Đón thủy thủ tàu không số vào bến Hòn Hèo

NGỌC DIỆP 27/08/2019 09:35

Trong chuyến công tác tại Ban CHQS thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), tôi cùng đồng đội đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm tàu C235 tại xã Ninh Vân. Tại đây, câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ - liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội tàu C235 được tái hiện sống động.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Thị Hường.
Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Thị Hường.

Theo tư liệu, ngày 27.2.1968, tàu 235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh (quê Điện Bàn) chỉ huy chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo thì bị địch phát hiện và bắn phá ác liệt. Cùng với 14 cán bộ, chiến sĩ, Trung úy Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng ngã xuống, các anh em còn lại đều thương tích đầy mình vẫn cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo để tránh sự truy lùng gắt gao của địch. Phơi mình dưới nắng, không lương thực, nước uống, đến ngày thứ 12 các anh mới liên lạc được với du kích ở bến và lúc này chỉ còn 5 thủy thủ.

Để tường tận hơn câu chuyện cảm động trên, tôi đã tìm đến nhà nữ cựu chiến binh Phạm Thị Hường, từng là cán bộ Trạm xá Hòn Hèo. Năm nay đã 72 tuổi nhưng ký ức của bà không hề phai nhòa theo thời gian. Từ năm 12 tuổi, bà Hường đã làm liên lạc cho cách mạng, đến năm 17 tuổi thì thoát ly vào hoạt động tại Hòn Hèo. Bà kể: “Thế hệ chúng tôi làm cách mạng hăng hái lắm, tổ chức giao việc gì là quyết tâm hoàn thành bằng được. Làm y tá và nuôi quân, tôi thường ngày tiêm thuốc, thay bông băng, trò chuyện, giặt giũ, cơm nước cho thương bệnh binh và cán bộ, chiến sĩ. Tình đồng đội thiêng liêng vô cùng, cả đơn vị cùng nhau gánh vác việc chung, không màng chuyện riêng tư, chan hòa như anh em ruột thịt.

Đầu tháng 3.1968, chúng tôi thấy trên biển có pháo sáng bắn lên, rồi nhiều tiếng súng nổ. Gần sáng có một tiếng nổ lớn. Biết tàu ta vào đã gặp địch, chúng tôi được lệnh tỏa đi tìm anh em thủy thủ. Lúc ấy trực thăng địch đổ quân bao vây vùng Hòn Hèo. Chúng đông lắm, có cả lính Đại Hàn. Ngoài biển thì tàu chiến, trên núi thì bộ binh, đạn vãi ra như mưa. Mải chạy càn, tôi bị lạc đơn vị, mấy ngày lang thang trong rừng. Đói cũng có nhưng cái khát còn đáng sợ hơn, phải hứng từng giọt nước nơi khe đá rỉ xuống. Một đêm tôi thiếp đi ngay bên con suối cạn. Lúc tỉnh dậy trời tờ mờ sáng, thấy lính Đại Hàn gần đến mức nhìn rõ cả nốt tàn nhang trên mặt một tên trong số đó. Vỏ đồ hộp chúng ném ra, rơi ngay vào đầu. Nghĩ thầm phen này chắc chết, đồng đội sau này có biết mà mang xác về không. Nhưng còn nước còn tát. Tôi rón rén lùi xa khu vực nguy hiểm. Ba ngày sau lần về chỗ đóng quân cũ của đơn vị. Lán trại đã bị đốt trụi. Rất lâu sau có tiếng động lạ, lắng nghe một lúc thì nhận ra người cùng đơn vị, chúng tôi ôm nhau nghẹn lời. Địch rút, chúng tôi lần xuống bến, đoán có thủy thủ còn kẹt ở đâu đó, đơn vị phân công chốt giữ trên từng đoạn đường mòn. Quả nhiên mấy hôm sau tìm được 5 anh thủy thủ còn sống nhưng kiệt sức vì không ăn uống đã hơn 10 ngày. Bộ phận bến phân công đi đào củ mài để bồi dưỡng cho anh em. Không có mùng, đêm muỗi đốt quá trời, đập không xuể. Thấy thế tôi lượm dù pháo sáng khâu cho mỗi người một cái bao để chui vào ngủ. Hôm chia tay, các thành viên tàu không số nói: “Bọn anh xin cái bao này để làm kỷ niệm”. Tôi khóc, thương các anh quá...”. Kể đến đây, bà Hường nước mắt giàn giụa, nói: “Thế là sau thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe, các anh đã vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Tôi vài năm sau kết duyên cùng anh Nguyễn Bá Cường, một y tá của Trạm xá Hòn Hèo”.

Đến năm 1978, tức là chục năm sau ngày chia tay, anh Tuyến (một thủy thủ của tàu C235) bấy giờ công tác tại Nha Trang, đã trở về Ninh Phước tìm gặp đồng đội ngày xưa. Ôn chuyện quá khứ, ai cũng kể vanh vách, không quên một chi tiết nào. Rồi các thủy thủ khác trên con tàu không số ngày đó trong hành trình về chiến trường xưa, đã tìm bằng được bà Hường để ôn lại những năm tháng không thể nào quên ấy. Tháng 10.2011, bà Hường vinh dự được mời ra Hải Phòng gặp mặt các cựu chiến binh tàu không số nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tưởng nhớ sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tàu C235, năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã cùng chính quyền địa phương xây dựng bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tại mũi Bà Nam (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Ngày 26.4.2014, Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định xếp hạng địa điểm lưu niệm tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) là Di tích lịch sử quốc gia. Cựu chiến binh Phạm Thị Hường sau này từng làm Bí thư Chi bộ Xí nghiệp muối, chồng làm Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa (hiện cả hai đã nghỉ hưu) ủng hộ gần 100 triệu đồng xây thêm nhà thờ để nắng mưa vẫn nhang khói được cho các liệt sĩ. Và câu chuyện về tàu không số vào bến Hòn Hèo luôn được các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau lưu truyền mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón thủy thủ tàu không số vào bến Hòn Hèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO