Đô thị hóa, nhanh và chậm

HỮU PHÚC 16/08/2020 08:59

Tốc độ phát triển đô thị của Quảng Nam có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và địa phương. Nhiều nơi kiến tạo được vẻ đẹp độc đáo của đô thị bởi không gian xanh, thân thiện với môi trường và giàu tính nhân văn. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình đô thị hóa ở một số địa phương diễn ra chậm và thiếu đồng bộ.

Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

CHẬT VẬT VỚI NGUỒN LỰC NỘI SINH

Trong định hướng quy hoạch của tỉnh, trục phát triển kinh tế - đô thị luôn là sự chọn lựa ưu tiên, song do đầu tư dàn trải, lại hạn chế về nguồn lực kiến thiết thị chính nên một số đô thị thiếu bản sắc.

Tỷ lệ đô thị hóa thấp

Từ lâu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương xây dựng hệ thống “mắt xích” đảm bảo liên kết giữa đô thị với nông thôn, giữa vùng tây với vùng động lực phía đông của tỉnh, dựa theo nguyên tắc các trục kinh tế - đô thị phải dìu dắt nhau phát triển.

Quảng Nam đã hình thành rõ nét 2 trục kinh tế - đô thị bắc nam. Trong đó, trục quốc lộ 1 kết nối các đô thị Núi Thành, Tam Kỳ, Hà Lam, Hương An, Nam Phước và Điện Bàn; trục đường bộ ven biển kết nối các đô thị Điện Bàn, Hội An, Duy Hải - Duy Nghĩa, Bình Minh, Tam Kỳ, Núi Thành. Một trục đông - tây là hành lang Bắc Quảng Nam nối Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với TP.Đà Nẵng và khu vực ven biển Bắc Quảng Nam qua các tuyến quốc lộ 14B, 14D và tỉnh lộ ĐT609.

Đô thị cổ Hội An lâu nay nổi tiếng khắp thế giới không chỉ là di sản văn hóa của nhân loại mà còn là vùng đất nhân tình thuần hậu. Còn Tam Kỳ đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng, củng cố các tiêu chí dở dang để được “lên hạng” đô thị loại II.

Sở Xây dựng cho biết, mạng lưới đô thị của tỉnh trải đều khắp các vùng, kể cả các huyện vùng cao đều có đô thị trung tâm cấp huyện; đồng thời định hướng mở rộng không gian đô thị ở Hương An (Quế Sơn), Bình Minh (Thăng Bình) và Duy Hải – Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Việc kích hoạt để nâng cấp đô thị theo lộ trình đặt ra vẫn còn là rào cản với nhiều địa phương. Điển hình, Hội An đến nay vẫn chưa đạt nhiều tiêu chí của đô thị loại II; huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn, Nam Hội An chưa đủ điều kiện để được công nhận đô thị loại III; các thị trấn Nam Phước, Hà Lam, Khâm Đức, Đông Phú, Ái Nghĩa và Thạnh Mỹ chưa trở thành đô thị loại IV.

Theo Sở Xây dựng, năm 2020, cả tỉnh có 21 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại II (Tam Kỳ); 1 đô thị loại III (Hội An); 2 đô thị loại IV (Điện Bàn và Núi Thành) và 17 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,3% (cao hơn chỉ tiêu chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2020 là 32%). Tỷ lệ này cao hơn tỉnh Quảng Ngãi - dự kiến tỷ lệ đô thị hóa là 23%; nhưng thấp hơn tỉnh Bình Định với tỷ lệ đô thị hóa 42,8% và thấp hơn bình quân toàn quốc (40%). Tuy có sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng dân số đô thị nhưng tỷ trọng dân số đô thị của tỉnh vẫn ở mức thấp so với các tỉnh thành trong cả nước. Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc với hàng chục dự án nhà ở xã hội, bất động sản, khu đô thị, nhưng mật độ xây dựng nhà ở vẫn còn thưa thớt; dân số cơ học tăng không đáng kể.

Yếu và thiếu hạ tầng

Không gian đô thị không bao giờ tách biệt với không gian phát triển kinh tế. Bất cứ đô thị hiện đại, có thương hiệu nào trên thế giới cũng tuân theo nguyên tắc đó. Các đô thị ở miền núi mang sứ mệnh là trung tâm hành chính nhà nước nhiều hơn, do chưa có sự tham gia sôi động của các hoạt động kinh tế. Bằng chứng là khu vực trung tâm một số huyện miền núi thậm chí còn không có sự đầu tư của các nhà máy sản xuất quy mô công nghiệp.

Tại thị trấn Tắc Pỏ (Nam Trà My), Tơ Viêng (Tây Giang), chính quyền địa phương gặp lúng túng khi mở rộng không gian đô thị bởi chung quanh là núi cao vực thẳm, quỹ đất bằng phẳng ít. Nếu so sánh nhịp sống đô thị, thì Tắc Pỏ còn thua xa một thị tứ nhỏ ở vùng đồng bằng. Thị dân nơi đây vẫn chưa được thụ hưởng các dịch vụ cần thiết như nước sạch, khu vui chơi trẻ em, quảng trường. Kể cả hệ thống đường chính của trung tâm Tắc Pỏ còn dở dang các hạng mục vỉa hè, thoát nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Văn Mẫn cho rằng, 10 năm qua, địa phương rất khó khăn trong tái thiết, chỉnh trang đô thị, bởi vốn bố trí bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng tiền chi cho hạng mục điện chiếu sáng công cộng đã hơn nửa tỷ đồng. Hiện tại đô thị vẫn chưa đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, trong khi đó khu xử lý rác thải thì đầu tư tạm bợ.

Các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Thăng Bình đã quy hoạch xây dựng vùng huyện và nhiều địa phương khác trong đồ án quy hoạch, định hướng phát triển đô thị khá tương đồng. Thêm vào đó là lối kiến trúc, cảnh quan đô thị các địa phương như bản sao nên không có bản sắc riêng. Các đô thị chú trọng nhiều đến các “tiêu chí nổi” (điện, đường, công viên, cây xanh, cảnh quan đường phố…) mà phần lớn xem nhẹ yếu tố môi trường, chưa đầu tư hạng mục thu và xử lý nước thải, công trình nước sạch tập trung, cũng như chất lượng cuộc sống.

Giám đốc Sở Xây dựng - ông Nguyễn Phú cho rằng, nguyên nhân cản trở quá trình phát triển đô thị của tỉnh chủ yếu nằm ở nguồn lực đầu tư còn thấp, chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Thêm vào đó, xuất phát điểm của các đô thị và thực tế phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn hạn chế. Nhóm các đô thị không thể “lên hạng” được do bị khống chế bởi tiêu chí về quy mô dân số tối thiểu.

Ông Phú phân tích, bất cập của chương trình phát triển đô thị thời gian qua, có nguyên nhân từ chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu cơ chế hỗ trợ bao gồm cả đầu tư hạ tầng mới để mở rộng không gian đô thị, chỉnh trang, tái thiết thị chính hiện hữu tạo động lực nội tại cho các đô thị.

ĐÔ THỊ... DA BEO

Vùng ven biển với cuộc đua tốc độ về các dự án đô thị để lại hệ lụy nhãn tiền là những tấm “da beo” khó nhìn.

Vào sinh sống tập trung ở khu đô thị Duy Hải (Duy Xuyên) nhiều năm nay nhưng các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vẫn xoay xở chật vật với nguồn nước sinh hoạt. Các hộ dân xây nhà ở kiên cố tại khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 hầu như không được sử dụng dịch vụ nước sạch từ các nhà máy sản xuất nước. Các hộ dân tự khoan lấy nước dưới lòng đất, nhưng nguồn nước thường thiếu ổn định, có khu vực bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Các khu vực dân cư đông đúc ở Duy Hải gần như thưa bóng cây xanh và chưa được đầu tư hệ thống điện đường chiếu sáng. Người dân địa phương thường đùa, Duy Hải là đô thị thuộc nông thôn. Theo định hướng, đô thị Duy Hải – Duy Nghĩa phát triển theo hướng văn hóa, du lịch, dịch vụ cao cấp, sinh thái; hỗ trợ giảm tải và gắn kết với đô thị Hội An, nhằm khai thác thế mạnh của bờ biển. Quảng Nam chủ trương hình thành các khu đô thị ven biển, trong đó có đô thị Duy Hải – Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình).

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc với cả trăm dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị đã và đang đầu tư, minh chứng cho quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại đây. Theo thống kê, toàn bộ vệt ven biển, ven sông Cổ Cò với diện tích 2.700ha được quy hoạch phát triển đô thị. Các dự án thì mạnh ai nấy chia lô, bán nền trong khi Nhà nước lại thiếu công cụ kiểm soát nên rất lúng túng trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị.

Sự thật tréo ngoe là, nhiều dự án đã giao dịch, bàn giao sản phẩm bất động sản, nhà ở nhiều năm rồi nhưng vẫn không thể đưa vào vận hành hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, do không đấu nối đồng bộ với dự án khác. Sự chia cắt của các dự án đô thị đã phá vỡ không gian quy hoạch, khó khớp nối đồng bộ với hạ tầng tổng thể.

Thách thức mà nhiều đô thị ven biển đang đối mặt là dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng cao. Đô thị Hội An và Vĩnh Điện theo dự báo sẽ bị nhấn chìm một phần diện tích bởi hiện tượng lũ và triều cường tấn công. Một phần các đô thị Tam Kỳ, Núi Thành cũng đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn. Vùng đông, đặc biệt khu vực ven biển, chỗ nào cũng ưu tiên dành đất quy hoạch đô thị; vùng tây các nhà quy hoạch cũng đeo đuổi mục tiêu phát triển đô thị bằng mọi giá, trong khi nguồn lực lại hạn chế dẫn đến việc phân tán đầu tư.

Thực tế các dự án ven biển (bao gồm dự án đô thị) đều bị chậm tiến độ do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo. Dọc ven sông Cổ Cò, qua địa bàn Hội An và thị xã Điện Bàn, xen lẫn các tòa nhà cao tầng là các khu dân cư làng quê và thửa đất nông nghiệp.

Sự hời hợt trong quy hoạch không gian ven biển, cộng với sự dự báo kế hoạch sử dụng đất thiếu chính xác đã làm cho hình hài đô thị bị loang lổ. Đô thị ven biển luôn được xác định là vệ tinh phát triển, động lực lan tỏa vùng, nhưng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng không đồng bộ, khớp nối hạ tầng, đã làm giảm sút chất lượng đời sống của thị dân. Bất cập lớn là hạ tầng khung liên kết giữa các đô thị vùng đông còn yếu, rõ nhất là mạng lưới cấp nước liên đô thị, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn…

ĐÔ THỊ “TRỊ THỦY”

Nhiều năm qua, Tam Kỳ vẫn “trung thành” với định hướng phát triển thủ phủ xanh. Từ hệ lụy nhãn tiền của tình trạng ngập úng cục bộ quanh một số tuyến đường gần cầu Điện Biên Phủ mỗi khi xảy ra mưa lớn, thành phố đã tập trung nghiên cứu, dành nguồn lực đầu tư hệ thống “trị thủy”.

Tam Kỳ đang xây dựng đô thị theo hướng “thủ phủ xanh”. TRONG ẢNH: Đàn chim trú ngụ ở sông Đầm bãi sậy (Tam Kỳ). Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Tam Kỳ đang xây dựng đô thị theo hướng “thủ phủ xanh”. TRONG ẢNH: Đàn chim trú ngụ ở sông Đầm bãi sậy (Tam Kỳ). Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu xây dựng Tam Kỳ thành “thủ phủ xanh”. Thực tế vừa qua việc đầu tư hàng loạt dự án, công trình, nhưng thiếu xem xét cẩn trọng báo cáo tác động môi trường khiến một phần diện tích của Tam Kỳ biến thành “đô thị chìm” vào mùa mưa lũ.

Các chuyên gia tư vấn cho rằng, giải pháp “trị thủy” của đô thị Tam Kỳ là ưu tiên mở rộng và nạo vét lòng sông Bàn Thạch và Tam Kỳ; đồng thời nâng cốt nền, xây dựng đê (cũng là đường giao thông) sông Bàn Thạch. Về lâu dài, xúc tiến xây dựng bờ kè sông Trường Giang.

KTS. Hoàng Sừ - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đô thị xanh phải xử lý rốt ráo tình trạng ngập úng cục bộ, phát triển dựa vào vẻ đẹp tự nhiên của núi đồi và sông nước. Tam Kỳ muốn xây dựng đô thị thông minh nhất thiết phải được cộng sinh với núi, biển, sông, hồ và đồng ruộng.

Khi chọn phương án dịch chuyển trung tâm hành chính về phía đông, Tam Kỳ tính toán bố trí ven trục đường Lê Thánh Tông, đối diện với sông Đầm bãi Sậy. Theo lý giải của UBND TP.Tam Kỳ, khu vực này đảm bảo về mặt trị thủy do có cốt nền cao, mặt khác đây là vùng động lực phát triển. Khi thu hút đầu tư các dự án đô thị, địa phương cũng chọn những nơi cao ráo.

Dự án khu đô thị kiểu mẫu Tây Bắc vừa được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đầu tư, với diện tích hàng chục héc ta nằm ở cửa ngõ phía bắc của thành phố. Đến nay, thành phố đã có 53 tiêu chí hoàn thành trong tổng số 59 tiêu chí đô thị loại II theo quy định. Sáu tiêu chí chưa đạt gồm thu nhập bình quân đầu người, dân số toàn đô thị, mật độ đường khu vực đô thị, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ tuyến phố văn minh.

ĐỘC ĐÁO ĐÔ THỊ SINH THÁI

Hội An đang mở rộng không gian đô thị sinh thái để giảm tải cho phố cổ trước sự tàn phá của thời gian và tác động của biến đổi khí hậu.

Du thuyền có thể di chuyển đến tận mỗi ngôi nhà trong dự án đô thị Casamia.
Du thuyền có thể di chuyển đến tận mỗi ngôi nhà trong dự án đô thị Casamia.

Phát triển không gian đô thị Hội An có sự kế thừa, chuyển tiếp giữa các khu vực di sản, khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới. Khi thu hút các dự án bất động sản, nhà ở, biệt thự cao cấp phục vụ cho chất lượng đô thị hóa, thành phố tuân thủ theo quy hoạch không gian phát triển, kiến trúc xây dựng.

Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, địa phương chỉ phát triển đô thị hiện đại về phía tây (phường Thanh Hà giáp với thị xã Điện Bàn), giãn dân ở khu vực phố cổ ra vùng ven có địa hình cao ráo hơn; còn vùng đông định hướng phát triển đô thị sinh thái, không gian xanh, thân thiện với môi trường.

Tại xã Cẩm Thanh, dự án khu biệt thự sinh thái Casamia đã hoàn thiện là minh chứng cho sự “lên ngôi” của đô thị xanh, tận dụng triệt để vẻ đẹp của dòng sông Cổ Cò và bờ biển. Dự án Casamia có tổng diện tích hơn 15ha, gồm 216 biệt thự, shophouse (nhà phố thương mại) do Công ty CP Đạt Phương làm chủ đầu tư. Mật độ xây dựng của dự án đô thị này chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là không gian kiến trúc cảnh quan, diện tích mặt nước, cây xanh. Những ngôi nhà liền kề theo một trật tự nhưng lô xô cao thấp để tránh nhàm chán, cây xanh được đưa lên tới tận tầng 2, tầng 3 của các căn nhà. Cư dân có thể di chuyển giữa các phân khu bằng cả đường bộ lẫn đường thủy.

KTS.Trần Ngọc Chính – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, dự án Casamia đã có ý tưởng tuyệt vời khi thiết kế kiểu “bàn tay xòe”. Không gian sinh thái, thân thiện với môi trường trải dài từ các căn hộ, đến các trục đường, hạ tầng kỹ thuật và ở hai bên bờ sông.

“Sự khôn ngoan của chủ đầu tư lẫn nhà thi công là giấu được khối bê tông cốt thép thô cứng, thay vào đó là kè sinh thái, trồng cây xanh. Vì thế, tôi cho rằng đây là một quy hoạch hoàn hảo vì kết hợp hài hòa giữa khai thác không gian tự nhiên, cảnh quan và mặt nước để kết nối với sông Cổ Cò” – KTS.Trần Ngọc Chính khẳng định.

Nhận xét về các dự án phát triển đô thị ở Hội An gần đây, trong đó có dự án Casamia, KTS.Trần Ngọc Chính cho rằng, Hội An đã sáng suốt trong định hướng phát triển thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch; hài hòa lợi ích giữa bảo tồn di sản với phát triển đô thị. Sự thành công dễ nhìn thấy nhất ở Hội An chính là công tác quy hoạch xây dựng có chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, không thể có một đô thị tốt nếu khâu “quy hoạch tồi”.  Điều băn khoăn của dự án Casamia Hội An, cũng như bất kỳ dự án phát triển đô thị nào là nhà đầu tư có quan tâm đến hạng mục xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường hay không. Nếu không xử lý tốt, tuân thủ nghiêm ngặt báo cáo tác động môi trường được duyệt, thì dòng sông sẽ vô tình hứng rác thải sinh hoạt.

Theo chính quyền TP.Hội An, quan điểm nhất quán của địa phương khi mở rộng không gian đô thị là tuyệt đối không được phá vỡ kiến trúc cảnh quan hiện hữu, bảo tồn di sản văn hóa và khu sinh quyển thế giới. Để khống chế độ cao, cũng như mật độ xây dựng, thành phố sẽ quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, không cho xây dựng các tòa nhà cao vượt quá 6 tầng (trừ phường Thanh Hà định hướng phát triển đô thị hiện đại), không làm mái bằng mà phải là mái ngói. Các khách sạn chỉ được xây dựng 60% diện tích hiện hữu, biệt thự, căn hộ cao cấp xây dựng tối đa 50% tổng diện tích dự án, phần đất còn lại trồng cây xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị hóa, nhanh và chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO