Chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển

MỸ LINH 06/10/2020 16:29

(QNO) - Chiều nay 6.10, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.

Vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Nguồn: kttv.gov.vn
Vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Nguồn: kttv.gov.vn

Công điện nêu rõ, theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với phần phía bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Nam Trung Bộ nối với vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông, sau kết hợp với trường gió Đông, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 6.10 đến hết ngày 9.10 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh phổ biến 300-500mm, có nơi hơn 500mm. Các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối vùng núi các huyện: Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị và các địa phương thấp trũng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên thời tiết trên biển nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra. Chủ động phương án, sớm thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn, nhất là các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ven sông, triền sông…

UBND huyện Tây Giang tổ chức di dời ngay 6 hộ ở dưới chân công trình Trường THPT Võ Chí Công để đảm bảo an toàn khi có mưa lớn xảy ra và có phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh của trường trong mùa mưa năm 2020. Các huyện Tây Giang, Đông Giang có phương án đảm bảo an toàn và lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho cho các hộ dân vùng bị cô lập do bão số 5 gây ra.

Các địa phương tổ chức khai thông cống rãnh thoát nước các khu vực đô thị, khu dân cư, các tuyến đường giao thông để hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông suối, hồ chứa nước, các nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Đồng thời kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ. Hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi có mưa lũ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 17 giờ ngày 6.10. Tiếp tục thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp. Thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép tàu thuyền ra khơi theo quy định.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chủ động triển khai lực lượng tại các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn. Phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

Sở GD-ĐT, các địa phương và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân kịp thời khi có mưa lũ; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.

Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, đài truyền thanh các địa phương tăng cường thời lượng, thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng tránh với mưa lũ lớn và công tác chỉ huy ứng phó của các cấp chính quyền địa phương để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến của mưa lũ và thu thập, phân tích thông tin số liệu cung cấp cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thông báo cho các đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước biết thông tin về tình hình mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.

Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO