Những nẻo đường ra trận

PHẠM THÔNG 17/12/2019 10:44

Sau chiến dịch giải phóng hai xã Phước Lãnh, Phước Ngọc - huyện Tiên Phước, trước đà thắng lợi, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng do đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) làm Bí thư, chỉ thị cho đồng chí Tỉnh đội trưởng Quách Tử Hấp quy tụ các đại đội độc lập về Phước Lãnh, bổ sung thêm thanh niên rút từ các huyện đồng bằng nam Quảng Nam như Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước lên vùng giải phóng Lãnh - Ngọc thành lập Tiểu đoàn 70 gồm 4 đại đội, trong đó Đại đội H30 và H21 là những đơn vị tiền thân của tiểu đoàn. Như vậy trên chiến trường cánh nam Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này đã có 3 thứ quân với quy mô lớn hơn trước nhiều lần: Chủ lực Khu có Trung Đoàn 1 bộ binh (biệt danh là Công trường I); bộ đội tỉnh có Tiểu đoàn 70 cùng với nhiều đơn vị vũ trang độc lập khác trực thuộc quân khu và tỉnh đội; các huyện có trung đội hoặc đại đội cộng với hàng trăm đơn vị du kích thôn xã thuộc vùng giải phóng ở miền núi và giáp ranh. Sự kiện ra đời Tiểu đoàn 70 đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 9 năm 1962, theo lệnh của trên, Tiểu đoàn 70 phối hợp với một bộ phận quân chủ lực Khu 5 mở chiến dịch “Vượt sông Tiên”, giải phóng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (sau này là Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà) gọi là vùng Sơn - Cẩm - Hà, ở phía bắc quận lỵ Tiên Phước. Cùng lúc, Đại đội 2 cơ động vào phía Nam giải phóng hai xã Dương Yên, Phương Đông. Chỉ sau 7 tháng vượt sông Tranh, lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn nam Quảng Nam mà nòng cốt là Tiểu đoàn 70 đã tiến công địch liên tục, giải phóng một vùng trung du rộng lớn, liên hoàn, gồm các xã Lãnh - Ngọc, Sơn - Cẩm - Hà, Phương Đông - Dương Yên, mở rộng vùng căn cứ, hình thành thế trận bao vây từ mọi phía quận lỵ Hậu Đức (Trà My) và siết chặt vành đai tây nam, tây, bắc và đông bắc quận lỵ Tiên Phước; áp sát xuống các xã tây Tam Kỳ, tây Thăng Bình...

Bị tiến công mạnh mẽ, liên tục, bọn địch trên toàn vùng thuộc 5 xã tháo chạy về các quận lỵ Hậu Đức, Tiên Phước, Tam Kỳ. Không thể để mất vùng đất rộng lớn, mang tầm chiến lược quân sự, bọn địch huy động lực lượng lớn gồm đủ các thứ quân, tổ chức phản công lấn chiếm lại vùng giải phóng của ta mới mở ra.

Phía Sơn - Cẩm - Hà, địch tiến công từ 3 hướng: Hướng Tam Kỳ, địch vượt dốc Dàng Xay, Eo Gió đánh lên Phước Cẩm; hướng thứ hai, địch từ Việt An băng qua Lò Chén đánh vào Phước Hà, Phước Sơn; hướng thứ ba, địch từ quận lỵ Tiên Phước băng các dãy núi phía bắc đánh ra Phước Cẩm, Phước Hà.

Phía Phương Đông, Dương Yên, Lãnh - Ngọc, địch từ quận lỵ Hậu Đức (Trà My) tiến xuống, từ Tiên Phước - Phước Lâm đánh ép lên.

Tại Sơn - Cẩm - Hà, chúng lập lại các chốt Cẩm Y - Phước Cẩm, thôn 1 Phước Sơn; tập trung quân chặn ngã ba Phước Hà - An Tráng. Từ các chốt điểm địch xua quân đánh nống ra các làng mạc. Ở cánh này ta chặn đánh địch quyết liệt, bứt rút mọi chốt chúng vừa lập lại.

Tại Lãnh - Ngọc, chúng lập lại đồn Phước Châu rất kiên cố, bộ đội ta bao vây, tiến công bứt rút, giải phóng lần thứ hai vùng đất này.

Tại Phương Đông, Dương Yên, dựa vào thế rừng núi liên hoàn với căn cứ cách mạng cả phía đông lẫn phía tây, bộ đội ta dễ dàng triển khai lực lượng đánh hiểm, đánh lâu dài, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. Chịu không nổi với sự giằng co quyết liệt, cái chết đến với kẻ địch từng giờ từng phút, cuối cùng chúng phải tháo chạy.

Ngày 26 tháng 11 năm 1962, sau 1 tháng 5 ngày, Tiểu đoàn 70 phối hợp với các đơn vị bộ đội, du kích trên toàn chiến trường chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy tất cả mũi tiến quân của địch, làm phá sản hoàn toàn cuộc hành quân với quy mô lớn chưa từng có của địch trên địa bàn trung du Quảng Nam, giữ vững vùng giải phóng.

Như vậy, sau khi được thành lập chỉ vài tháng bên bờ sông Tranh hùng vĩ, bắt nguồn từ ngọn Ngọc Linh cao nhất Trường Sơn, Tiểu đoàn 70 với lực lượng 3 đại đội nhưng đã cơ động trên mặt trận chiến trường hàng nghìn cây số vuông, có ngày các trung đội, đại đội được phân công chốt chặn trên những mõm đồi cô lẻ, trong từng xóm làng, từng khe hố phải di chuyển hàng chục cây số để kịp thời triển khai trận địa. Cơm không đủ ăn, muối không đủ mặn nhưng họ đã quần nhau với giặc hàng tháng trời. Cuối cùng họ đã chiến thắng. Chiến thắng đó mang lại ý nghĩa rất đặc biệt, góp phần làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường Quảng Nam; mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng; báo hiệu cho một chiến dịch đồng khởi trên khắp các vùng nông thôn xứ Quảng sẽ nổ ra trong một tương lai gần; khắc ghi trang sử đầu của con chim đầu đàn lực lượng vũ trang Quảng Nam thời chống Mỹ.

Giữa mùa hè năm 1963, Tiểu đoàn 70 phân tán 4 đại đội về các huyện Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ hỗ trợ lực lượng bộ đội huyện và các đội công tác xã, giải phóng vùng giáp ranh đồng bằng Thăng Bình, Tam Kỳ và vùng ven quận lỵ Tiên Phước.

Đứng trước nguy cơ Việt cộng tràn về phía đồng bằng, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Diệm sẽ bị phá sản ngay trên đất Quảng Tín trong nay mai, Bộ Chỉ huy Quân đoàn I ngụy huy động 3 trung đoàn lính cộng hòa, 2 tiểu đoàn biệt động và hàng nghìn tên bảo an, dân vệ mở chiến dịch “Bình Châu - Bạch Phượng”, đánh phá vào vùng giải phóng với âm mưu: bao vây, tìm diệt; nối lại các tuyến đường giao thông Tam Kỳ - Tiên Phước - Trà My; Tam Kỳ - An Lâu - Phước Hiệp; Hà Lam - Việt An...; dồn dân lập lại ấp chiến lược, đưa bọn tề ngụy lưu vong trở về nông thôn khống chế, đàn áp nhân dân; đẩy Việt cộng lui lên vùng núi cao.

Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Nam, Mỹ ngụy áp dụng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” với quy mô lớn, cơ động nhanh, hỏa lực mạnh đánh phá khốc liệt vùng giải phóng, xúc tát dân, cắt đứt các mối quan hệ giữa dân với lực lượng cách mạng; lấy lại tinh thần và uy thế cho hệ thống tề ngụy và binh lính...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những nẻo đường ra trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO