Dang rộng vòng tay với người lầm lỡ

THÀNH CÔNG 23/04/2021 06:51

“Cả xã hội hãy dang rộng vòng tay, bằng nhiều cách tiếp sức, hỗ trợ kịp thời để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, bớt đi đối tượng tái phạm tội”. Đó là mong muốn của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (HNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) và 6 năm thực hiện đề án “Bảo đảm tái HNCĐ đối với người CHXAPT trên địa bàn tỉnh”, do UBND tỉnh tổ chức vào hôm qua 22.4.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh trao bằng khen các cá nhân có nhiều đóng góp trong giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.C
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh trao bằng khen các cá nhân có nhiều đóng góp trong giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.C

Những chuyển biến lạc quan

Rất nhiều đổi thay đi từ nhận thức đến hành động thực tiễn của các cấp, ngành, địa phương được đề cập qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 80/CP và 6 năm triển khai đề án của tỉnh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh cho hay, hầu hết địa phương trong tỉnh đã tổ chức được nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT khi trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng. Đây là cách hữu hiệu phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Ngày càng có nhiều tấm gương người CHXAPT trở thành công dân tốt của xã hội, thành đạt trong sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia hoạt động phong trào của địa phương.

Họ còn tự nguyện giúp đỡ người có quá khứ lầm lỡ như mình, vận động người từng lầm lỡ sống lương thiện, có ích cho xã hội. Sức lan tỏa của các mô hình, cách làm hay đã tác động tích cực, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm…

Trung tá Mai Văn Hiển - Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ nói, địa phương hiện có hơn 450 người CHXAPT đang cư trú. Thành phố đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với những người CHXAPT, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nhiều trường hợp.

Ngoài ra, với 13 mô hình tái HNCĐ, trong đó có những mô hình điểm được nhân rộng như “5+1”, “Hướng thiện”, “Vững tin cùng tiếp bước” lan tỏa thông điệp ý nghĩa, tiến tới những hành động nhân văn, đồng hành với người CHXAPT.

“Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ người CHXAPT, cùng với đẩy mạnh nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nên những năm qua tình hình tái phạm tội giảm rõ rệt, từ 23 trường hợp năm 2011 đến nay chỉ còn vài trường hợp mỗi năm” - Trung tá Mai Văn Hiển nói.

Ứng xử nhân văn

Theo thống kê, trong 10 năm qua đã có 5.504 người CHXAPT đang cư trú trên địa bàn được học nghề, có việc làm, tạo thu nhập ổn định, hòa nhập với cộng đồng (đạt tỷ lệ xấp xỉ 89%). Trong đó, có 696 người được giới thiệu việc làm, có 85 người được đào tạo nghề, có 166 người được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Tỷ lệ người tái phạm tội giảm 1 - 1,98%/năm.

Tại hội nghị, nhiều bài học kinh nghiệm, những hạn chế, tồn tại cũng như mục tiêu giải pháp trọng tâm để tiếp tục triển khai đề án tái HNCĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, kế hoạch triển khai Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái HNCĐ của UBND tỉnh đã được các đại biểu tập trung bàn luận.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục người CHXAPT là giải pháp quan trọng để góp phần đảm bảo an ninh, tạo điều kiện giúp người từng lầm lỡ tái HNCĐ.

“Toàn xã hội cần có một cái nhìn công tâm, bao dung đối với họ. Có những người phạm tội vì chủ quan, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá khó khăn và nhiều lý do khác dẫn đến lầm lỡ. Cộng đồng và các cấp chính quyền phải dang tay giúp đỡ, tạo điều kiện để họ sớm HNCĐ, phải xem họ là anh em, là bạn, là xóm giềng, tuyệt đối không kỳ thị, xa lánh.

Người lầm lỡ có rất nhiều nỗi niềm, có nhiều người nhân thân rất tốt, thực sự cầu thị, mong muốn làm người tốt cho xã hội, do đó cần ứng xử nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hãy quan tâm nhiều hơn đến họ!” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Bên cạnh tăng cường phối hợp để đào tạo nghề, tạo điều kiện vay vốn, đẩy mạnh tuyên truyền trong các cấp, ngành và toàn xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Công an tỉnh chủ động phối hợp các địa phương thực hiện kế hoạch, chú trọng hướng dẫn các nội dung đề án đối với người chuẩn bị CHXAPT; hướng dẫn công an các địa phương có biện pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, có phương pháp, kỹ năng, cách tiếp cận và hướng dẫn họ hiệu quả nhất, phát huy tối đa vai trò của công an chính quy về xã. Đồng thời giao chỉ tiêu về việc giúp đỡ người CHXAPT, xây dựng cơ sở dữ liệu để có giải pháp phù hợp, ngăn ngừa tái phạm.

Có biện pháp răn đe đối tượng xấu, kích động lôi kéo người CHXAPT quay trở lại con đường lầm lỗi. Các cấp, ban ngành cần định kỳ tổ chức gặp mặt động viên, khen thưởng, biểu dương các tấm gương điển hình và những cá nhân, tổ chức giúp đỡ người từng lầm lỡ; khuyến khích mô hình hay, cách làm tốt; phát huy vai trò người có uy tín tại địa phương để ngày càng có nhiều hơn những tổ chức, cá nhân cùng đồng hành, mở lối hoàn lương cho người CHXAPT.

Biểu dương những kết quả đáng ghi nhận qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 80 và 6 năm thực hiện đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nhiều người CHXAPT đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp cho gia đình và cộng đồng. Nhưng đâu đó trong từng hoàn cảnh, từng suy nghĩ, họ vẫn phải đối mặt với bộn bề khốn khó, cần sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dang rộng vòng tay với người lầm lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO