Cần giải pháp bảo tồn đàn voi

HOÀI AN 26/06/2020 10:48

Thời gian gần đây, một số cá thể voi rừng thường xuyên xuất hiện ở khu vực bìa rừng của xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức) phá hại cây trồng của người dân địa phương. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân địa phương tránh xung đột với voi rừng để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có biện pháp căn cơ để bảo vệ, bảo tồn đàn voi ở khu vực trên.

Khu vực khe Nước Geo, thôn Gia Cao, xã Phước Gia voi rừng thường xuất hiện. Ảnh: HOÀI AN
Khu vực khe Nước Geo, thôn Gia Cao, xã Phước Gia voi rừng thường xuất hiện. Ảnh: HOÀI AN

Tháo chạy vì voi

Cuối tháng 5.2020, 2 cá thể voi ra bìa rừng thuộc khu vực khe Nước Geo, tiểu khu 531 (thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) để kiếm ăn đã được người dân địa phương, Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Gia Cao ghi lại hình ảnh.

Ông Đinh Văn Linh - Trưởng thôn Gia Cao cho biết, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 29.5, sau chuyến tuần tra, bảo vệ rừng trở về, ông gặp một số người dân ở Quảng Ngãi đang làm việc gần khu vực khe Nước Geo thông báo có một số cá thể voi ở khu vực trên nên ông đã đi tìm. Lần theo những dấu chân voi còn rất mới để lại, ông Linh phát hiện 2 cá thể voi trưởng thành đang ăn chuối rừng. Vị trí ban đầu ông Linh đứng nhìn thấy đàn voi chỉ cách 20m, sợ voi tấn công nên ông di chuyển lên khu vực dốc đứng cách đàn voi khoảng 100m để thuận tiện quan sát, giữ an toàn cho bản thân.

“Khi phát hiện 2 cá thể voi rừng, chúng tôi kêu tên voi thì nó dùng vòi bẻ cây keo của người dân. Hiện tại qua nắm thông tin từ người dân thì đàn voi đã về khu vực K7 - địa bàn giáp ranh giữa xã Phước Trà và xã Phước Gia” - ông Linh nói.

Theo ông Linh, gần 15 năm đi rừng, đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy trực tiếp đàn voi, trước đây ông chỉ nhìn thấy dấu chân voi để lại nhưng không gặp đàn voi. Năm 2005 đàn voi này có 6 cá thể, trong đó chỉ có một con voi đực, địa bàn sống ở khu vực rừng giáp ranh giữa 3 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức. Nhưng đến nay ghi nhận chỉ còn 2 cá thể voi cái, diện tích đàn voi di chuyển cũng hạn chế hơn so với trước đây.

“Trước đây voi rừng về gặp gì phá nấy, thậm chí voi phá cả trại ở của người dân nên bà con rất sợ. Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi không thấy voi phá trại của dân. Nhưng hiện nay đàn voi khi đi ngang khu vực trồng lúa, chuối, sắn thì phá hết” - ônh Linh nói.

Ông Hồ Văn Giang (thôn Gia Cao, xã Phước Gia) làm rẫy tại khu vực đàn voi hay xuất hiện, nhiều lần ông chứng kiến đàn voi tấn công lều trại và phá sạch lúa rẫy. Ông Giang cho biết, từ năm 2015 đến nay ông đã nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với voi rừng, một lần suýt mất mạng do bị voi tấn công trong đêm.

Ông Giang nhớ lại, đêm cuối tháng 4.2020, ông cùng 2 người khác đang nấu cơm tại căn lều trong rừng thì nghe âm thanh của cây gãy gần lán trại nên vội mang đèn pin ra xem. Khi vừa ra khỏi trại 1m, ông rọi pin thấy con voi chuẩn bị lao thẳng về phía mình, hoảng quá ông la lên để 2 người đang ở trong lều cùng chạy. Ông Giang chạy thẳng vào giữa bầy trâu đang ở gần lán trại nên mới thoát được voi tấn công.

“Tôi không dám ngủ lại lán trại trong rừng nữa. Mỗi mùa lúa rẫy từ tháng 7 đến tháng 9 voi xuống phá hư hết, tôi mong sao cơ quan chức năng tìm cách di dời đàn voi để người dân sản xuất an toàn” - ông Giang nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Lê Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, trước đây đàn voi xuất hiện trên địa bàn có 3 con, nhưng hiện nay chỉ còn 2 con và không có voi đực. Địa phương đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng bảo vệ, bảo tồn đàn voi trên. Diện tích rừng hiện tại ở địa phương không đủ điều kiện bảo tồn cho đàn voi sinh sống. Ngoài ra, voi thường xuất hiện trong khu vực rẫy của người dân nên có nguy cơ xảy ra xung đột với con người.

“Để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như đàn voi, lồng ghép trong các cuộc họp chúng tôi tuyên truyền cho bà con không xung đột với đàn voi. Đồng thời mỗi người dân là một tai mắt trong việc bảo vệ đàn voi” - ông Phú nói.

Trước việc người dân và tổ bảo vệ rừng phát hiện 2 cá thể voi trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức đã nhanh chóng nắm thông tin và phối hợp với xã Phước Gia triển khai tuyên truyền cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tần - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức cho biết, ngành kiểm lâm đã đề nghị UBND xã Phước Gia và các ngành chức năng liên quan cùng người dân phối hợp với kiểm lâm địa bàn tiếp tục theo dõi sự di chuyển của đàn voi, kịp thời báo cáo các ngành chức năng để có phương pháp di dời, bảo vệ. Ngành chức năng cũng tuyên truyền, vận động, cảnh báo cho người dân đang sinh sống, có hoạt động sinh hoạt, sản xuất tại khu vực voi xuất hiện hạn chế tối đa việc đi lại, ngủ, nghỉ tại khu vực trên. Tuyên truyền cho người dân không được dùng công cụ, dụng cụ để tấn công hoặc kích động đàn voi; thống kê, báo cáo thiệt hại (nếu có) do voi gây ra để các ngành chức năng nắm bắt, giải quyết.

Theo ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, 2 con voi được ghi nhận ở bìa rừng tại tiểu khu 531, xã Phước Gia vừa qua là 2 con tách từ đàn voi 4 - 5 con ở khu vực rừng 3 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức. Sắp tới Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật vào nghiên cứu cấu trúc đàn, khả năng phát triển đàn voi... Sau đó sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp bảo tồn đàn voi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần giải pháp bảo tồn đàn voi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO