Âm vang ngày chiến thắng

XUÂN PHÚ 25/01/2020 06:49

Đã gần 45 năm trôi qua, song ngày giải phóng Tam Kỳ 24.3.1975 vẫn in trong tâm tưởng nhiều người trong cuộc, cả ký ức chung tay xây dựng quê hương từ đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh...

Dập dềnh ký ức

Đã 85 tuổi và 45 năm trôi qua song ông Bùi Việt Dũng vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra. Ảnh: X.P
Đã 85 tuổi và 45 năm trôi qua song ông Bùi Việt Dũng vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra. Ảnh: X.P

Bước qua tuổi 85, thương tật chiến tranh để lại còn nặng nề trên cơ thể, song khi nghe chúng tôi gợi câu chuyện của mấy chục năm về trước, ánh mắt ông Bùi Việt Dũng (trú phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chợt sáng lên. Những gì xảy ra ở giai đoạn ác liệt nhất của cuộc đấu tranh giành giật từng tấc đất quê hương được ông tái hiện, lời kể lúc bổng lúc trầm. Gia đình ông là cơ sở cách mạng truyền thống ở xã Tam Thăng. Cả 6 anh em đều thoát ly, trong đó 2 người em gái của ông hy sinh khi còn khá trẻ. Nhưng có lẽ bi kịch nhất đối với ông chính là sự ra đi của người vợ thân yêu - Lê Thị Vinh. Năm 1964, cô Vinh bị địch bắt trên bước đường hoạt động cách mạng. Sau 2 ngày đêm tra tấn, chúng thủ tiêu cô Vinh ở khu vực gần đồi An Hà. Lúc đó, hai người con của ông Dũng còn rất nhỏ, đứa lớn chỉ 3 tuổi, phải gửi lại cho bà nội chăm.

Ông Bùi Việt Dũng tham gia Đội công tác xã Tam Thăng, có nhiệm vụ vận động nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng. Nhớ lại thời khắc ngày giải phóng Tam Kỳ 24.3.1975, ông Dũng kể, không khí hôm đó rất sôi nổi, khi quân ta tiến vào trung tâm thị xã, người dân xuống đường khá đông, trên gương mặt người nào cũng đầy niềm vui sau bao nhiêu năm cực khổ do chiến tranh. “Chứng kiến rất nhiều đồng đội, đồng chí, những người cùng tham gia cách mạng với mình ngã xuống, bản thân mình còn sống đến ngày độc lập là may mắn quá rồi” - người chiến binh già 50 tuổi Đảng hồi tưởng.

Còn với ông Dương Thanh Xuân (trú phường An Xuân, Tam Kỳ) - một trong những chứng nhân của thời khắc lịch sử giải phóng Tam Kỳ, ngày 24.3.1975 như mới hôm nào. Sáng ngày 23.3.1975, như thường lệ, sau một đêm công tác ở vùng địch trở về, chàng trai 23 tuổi Dương Thanh Xuân vừa ăn sáng xong thì nhận được lệnh triệu tập gấp. Gặp ông Trần Công Khuể - Phó Bí thư Thị ủy, Thị đội trưởng, ông Xuân được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội Trung đoàn 1 có mặt tại ngã ba Trường Xuân trước giờ nổ súng để tiến công, giải phóng thị xã Tam Kỳ. Đúng 17 giờ ngày 23.3.1975, đoàn quân xuất phát tại thôn 6 xã Kỳ Trà hướng về mục tiêu... Sau khi tuyến phòng thủ Tam Ngọc của địch bị phá vỡ bằng trận chiến ác liệt vào sáng sớm 24.3.1975, ông Xuân tiếp tục dẫn đường đưa quân tiến vào khu vực nội ô Tam Kỳ. “Tuyến phòng thủ quan trọng nhất Tam Ngọc bị đập tan và không thể rút về, lực lượng trong khu vực thị xã lúc đó bị cô lập nên địch nhanh chóng tháo chạy về phía bắc. Đến 10 giờ sáng 24.3.1975 chúng tôi đã áp sát tỉnh đường Quảng Tín” - ông Xuân kể.

Bài ca xây dựng

Ông Dương Thanh Xuân kể về thời khắc dẫn đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3.1975.
Ông Dương Thanh Xuân kể về thời khắc dẫn đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3.1975.

Ông Dương Thanh Xuân chia sẻ, ước mơ cháy bỏng của những năm tháng tham gia cách mạng là đến ngày được ung dung, tự do đi lại trên đường phố Tam Kỳ. Và điều đó đã thành sự thật, kể từ ngày 24.3.1975. Ngày Tam Kỳ giải phóng, nhân dân đổ ra đường hòa cùng dòng người hân hoan chào đón cách mạng trong không khí náo nhiệt. Cho đến chiều 25.3.1975 ông Xuân mới được phép về thăm gia đình và bắt đầu cuộc sống mới, chấm dứt chuỗi ngày “ăn bốc, nói thầm, ngủ hầm” của những người làm nhiệm vụ đội công tác, bám trụ địa bàn, vào ra nội ô để nắm tình hình, xây dựng cơ sở ngay trong lòng địch. 

Hòa bình lập lại, từ trong đống đổ nát sau chiến tranh, người dân Tam Kỳ cùng nhau xây dựng quê hương. Ông Bùi Việt Dũng cho biết, khí thế cách mạng trong người dân thời điểm đó lớn lắm. Nhân dân vừa tích cực cải tạo ruộng đồng hoang hóa sau thời gian dài chiến sự, tăng gia sản xuất, vừa nhiệt tình tham gia lao động công ích, làm các công trình công cộng, dân sinh. Họ cũng ủng hộ hết mình cho Nhà nước, đến mùa gặt ủng hộ hơn một nửa số lúa thu được. Ông Bùi Việt Dũng làm Chủ tịch UBND xã Tam Thăng từ sau ngày giải phóng cho đến năm 1987 chuyển công tác lên thị xã. Ông cũng không đi bước nữa mà ở vậy “gà trống nuôi con”, chăm lo cho mẹ già. Mẹ của ông, cụ bà Nguyễn Thị Dĩnh, có chồng, 2 con, 1 dâu, 1 rể là liệt sĩ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay trong đợt đầu tiên. Sau khi nghỉ hưu năm 1995, ông Dũng về sinh sống ở địa phương và làm Bí thư Chi bộ khối phố Mỹ Thạch Tây 15 năm rồi mới nghỉ hẳn. “Mới đó mà đã 45 năm giải phóng. Bây giờ nhìn lại, thấy quê hương thay đổi nhiều quá” - ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm vang ngày chiến thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO