng. Một quả B40 của bộ đội tiêu diệt ổ kháng cự.

Tổ du kích chúng tôi bắt liên lạc với bộ đội E38 và E31, được các anh là những  người đã từng gắn bó nhiều năm với du kích Sơn Lãnh đưa chúng tôi men theo các công sự của địch tại khu dồn Nhà Tằm, xác lính ngụy ngổn ngang, nhiều thi thể căng phình sạm nắng tháng Tám, đã bốc mùi khó chịu. Chúng tôi tiếp tục tiến về phía Cấm Dơi càng thấy cảnh đổ nát điêu tàn và khốc liệt. Xác lính ngụy chết vắt qua các hàng rào kẽm gai, hai tên lính ngụy bị thương nặng đang nằm ở sát mép đường trước cổng vào Cấm Dơi, họ không có vũ khí chỉ cầm trên tay một nắm tiền Sài Gòn, một tên van xin “lạy ông lớn xin được nước uống và băng bó”. Chúng tôi thực hiện chính sách hàng binh nghiêm túc và chỉ có lời an ủi họ bởi lúc này băng, thuốc không đủ cho bộ đội...

Bộ đội ta nhanh chóng phá các cửa mở bằng bộc phá ống xé tung các lớp rào kẽm gai, mìn của địch bị kích nổ cả khung trời mù mịt. Bộ đội xuất kích từ 4 phía chiếm lĩnh căn cứ Cấm Dơi.

Vào 15h ngày 19.8.1972, lá cờ xanh - đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh đồi Cấm Dơi - Quế Sơn. Tôi và các du kích men theo cửa mở của bộ đội tiến vào khu Cấm Dơi thu dọn chiến lợi phẩm. Cấm Dơi - Đồi Gai bấy giờ đã đổ nát, xác lính ngụy phơi trên các hầm công sự, nhiều xác chết đã bốc mùi. Chúng tôi tranh thủ thu hồi một số vũ khí như súng AR15, M79, đại liên M60 và các loại đạn rồi nhanh chóng rời khỏi Cấm Dơi.

Địch biết được ta chiếm lĩnh Cấm Dơi hoàn toàn, chúng bắt đầu dội bom, pháo từ xa bắn tới cày xới đất trời mù mịt bom, pháo. Xác lính nguỵ đã chết hay bị thương tiếp tục đau đớn một lần nữa, Cấm Dơi lại chìm trong khói lửa. Đơn vị du kích Sơn Lãnh lúc này đã thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi quay lại khu dồn Nhà Tằm bắt liên lạc với du kích mật. Lê Y - xã đội trưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Duy Thông - tổ trưởng du kích mật huy động lực lượng du kích mật cùng thu hồi vũ khí của địch.

Ngày 20.8.1972, du kích Sơn Lãnh thành lập được hai trung đội cả nam và nữ, được bổ sung trong số con em gia đình cách mạng, bao năm bị địch kìm kẹp trong khu dồn Nhà Tằm nay đã được chính thức đứng vào hàng ngũ du kích đầy dũng khí. Họ tiếp tục được huấn luyện và chiến đấu oanh liệt ở khu vành đai Cấm Dơi, Quế Sơn 1972-1975. Tiêu biểu như Phạm Ngọc Mương, Phạm Duy Anh, Phan Duy Tâm, Nguyễn Duy Đề, Võ Đình Dung, Nguyễn Dương Đính, Võ Đình Chiến, Đoàn Hiệu…

Sau 1975 tôi có dịp đến thăm gặp mục sư quản nhiệm Nguyễn Kim Long, tại nhà thờ Tin lành Quế Sơn mới được xây dựng lại trên đống đổ nát. Mặc dù nhà thờ đã được xây dựng lại khang trang, nhưng các mục sư tiền nhiệm và tín đồ ở đây vẫn giữ lại những mảng tường còn sót lại sau khi bị bom, pháo tàn phá, đang đứng trơ trọi loan lỗ để làm kỷ niệm về di chứng của chiến tranh. Tôi rất khâm phục ý tưởng đó của các mục sư tiền nhiệm và tín đồ tại nhà thờ Tin Lành Đông Phú - Quế Sơn, Mục sư Long bày tỏ sự xót xa về sự kiện tháng 8.1972. Sự kiện ấy để lại nỗi đau kinh hoàng, nhiều người già và trẻ em vùi lấp trong mưa bom bão đạn, hàng trăm người dân vô tội đã chết, trong đó có hơn 50 người là tín đồ.

Mục sư Long còn lưu giữ một số hình ảnh tư liệu do những người còn sống sót ghi lại cảnh đổ nát của Hội thánh. Hàng chục bộ hài cốt ngổn ngang, không còn nguyên vẹn bị vùi lấp dưới những mảng tường sụp đổ do Mục sư Nguyễn Văn Sỹ và các tín đồ khai quật lên sau ngày giải phóng. Chia tay mục sư Long, tôi thấy lòng mình se lại, nỗi ám ảnh chiến tranh như hiện về trước mắt, tôi liên tưởng đến bao đồng đội, tiếng xung phong trong lửa đạn, bom gào. Khải hoàn này xin nhắc lại hôm qua.

Ngày nay, Cấm Dơi sừng sững ngay giữa trung tâm huyện Quế Sơn với biểu tượng các chiến sĩ cầm súng đứng trên đầu thù thể hiện chiến công lẫy lừng của quân - dân nơi đây.

Ai đã từng đến Quế Sơn chắc hẳn sẽ không thể nào không đến nơi đây để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng đã ngã xuống. Cuộc chiến đã lùi xa, đọng lại trong tôi vô vàn những ký ức về một trận đánh Cấm Dơi oanh liệt, hào hùng. Những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống làm nên chiến tích anh hùng trên đất Quế Sơn, tượng đài chiến thắng Quế Sơn - Cấm Dơi mãi mãi trường tồn, bài ca chiến thắng đang giục giã chúng ta bước tiếp chặng đường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức những ngày giải phóng Cấm Dơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO