Chuyện anh Miêng cùng đồng bào Cơ Tu thoát nghèo

HỒ QUÂN 18/12/2019 10:23

(QNO) - Trăn trở với câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Cơ Tu, anh Bling Miêng (ở thôn Voòng, xã Tr’Hy, Tây Giang) - vốn là một cán bộ của xã đã trở về xây dựng mô hình kinh tế từ những thế mạnh của địa phương. Anh Miêng tin, việc làm gương và gần gũi với đời sống bà con sẽ là động lực giúp họ tự tin vươn lên.

Anh Bling Miêng hướng dẫn người dân Cơ Tu chăm sóc ba kích tím bản địa. Ảnh: HỒ QUÂN
Anh Bling Miêng hướng dẫn người dân Cơ Tu chăm sóc ba kích tím bản địa. Ảnh: HỒ QUÂN

Quyết tâm cùng đồng bào thoát nghèo

Chúng tôi gặp anh Miêng vào một buổi tham quan mô hình dược liệu của Hợp tác xã (HTX) Thiên Bình tại xã Lăng, huyện Tây Giang. Ngồi trò chuyện trong căn phòng ấm giữa những ngày Tây Giang rét lạnh, cái bắt tay thân tình, giọng nói ấm, chất phát, anh cuốn chúng tôi theo câu chuyện làm ăn thật sôi nổi.

Trước đây, anh từng có thời gian 19 năm làm việc tại UBND xã Tr’Hy, đảm nhận nhiều vai trò như bí thư Đoàn, cán bộ Văn hóa xã... Dù ở cương vị nào, anh vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, được bà con hết sức tin tưởng, ủng hộ. Anh cũng đưa ra nhiều mô hình kinh tế hay về từng địa phương cho bà con, đoàn viên thanh niên tham khảo, nhưng họ vẫn không thực hành vì chưa thấy hiệu quả và chưa có ai làm gương đi đầu.

“Sinh ra, lớn lên ở miền sơn tước, tôi hiểu rõ những ưu đãi mà thiên nhiên ban cho người dân Tây Giang. Đất đai màu mỡ, quanh năm mưa nhiều, những tán rừng bạt ngàn rất phù hợp cho việc phát triển một số loại dược liệu và rau rừng. Đây là cách giúp bà con thoát nghèo nhanh mà dễ làm, gắn với đời sống thực tế. Nếu mình tiên phong đi đầu thì bà con sẽ có niềm tin làm theo” - anh Miêng chia sẻ.

Tháng 8.2017, anh Miêng cùng anh Nguyễn Bá Hiển thành lập HTX Thiên Bình - chuyên trồng, cung ứng cây giống, sản xuất sản phẩm từ ba kích tím bản địa, chè dây, đẳng sâm và các loại rau rừng. Thời điểm thành lập HTX, anh Miêng là phó giám đốc, đồng thời là cán bộ xã Tr’Hy. Theo quy định của Liên minh HTX tỉnh, anh Miêng không thể đảm nhận 2 vai trò này cùng một lúc. Do đó, anh quyết định viết đơn trình bày nguyện vọng được nghỉ việc nhà nước để trở về đồng hành cùng bà con thoát nghèo.

“Không có thế mạnh về nguồn vốn đầu tư như các thành viên khác trong HTX nhưng nắm được điều kiện tự nhiên địa phương, đất đai, thổ nhưỡng nên tôi phụ trách các khâu kỹ thuật. Đồng thời chịu trách nhiệm kêu gọi người dân tham gia HTX; tạo sinh kế lâu dài cho người dân bằng việc tạo công ăn việc làm, hướng dẫn kỹ thuật trồng dược liệu; liên kết sản xuất. Bởi tại khu vực 2 xã Tr’Hy và Lăng, tôi rất được bà con tin tưởng và ủng hộ. Hiện tại HTX đã có 13 thành viên, hầu hết là bà con Cơ Tu; tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động khác và hướng họ thoát nghèo bền vững” - anh Miêng tâm sự.

Tín hiệu vui

Được anh Miêng giới thiệu vào làm tại HTX, mỗi công nhân ngoài việc được lo chi phí ăn ở, còn nhận tiền lương 4 triệu đồng/tháng và hưởng thêm các khoản thu nhập khác từ tiền kinh doanh, bán sản phẩm. Và quan trọng nhất là được học cách trồng, chăm sóc từng loại dược liệu để sau này tự trồng trong gia đình.

Bà con Cơ Tu từng bước thoát nghèo từ cây dược liệu. Ảnh: HỒ QUÂN
Bà con Cơ Tu từng bước thoát nghèo từ cây dược liệu. Ảnh: HỒ QUÂN

Hơn 1 năm được anh Miêng tận tay chỉ việc, phần lớn thành viên và người lao động của HTX đã biết cơ bản về cách trồng và chăm sóc ba kích tím bản địa, chè dây. Đáng nói là tại HTX, có hơn 10 công nhân là đoàn viên thanh niên, đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng đang từng bước thay đổi cuộc sống của mình - là bằng chứng cho bà con về con đường thoát nghèo bền vững mà anh Miêng và HTX đang theo đuổi.

Rõ nhất là trường hợp của anh Zơrâm Tôn (27 tuổi, thôn Voòng), gần 1 năm làm việc tại HTX, từ một hộ nghèo nay đã xây được nhà kiên cố, có thu nhập ổn định và biết học cách thoát nghèo từ trồng cây dược liệu. Vừa qua, anh Zơrâm Tôn đã gửi đơn đến xã Tr’Hy xin được thoát nghèo vào năm 2020.

Anh Miêng cho biết, phần lớn hộ nghèo ở đây đều rơi vào hộ đoàn viên, thanh niên. Bởi họ không có nương rẫy, không biết cách làm kinh tế, lại lập gia đình sớm. Ngoài ra, những năm gần đây, việc thi tuyển công chức, viên chức nhà nước khá khó khăn khiến nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, bỏ học, rơi vào cảnh túng khó.

“Việc tôi xin nghỉ công việc nhà nước để làm HTX không vì lợi ích cá nhân mà mong muốn giúp cho các thanh niên nhận thức vai trò việc học. Học để được đi ra tìm kiếm cơ hội, tiếp thu kiến thức, biết thêm cách để thoát nghèo, nhất là phát huy được điều kiện sẵn có của địa phương. Để có cuộc sống ổn định, xây dựng quê hương không nhất định phải làm cán bộ mà có thể bắt đầu từ việc biết cách thoát nghèo cho bản thân mình và bà con một cách đúng hướng” - anh Miêng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện anh Miêng cùng đồng bào Cơ Tu thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO