Còn khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn

VINH ANH 22/10/2020 04:31

Hôm qua 21.10, tại TP.Hội An và huyện Thăng Bình, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn công tác giám sát tình hình triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VINH ANH
Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát tình hình triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VINH ANH

Doanh nghiệp không tham gia 

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài tác động mạnh mẽ, gây hậu quả nặng nề đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Thành phố có tổng số 502 DN; số lao động trong các đơn vị, DN là 11.568 người. Hầu hết DN kinh doanh thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ nên hoạt động bị đình trệ. Nhiều DN ngưng hoạt động từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Thực hiện Nghị quyết 42 của Chính Phủ, UBND TP.Hội An kịp thời ban hành các văn bản liên quan, tổ chức tuyên truyền, đồng thời chủ trì gặp mặt gần 100 DN trên địa bàn để phổ biến, triển khai. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa nhận được hồ sơ vay vốn nào từ DN. UBND TP.Hội An cho rằng, chính sách ban hành kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên có nhiều nội dung không hợp với thực tế, hồ sơ thủ tục, điều kiện vay vốn phức tạp, khó khăn... nên DN không triển khai để được hưởng chính sách.

Ông Nguyễn Xuân Hà - đại diện Chi nhánh Hội An - Công ty CP Quản Lý công viên chủ đề Việt Quốc cho biết, trước dịch Covid-19, DN có 600 cán bộ, nhân viên, nay giảm xuống còn 450 người; thu nhập cũng giảm 50% so với bình thường. Dù cố gắng duy trì, nhưng dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 cùng diễn biến thời tiết khắc nghiệt khiến DN đang gặp vô vàn khó khăn, nhất là vấn đề trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, những thủ tục quy định theo Nghị quyết 42 có nhiều vướng mắc, DN rất khó tiếp cận.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VINH ANH
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VINH ANH

Tương tự, tại huyện Thăng Bình hiện có 203 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trên các lĩnh vực. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất nên đành cho công nhân nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm bớt số lượng công nhân, như: Công ty TNHH May mặc Onewoo, Công ty TNHH Dệt thương mại Tấn Minh - Xí nghiệp May Ánh Sáng 2. Một số công ty đến nay chưa hoạt động trở lại như Công ty May Sơn Hà, Công ty Giftbysign…, khiến nhiều công nhân bị thất nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Đến nay huyện Thăng Bình cũng chưa nhận được hồ sơ vay vốn nào từ DN. Có nhiều nguyên nhân khiến DN không làm hồ sơ vay vốn, như: chưa đáp ứng được các điều kiện vay theo quy định; khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính nên e ngại, không chủ động; vẫn còn vốn để đảo ca, giãn ca, cho người lao động làm việc bán thời gian…

Cần có độ “thoáng”

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh có khoảng 45 nghìn lao động ở 600 DN bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hơn 9 tháng đầu năm 2020, số người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên đến hơn 18 nghìn trường hợp, trong khi con số này từ năm 2019 trở về trước chỉ trung bình hơn 10.000 trường hợp/năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - đại diện Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An cho biết, từ 420 lao động, đến nay DN chỉ còn 114 lao động. Hiện, DN không đặt nặng chuyện lời lỗ, mà lo nhất là làm sao để “nuôi” nhân viên, bảo trì cơ sở vật chất... Với thực trạng đó, tất nhiên là DN mong muốn nhận được khoản hỗ trợ vay vốn từ Chính phủ. Tuy nhiên, chính sách chỉ gói gọn là cho DN vay để trả lương cho người lao động thì DN có muốn cũng không mặn mà. Bà Lan cho rằng, kinh doanh đình trệ, DN không có nguồn thu, ai lại gánh thêm khoản nợ chỉ để trả lương cho nhân viên. Vì thế, chính sách cần có độ “thoáng”, nghĩa là làm thế nào để cho DN vay vốn lưu động, có thể dùng được nhiều việc trong lúc khó khăn, chứ không riêng gì chuyện trả lương cho nhân viên.

Đồng quan điểm, ông Lê Thái Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, tình hình khó khăn do dịch bệnh chưa biết kéo dài trong bao lâu. Nên việc DN vay vốn chỉ để trả lương cho nhân viên sẽ không khả thi, vì bản thân DN cũng không biết lúc nào tình hình mới ổn định, và cầm cự được trong bao nhiêu thời gian.

Về nội dung hỗ trợ DN vay vốn trả lương cho người lao động của Nghị quyết 42, nhiều người cho rằng chỉ hướng đến mục đích hỗ trợ người lao động qua DN, thay vì hỗ trợ trực tiếp. Chính vì thế mới có sự ràng buộc, tránh bị lợi dụng chính sách. Đại diện Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An nhìn nhận, DN vay vốn thì muốn sử dụng nhiều việc trong lúc khó khăn, chứ không chỉ để trả lương cho người lao động. Đến nay, Hội An đã chi 25 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết 42, chỉ riêng nội dung hỗ trợ DN vay vốn để trả lương người lao động là chưa thực hiện được.

Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 154/ NQ-CP ngày 19.10.2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mặc dù chưa có văn bản chính thức triển khai, tuy nhiên qua theo dõi cập nhật thông tin, một số ý kiến cho rằng, nội dung Nghị quyết số 154 đối với hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động vẫn còn nhiều điểm vướng, vì những kiến nghị trên thực tế chưa được sửa đổi, bổ sung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO