Cơ hội từ Vườn quốc gia Sông Thanh

HỮU PHÚC 01/01/2021 05:53

Quảng Nam vừa quyết định thành lập Vườn quốc gia (VQG) Sông Thanh, chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh. Đây là cơ hội để hai huyện Nam Giang và Phước Sơn quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn; đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái ở dải Trung Trường Sơn.

Một điểm nghỉ ngơi lý tưởng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P
Một điểm nghỉ ngơi lý tưởng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P

Nâng cao năng lực bảo tồn

Trước đây, KBTTN Sông Thanh là “điểm nóng” của tình trạng phá rừng, bẫy bắt động vật hoang dã, tận thu khoáng sản trái phép. Giải thích vì sao phải thành lập VQG, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, cái chính là bằng công cụ pháp lý hiện hành của VQG, sẽ cứu nguy nhiều động vật hoang dã quý hiếm bên bờ tuyệt chủng. Điểm khác biệt lớn là VQG được quản lý nghiêm ngặt hơn KBTTN, đơn cử như muốn vào VQG phải xin phép chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền; trong khi đó, KBTTN thì dễ dàng “mở cổng” hơn.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc VQG Sông Thanh cho rằng, việc nâng hạng VQG nhằm bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn; bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm của hệ động thực vật rừng, đặc biệt là các loài thú lớn, đặc hữu của Việt Nam; bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái vùng Trung Trường Sơn với các kiểu rừng thường xanh lá rộng mưa ẩm. Tại huyện Nam Giang và Phước Sơn đã bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách gồm ít nhất 324 người thực hiện tuần tra, truy quét trong khu vực vùng lõi VQG Sông Thanh. Kinh phí chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được lấy từ kinh phí cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

“Việc thành lập VQG sẽ giúp cho chúng tôi nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiệm vụ sắp tới là kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; kiểm soát săn bắt, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Đồng thời cải tạo rừng nghèo kiệt, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây bản địa trên đất chưa có rừng để thành rừng, phục hồi sinh thái rừng trên đất trống” – ông Hồng nói.

VQG Sông Thanh gồm các phân khu chức năng như vùng bảo vệ nghiêm ngặt, có nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng và đất, cảnh quan và các tài nguyên sinh học đảm bảo tự nhiên của các hệ sinh thái; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng; hỗ trợ dịch vụ du lịch sinh thái...

Cơ hội phát triển du lịch

Theo dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Sông Thanh có hơn 890 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong "Sách Đỏ". Vườn quốc gia Sông Thanh là nơi thứ 3 của Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài động vật cực kỳ quý hiếm (cầy vằn, thỏ vằn, mang lớn, sao la) bằng phương pháp bẫy ảnh; là vùng chim đặc hữu của thế giới, đồng thời là vùng đa dạng sinh học trọng điểm. Giai đoạn 2016 – 2020, USAID đã hỗ trợ 24 triệu USD giúp chính quyền, khối tư nhân và người dân ở 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời tăng cường năng lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu của các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Theo thống kê, trên địa bàn các xã vùng đệm của VQG có hơn 5.500 hộ gia đình (gần 20 nghìn nhân khẩu), trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng và Mơ Nông thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn chiếm 95% tổng số hộ. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng, nên tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn.

Đầu tháng 6.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến khảo sát tour du lịch tại lâm phận huyện Nam Giang trước khi Sông Thanh được công nhận VQG. Chính quyền tỉnh có ý tưởng mở tour du lịch từ Khe Ru đến tháp 3 tầng thuộc xã Tà Pơơ (Nam Giang) hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Sông Thanh là VQG đa dạng hệ sinh thái bậc nhất Việt Nam, hội tủ các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái bởi rừng nguyên sinh đẹp và lòng hồ thủy điện bình yên, cùng với các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào.

Ý tưởng mở tour du lịch lên VQG Sông Thanh nhằm thu hút cộng đồng cùng tham gia cải thiện sinh kế, mở rộng và khôi phục các sản phẩm làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Đây là cơ hội để khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên với tiềm năng về du lịch khác như đường Hồ Chí Minh lịch sử, các di tích nền văn hóa Sa Huỳnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng tây Quảng Nam.

Theo chính quyền huyện Nam Giang, địa phương rất phấn khởi khi UBND tỉnh thành lập VQG Sông Thanh và có ý tưởng mở tour du lịch tuần tra bảo vệ rừng. Từ Trạm bảo vệ rừng Khe Vinh thuộc xã Tà Pơơ, du khách xuống bến thuyền trải nghiệm trên dòng sông Thanh và cập bến vào Trạm bảo vệ rừng Khe Ru là có thể bắt đầu hành trình trải nghiệm du lịch bảo vệ rừng.

Ông Trần Văn Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm (TP.Hội An) cho biết, ý tưởng mở tour du lịch sinh thái ở VQG Sông Thanh rất thú vị và sẽ không khó triển khai nếu các công ty lữ hành ngồi lại hợp tác làm ăn. Được biết, chính quyền tỉnh đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn nhằm kết nối giữa VQG Sông Thanh, rừng Ngọc Linh và KBTTN Sao la.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội từ Vườn quốc gia Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO