Hiểm họa diều bay bên lưới điện

TRUNG LỘ 27/04/2020 21:35

Gần đây, số vụ thả diều gây sự cố mất điện trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Thả diều dưới đường dây điện dễ gây nguy hiểm cho người và an toàn vận hành lưới điện. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thả diều dưới đường dây điện dễ gây nguy hiểm cho người và an toàn vận hành lưới điện. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tiềm ẩn nguy cơ chập cháy

Theo Phòng An toàn (Công ty Điện lực Quảng Nam), từ năm 2017 đến 2019, toàn tỉnh có 20 sự cố gây mất điện do thả diều vướng vào đường dây, tuy nhiên chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, đã có đến 15 vụ thả diều ở gần khu vực lưới điện đi qua, gây sự cố mất điện.

Cụ thể, vào chiều 25.3.2020, nhiều hộ dân ở khu vực xã Bình Quý (Thăng Bình) phản ánh việc bị mất điện. Sau khi nhận được thông tin, nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam sớm có mặt tại hiện trường, kiểm tra và phát hiện nguyên nhân của sự cố mất điện là diều vướng vào đường dây 22kV, làm nhảy máy cắt MC 477/Thăng Bình. Sự cố gây mất điện hơn một tiếng đồng hồ cho 8.648 khách hàng.

Tương tự, vào chiều 24.3.2020, cánh diều rơi vào đường dây điện gây sự cố nhảy máy cắt MC 477/Duy Xuyên, gây mất điện gần một tiếng đồng hồ cho gần 5.000 khách hàng ở khu vực huyện Duy Xuyên...

Diều vướng vào đường dây điện gây nguy hiểm.
Diều vướng vào đường dây điện gây nguy hiểm.

Theo ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng An toàn, thả diều là một trò chơi dân gian được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, diều cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều sự cố mất an toàn cho hệ thống lưới điện và nguy hiểm đến tính mạng người tham gia.

Trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra như người chơi diều bị bỏng nặng hoặc tử vong do dây diều vướng vào đường dây điện cao áp. Đường dây cao thế lúc dẫn điện, vướng phải vật cản có thể gây phóng điện đột ngột khiến cho những người đứng gần đó bị bỏng, thậm chí chết người.

Đặc biệt, khi dây và diều vướng vào dây cao áp đang vận hành, nếu gặp trời mưa gió, các dây chập vào nhau sẽ gây ra sự cố điện. Thời gian gần đây, sự cố về điện do các trường hợp thả diều gây ra ngày càng gia tăng nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý kiên quyết.

Tăng cường xử lý  

Theo ông Nguyễn Đình Viễn - Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), việc thả diều hay vật bay vào hành lang lưới điện là hành vi vi phạm về an toàn điện, được quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26.2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng; đồng thời bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của Nhà nước. Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, sự cố mất điện trên diện rộng… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. 

Nhân viên điện lực gỡ diều vướng dây điện bằng thiết bị chuyên dụng.
Nhân viên điện lực gỡ diều vướng dây điện bằng thiết bị chuyên dụng.

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống dân sinh, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Nam đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện treo biển cảnh báo trên các cột điện, tại các vị trí đất trống mà thường xuyên có người tập trung để thả diều có khả năng gây sự cố cho lưới điện; phối hợp cùng chính quyền địa phương đến từng hộ cấp phát tờ rơi, hướng dẫn người thả diều tránh xa đường dây điện, không để diều vướng vào đường dây gây sự cố.

Công ty Điện lực Quảng Nam khuyến cáo người dân không được thả diều gần đường dây điện, trạm điện và những nơi có lưới điện đi qua, mọi người nên nhắc nhở con em không được thả diều gần đường dây điện.

“Trong trường hợp diều vướng vào đường dây, tuyệt đối không được trèo lên cột điện, dùng sào gỡ, người dân cần báo cho đơn vị quản lý vận hành có biện pháp tháo gỡ bằng thiết bị chuyên dụng, tránh nguy cơ tai nạn do vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cao áp” - ông Trần Ngọc Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiểm họa diều bay bên lưới điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO