Lòng dân Phú Phong với cách mạng (tiếp theo và hết)

Phạm Thông 06/11/2019 10:21

Một hôm địch từ Hà Lam kéo ra vây hãm Đồng Tràm bắt được hai du kích là Đinh Văn Thạnh và Đinh Văn Đủ dẫn tới xóm Giữa trói chặt ở gốc cây rồi vào quán bà Ca ăn bánh bèo. Bà Ca đem cả canh rượu mời chúng. Trong lúc chúng say sưa, bà Ca bỏ túi con dao xếp lén ra cắt dây. Khi bà vào lại nhà mời mọc chúng, hai anh Thạnh, Đủ sè sẹ ra phía sau vọt chạy. Đến khi bọn lính giật mình quơ súng nạp theo, hai anh đã mất hút. Bà Ca giao tiếp ngọt như đường phèn, chúng không nghi ngờ bà được. Bọn lính tức khí bắn loạn xạ rồi bỏ đi. 

Phú Phong là một trong những cửa ngõ lực lượng cách mạng di chuyển xuống vùng đông Thăng Bình, Duy Xuyên, địch cố tái chiếm. Xe tăng từ phía Thăng Bình thường bao nổng cát Hương An đánh bất ngờ Đồng Tràm, Hương Yên. Trời vừa sáng bà Nguyễn Thị Nhơn người xóm Cát đã ra nhổ cỏ ở đồng sau, đột nhiên nhìn thấy mấy chiếc xe tăng ngoài đổng (nổng cát) lù lù chạy thẳng vô xóm nhà ông Khóa. Bà biết trong đó có nhiều cán bộ đến sớm để chuẩn bị họp. Nếu bầy xe tăng ni xông thẳng thì mấy ổng chạy đâu kịp, chết cả đám. Bà liền xông lại la hét vang trời, không cho xe tăng chạy bừa lên ruộng lúa vừa lên xanh. Mấy thằng lính trên xe nhảy xuống dọa bắn, bà vẫn kiên quyết không lui... Cán bộ đang ở trong nhà ông Khóa nghe bà Nhơn la, vụt ra phía sông Ly Ly, men bờ đê chạy thoát...

Sau Tổng tấn công Mậu Thân, địch phản kích tái chiếm vùng đông Quảng Nam, đánh phá dữ dội các xã nằm dưới quốc lộ 1 từ Tam Kỳ ra Duy Xuyên. Phú Phong là một trong những trọng điểm “bình định” của chúng. Cuối năm 1968, xe tăng, xe ủi ồ ạt kéo tới bao vây cày tróc làng Đồng Tràm, Hương Yên lập vành đai trắng phía đông đường 1. Đến xóm Giữa, chúng thúc xe ủi bụi tre lớn tại vườn nhà bà Lê Thị Tý. Dưới bụi tre có hầm bí mật, cán bộ du kích đang ẩn mình. Bà Tý phải làm gì để cứu họ. Một tia chớp táo bạo vụt qua đầu. Từ trong lều bà lăn xả ra cản đầu xe húc: “Các ông không được húc bụi tre của tui, các ông không thấy cái lều của tui hả. Nhà cửa của tui các ông đốt sạch rồi, chừ còn có bụi tre với cái lều che gió che mưa, các ông húc đi thì làm răng tui và mấy cháu nhỏ của tui sống nổi đây trời. Tui lạy các ông, tui xin các ông thương dùm bà cháu tui. Trời ơi là trời!”.

Một tên sĩ quan mặt trẻ, lại rỉ tai người lái xe húc, xe bỏ đi. Tối hôm đó cán bộ, du kích chui lên khỏi hầm, biến mất....

Phú Phong nằm đoạn trung độ của tuyến đường huyết mạch nối tỉnh lỵ Quảng Tín, căn cứ Chu Lai ở phía nam và Đà Nẵng ở phía bắc, bằng mọi cách địch phải giữ cho được sự lưu thông thường xuyên trên quãng đường này. Vì thế chúng tuần tra, đánh phá các làng mạc vùng ven nhằm quét, đẩy lùi Việt cộng ra xa, tạo vành đai an toàn cho tuyến đường. Vào mùa khô năm 1966, bộ đội Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 về nằm dày trong nhà dân Phú Phong, Phú Hương. Không biết bộ đội sẽ làm chi, chuẩn bị đánh ở đâu nhưng cứ thấy bộ đội là dân nuôi, niềm nở tiếp đón. Lần này bộ đội về khuya, cán bộ du kích dẫn đến giao cho từng nhà, có vẻ như cảnh giác, như giữ gìn bí mật. Nhưng về đông như vậy có bí mật thì ai trong làng mà không biết, bọn gián điệp có cả mắt sau lưng. Có thể nói địa bàn Phú Phong tại thời điểm này trong sạch, chỉ cần một mật báo, địch sẽ đánh nát làng, nát xã, lộ là chiến dịch chi đó cũng nát tan. Cái lớn, cái đều khắp về tinh thần cách mạng trong dân là nhìn, là nhận ra ở những thời điểm này đây. Mờ sáng hôm sau, bộ đội triển khai nằm dọc hai phía đường quốc lộ, quãng Hương An - Mộc Bài - Bà Rén. Đúng 9 giờ sáng, đoàn xe quân sự địch cả trăm chiếc chạy từ phía nam ra lọt vào ổ phục kích của bộ đội ta. Toàn bộ đoàn xe bốc cháy, ta thu vũ khí địch rồi rút về phía núi an toàn. Đây là một trong những chiến công vang dội của bộ đội Sư đoàn 2 quân chủ lực khu 5 đã lập nên tại đất Phú Phong, Phú Hương trong thời kháng chiến chống Mỹ, lịch sử đã luôn ghi dấu...

Thứ Bảy tuần rồi, vợ chồng tôi về Phú Phong nghe lại chuyện cũ. Gặp Bí thư xã Hương An, anh trực tiếp đưa chúng tôi đến nhà vợ chồng thương binh Phạm Phú Phường. Vợ tôi người Trà Đình, anh Phường người Đồng Tràm, cách nhau chỉ con sông Ly Ly, hồi nhỏ cùng học một trường, cùng tham gia công tác trong những năm 1965 - 1966 ở quê, sau đều thoát ly gia nhập bộ đội. Họ gặp nhau sau hơn 50 năm xa cách. Hai người hàn huyên chuyện xóm chuyện làng trong những năm kháng chiến. Anh Phường chia sẻ: “Dân mình anh hùng thiệt, tui kể cả ngày cũng không hết chuyện mưu trí, dũng cảm, sắt son của bà con quê xứ. Gần đây có hai người trước là lính ngụy từ Quảng Ngãi ra đây tìm bà Nguyễn Thị Trình hay đi chợ Hương An năm xưa. Trong lúc bán gà, bà tiếp xúc hai anh rồi dẫn về luôn Đồng Tràm gặp du kích. Hai anh được đưa lên chiến khu, theo đường dây về Quảng Ngãi. Còn sống sau chiến tranh, hai anh nhớ bà Trình, tìm về nơi xưa cũ. Muộn quá, bà Trình đã qua đời, họ ra thăm mộ, thắp hương bàn thờ rồi quay về trong rưng rưng nước mắt. Tôi nghĩ câu chuyện sau hòa bình của làng xóm mình chừ đây cũng vậy, hồi trước có người đi phía này người ở phía kia, nhưng bây giờ có ngày lễ lạt chi của làng của tộc cũng quần tụ bên nhau. Có gì vui hơn khi đất nước độc lập, thống nhất, chúng ta đã hòa hợp trong từng dòng tộc, trong từng làng quê, động viên các thế hệ con cháu cùng nhau xây dựng quê hương trong cảnh thanh bình này. Cái lý, cái tình đó luôn hiển nhiên như sông Ly Ly kia mãi chảy xuôi về cửa Đợi”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lòng dân Phú Phong với cách mạng (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO