Động lực giảm nghèo bền vững

DIỄM LỆ 15/07/2020 04:30

Năm 2017, Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững bắt đầu được triển khai. Ngoài các chính sách của Trung ương, chính sách này của tỉnh đã tiếp thêm nguồn động lực trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Từ sự hỗ trợ của các chính sách giảm nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững hơn. Ảnh: D.L
Từ sự hỗ trợ của các chính sách giảm nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững hơn. Ảnh: D.L

Tiếp sức hộ nghèo miền núi

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 3 năm qua có 11.343 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và UBND cấp xã quyết định công nhận 9.989 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; có 12.608 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và UBND cấp xã quyết định công nhận 11.924 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Trong số hộ nghèo đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững chủ yếu ở các huyện miền núi: Nam Trà My (đăng ký 1.548 hộ, công nhận 1.529 hộ), Bắc Trà My (đăng ký 1.151 hộ, công nhận 1.039 hộ), Phước Sơn (đăng ký 1.497 hộ, công nhận 1.029 hộ), Đông Giang (đăng ký 908 hộ, công nhận 827 hộ).

Ở khu vực đồng bằng và miền núi thấp, hộ cận nghèo đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững tập trung các huyện: Quế Sơn (đăng ký: 2.062 hộ, công nhận 2016 hộ), Tiên Phước (đăng ký 1.356 hộ, công nhận 1.287 hộ, Thăng Bình (đăng ký 1.104 hộ, công nhận 1.004 hộ) và Duy Xuyên (đăng ký 1.090 hộ, công nhận 1.072 hộ).

Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách tỉnh cấp cho các địa phương thực hiện Nghị quyết 13 trong giai đoạn 2017 - 2019 hơn 345 tỷ đồng, các địa phương đã thực hiện chi trả chế độ chính sách khuyến khích gồm thưởng bằng tiền mặt cho hộ thoát nghèo bền vững, thưởng cho cộng đồng thôn có hộ nghèo, hộ cận nghèo được công nhận thoát nghèo bền vững, hỗ trợ về y tế  như cấp thẻ bảo hiểm y tế, giáo dục (cấp bù 100% học phí, hỗ trợ chi phí học tập), hỗ trợ về tín dụng.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Nghị quyết 13 thực sự trở thành động lực tiếp sức cho hộ nghèo, đặc biệt là khu vực miền núi. Bởi hộ nghèo cần sinh kế ổn định hoặc nguồn lực tác động sau thoát nghèo mới đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo”.

Theo bà Ngọc, Nghị quyết 13 ban hành làm thay đổi nhận thức, cách đánh giá và cách thức hỗ trợ trong công cuộc giảm nghèo của các cơ quan nhà nước, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân và của các đơn vị, cá nhân khi hỗ trợ hộ nghèo. Chính sách giúp nhóm đối tượng nghèo, gồm những hộ không có điều kiện thoát nghèo và yếu thế nhất trong xã hội (hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn, ốm đau đột xuất), cùng với xã hội thực hiện hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, phương tiện sinh hoạt (ti vi, đồ dùng gia dụng...) xây dựng cải thiện nhà ở, công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh... để họ đủ điều kiện vươn lên có cuộc sống tốt hơn.

Nhiều khó khăn

Nhiều nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững, nhưng qua triển khai thực tế vẫn còn khó khăn. Kết quả các cuộc kiểm tra của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, một số địa phương dễ dãi trong việc rà soát nên không đảm bảo được tính bền vững, một số hộ nghèo tuy có lao động nhưng thiếu các điều kiện thoát nghèo nên không đủ điều kiện đăng ký. Mặc dù vậy, có địa phương vẫn cho hộ không đủ điều kiện đăng ký hoặc công nhận hộ thoát nghèo bền vững, nên nguy cơ tái nghèo dễ xảy ra.

Qua thực tế khảo sát cho thấy, một số chính sách trong Nghị quyết 13 cần được điều chỉnh, bổ sung bởi không còn phù hợp với tình hình mới. Mức vay tối đa theo quy định đối với hộ đăng ký và công nhận thoát nghèo bền vững quy định tại Nghị quyết 13 là 50 triệu đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng không còn phù hợp với quy định hiện nay (trung ương đã nâng mức tối đa lên 100 triệu đồng). Phần đông hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn (dư nợ) tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn một số hộ chưa được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ 100% lãi suất.

Hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo chỉ có 2 chính sách là tín dụng và cấp BHYT miễn phí. Trong đó, đối với hộ cận nghèo ở những thôn đặc biệt khó khăn, ở các xã nghèo, huyện nghèo và hộ cận nghèo là hộ dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì chính sách cấp BHYT không có ý nghĩa, vì được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT. Chính sách khuyến khích bổ sung thông qua hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện miền núi, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh khi nhận giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy đã được các địa phương phổ biến, triển khai nhưng mức hỗ trợ của chính sách này chưa đủ sức hấp dẫn...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO