Điện Bàn "nâng cấp" đơn vị hành chính

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 26/01/2021 04:55

Nghị quyết số 05 ngày 13.1.2021 của HĐND tỉnh vừa thông qua đề án thành lập 3 phường thuộc các xã Điện Thắng và 2 phường là các xã Điện Minh, Điện Phương thuộc thị xã Điện Bàn. 

Khu dân cư mới Đô thị Điện Thắng vừa được xây dựng giữa năm 2020. Ảnh: V.LỘC
Khu dân cư mới Đô thị Điện Thắng vừa được xây dựng giữa năm 2020. Ảnh: V.LỘC

Từ các xã nông thôn, phần lớn dân cư làm nông nghiệp lên các xã nông thôn mới, nay được “nâng cấp” lên đơn vị hành chính đô thị để phù hợp với quy mô của thị xã, cho thấy quá trình đô thị hóa là một bước chuyển đổi vừa hợp với quy luật phát triển, vừa đặt ra những vấn đề không dễ dàng…

Đô thị hóa nông thôn

Về phương diện xã hội học, nông thôn mang các đặc điểm nổi bật sau đây: Đó là những cộng đồng mà hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, quan hệ tộc họ là đặc điểm nổi bật hơn cả so với các quan hệ nghề nghiệp, tôn giáo, chòm xóm cổ truyền. Do đó các thiết chế văn hóa gắn liền với tộc họ như nhà thờ tộc, nhà thờ chi phái, mồ mả tiền hiền, hậu hiền, tộc ước… cùng các nghi lễ giỗ chạp, tế Xuân tế Thu, hoạt động khuyến học, tang ma… là các đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của từng cộng đồng. Đó là chưa kể các thiết chế văn hóa khác như đình làng, chùa làng, miễu xóm, âm tinh nghĩa tự vốn có từ nhiều thế kỷ của cư dân Đại Việt…

Trong khi đó, đặc điểm của đô thị thì mang tính cộng cư của nhiều tầng lớp cư dân không cùng một nguồn gốc, kinh tế phi nông nghiệp chiếm ưu thế, tính liên đới về nhiều mặt trong sinh hoạt đòi hỏi phải cao hơn. Xã hội học đô thị cho thấy do nghề nghiệp đa dạng nên thu nhập bất bình đẳng, cách biệt giàu nghèo rõ rệt, không gian sống chật hẹp dẫn đến áp lực về ô nhiễm môi trường căng thẳng, luôn tạo ra mối bận tâm của các cơ quan quản lý. Một đặc điểm khác là do các khía cạnh nêu trên, đô thị cũng đối diện với các nguy cơ về mâu thuẫn xã hội và bất an về an ninh trật tự.

Mặt khác, khi chuyển nông thôn thành đô thị, hạ tầng kỹ thuật thường chưa theo kịp tốc độ phát triển dân số cơ học, như nhà trẻ, bệnh viện, dịch vụ thương mại, xử lý chất thải, cơ sở giải trí… cũng là một áp lực không nhỏ. Bên cạnh đó, không gian sống truyền thống của cư dân nông thôn bị thay đổi, cũng tạo ra những biến đổi tâm lý.

Điều đáng quan tâm hơn là quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến đa số người dân lớn tuổi và thiếu vốn không có điều kiện thay đổi ngành nghề từ nông nghiệp, nghề phụ lúc nông nhàn, chăn nuôi gia đình sang các hoạt động dịch vụ khác, dễ trở nên bức bách, cáu bẩn với con cháu…, cũng là một vấn nạn.

Không gian sống, việc làm và môi trường

Xung đột về thay đổi không gian sống và môi trường nói chung là một bài học của những vùng đô thị mới mà ta có thể rút ra làm bài học kinh nghiệm. Chúng tôi đã có dịp khảo sát các khu đô thị mới ở các phường Khuê Trung, Hòa Cường và Hòa Xuân (TP.Đà Nẵng), và thấy rằng triệt để giữ lại các di tích và thiết chế văn hóa mang tính làng xã cổ truyền và tộc họ là một nguyên tắc để duy trì niềm tin của cư dân bản địa.

Các nhà thờ tộc, chi phái, mồ mả tiền hiền, đình làng, miếu âm linh được giữ lại hoặc cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng lại nếu buộc phải di dời đã được các cấp chính quyền thực hiện và rất thuận lòng dân. Có nơi phải chuyển đổi địa bàn của một xóm với chính sách bồi thường thỏa đáng, thì họ được bố trí tái định cư liên cư liên địa trên một con đường, một khu khố và tên con đường ấy là tên của xóm cũ, như các đường Trung Lương, Liêm Lạc ở Hòa Xuân, gắn liền với đất đai xây dựng chợ, nhà thờ tộc họ… khiến họ bớt đi cảm giác đã mất đi làng cũ.

Không gian sống của các khu dân cư cũ với vườn cây, giếng nước, bến sông, sân vận động, kể cả các cây cổ thụ bên miễu xóm không nên phá bỏ. Cái sân gạch, khu vườn cây ăn trái, nếu không vì nhu cầu tách hộ của gia đình, Nhà nước cũng không nên khai thác phân lô theo kiểu nhà ống như một vài nơi đã làm!

Về môi trường. Trước kết là môi trường an ninh trật tự. Trước đây ở các làng quê cũ, lực lượng công an thường là người trong làng vốn có bà con thân tộc tứ phía nên thường luật pháp không nghiêm. Bố trí lực luợng chuyên nghiệp khác địa bàn và có chính sách luân chuyển kịp thời như các địa phuơng ở Quảng Nam đang làm là đáng hoan nghênh vì tính hiệu quả của nó. Đối với dịch vụ kỹ thuật liên quan đến môi trường như cấp thoát nước, ngập nước cần có quy hoạch và đầu tư đồng bộ càng sớm càng tốt...

Khi đưa ra các giải pháp xử lý những vấn nạn về xã hội học đô thị, nhiều nhà nghiên cứ ở các nước đang phát triển đã đề xuất giải pháp chuyển các nhà máy sử dụng nhiều lao động từ các đô thị về nông thôn để giữ chân làn sóng di dân tại chỗ. Quảng Nam đã có kinh nghiệm nhà máy dệt, gia công giày đầu tiên ở Duy Sơn từ hơn 10 năm trước. Sau này các cụm công nghiệp trên địa bàn nhiều huyện phát triển theo đã sử dụng hàng ngàn lao động trẻ ở nông thôn ở lại quê nhà vào làm việc ở đó. Không làm nông mà vẫn ở lại quê. Lại không phải bôn ba đến các thành phố lớn vừa tốn kém tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt. Ở quê, làm công nhân các nhà máy nhưng chiều về nhà vẫn có thời gian làm vườn hay các việc sinh lợi khác.

Các xã được nâng lên phường cần kêu gọi thêm các cơ sở sản xuất đưa nhà máy về địa phương và tổ chức dạy nghề cho thanh niên. Tuy nhiên các phường nêu trên đều là vùng thấp lụt, cần ưu tiên cho họ lập xưởng máy ở các khu cao ráo...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn "nâng cấp" đơn vị hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO