Đổi thay ở vùng căn cứ Khu ủy 5

TẤN SỸ 27/04/2020 11:52

Sau 45 năm giải phóng, vùng căn cứ Khu ủy 5 tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức đã khoác lên mình diện mạo mới. Đói nghèo, lạc hậu đã lùi xa, thay vào đó là cuộc sống no ấm hơn.

Ông Hồ Văn Hiết ở thôn Trà Va, xã Sông Trà kể lại niềm vui ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh: XUÂN LAM
Ông Hồ Văn Hiết ở thôn Trà Va, xã Sông Trà kể lại niềm vui ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh: XUÂN LAM

Hồi ức của ông Hiết

Đã 84 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, ông Hồ Văn Hiết ở thôn Trà Va, xã Sông Trà dành trọn cuộc đời mình cho cách mạng. Ông từng là dân công tải đạn, gùi lương ra chiến trường, rồi làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho căn cứ Khu ủy 5 giai đoạn 1973 - 1975. Tuy giờ tuổi đã cao, song ông Hiết vẫn nhớ như in những thời khắc lịch sử của cuộc tiến công và nổi dậy trên khắp các chiến trường khu 5 ngày nào. Ông Hiết nhớ nhất là khi nghe tin giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.

“Tin vui thắng trận báo về, bà con chúng tôi hò reo, nhà ai có gạo, có sắn, có rau, gà, hay bất cứ thứ gì có thể ăn được, đem ra góp chung với làng ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi vui, hát hơn 3 ngày 3 đêm...” - ông Hiết nhớ lại.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông Hiết trải qua nhiều chức vụ công tác khác nhau. Từ Chủ tịch UBND, rồi đến Bí thư Đảng ủy xã, ở cương vị công tác nào ông Hiết cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về cuộc sống đời thường, với uy tín của mình, ông Hiết tiếp tục vận động bà con tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương.

“Giờ già rồi, nhưng thấy điện sáng, con trẻ học bài, đường ô tô chạy qua nhà, bà con không còn đói ăn, lạt muối nữa, cái bụng già vui lắm. Bà con Ca Dong nơi đây biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm” - già Hiết nói.

Vùng căn cứ sang trang mới

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Trà cho biết, sau 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là từ sau 18 năm thành lập xã Sông Trà, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi căn cứ Khu ủy 5 đã bước sang trang mới. Trong đó, từ nhiều nguồn ngân sách đầu tư của trung ương và của tỉnh, như Chương trình 135, 30b, an toàn khu…, Sông Trà tập trung nguồn lực để vực dậy đời sống kinh tế của bà con. Đã có hơn 100 tỷ đồng được đầu tư giao thông đồng bộ, kết nối liên xã, liên thôn. Mạng lưới điện nông thôn được nâng cấp, đầu tư mới, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%. Hệ thống nước sạch, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc đều được đầu tư xây mới... tạo nên diện mạo khang trang hơn.

“Là một xã có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Sông Trà đã biết phát huy lợi thế vườn rừng, vườn đồi, kinh tế trang trại để tập trung giảm nghèo, làm giàu cho người dân. Mức thu nhập bình quân đầu người tại địa phương nay đã đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60% năm 2002 đến nay còn dưới 20%; xã cũng đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới” - ông Sơn điểm qua vài số liệu.

Nói về sự đổi thay ở Sông Trà, ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, những năm qua địa phương đặc biệt dành nguồn lực lớn đầu tư cho sự phát triển của căn cứ Khu ủy 5. Trong đó, kêu gọi đầu tư hình thành cụm công nghiệp Sông Trà với quy mô hơn 200ha để phát triển lâm nghiệp bền vững. Hiện tại đã có 3 doanh nghiệp vào cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Sông Trà cần nắm vững lợi thế này, ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động người dân tộc thiểu số và hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2025.

Bốn mươi lăm năm sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, những thành tựu lớn hơn đã và đang chờ vùng đất căn cứ Khu ủy 5 ngày nào ở phía trước, trong một chu kỳ dựng xây và phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đổi thay ở vùng căn cứ Khu ủy 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO