Kiểm soát nguy cơ mất an toàn

DIỄM LỆ 25/05/2020 09:47

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được triển khai chủ yếu từ chính mỗi doanh nghiệp (DN)  trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ là chính.

Công đoàn Công ty Sedo Vinako thăm công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: D.L
Công đoàn Công ty Sedo Vinako thăm công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: D.L

Với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, Tháng hành động về ATVSLĐ diễn ra từ ngày 1 - 31.5.2020, kêu gọi các đơn vị, DN, người lao động (LĐ) cùng nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Tự kiểm tra là chính

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm cho biết: “Do dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến DN, nên tỉnh sẽ không thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra. Vì thế, DN cần chủ động tự thực hiện các biện pháp tự kiểm tra, đảm bảo ATVSLĐ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho người LĐ của DN. Đối với việc huấn luyện cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các đơn vị, DN, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức trong năm 2020 ở một thời điểm thích hợp hơn”.

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là cộng đồng DN và người LĐ bị tác động nặng nề. Vì thế, các DN sẽ thực hiện tự kiểm tra là chính.

Theo bà Đặng Lệ Liên - Giám đốc Nhân sự Công ty Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh), trong điều kiện thực tế vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch, bản thân mỗi người LĐ cũng như chủ công ty đều ý thức tự bảo vệ chính mình và DN.

Bà Liên cho biết: “Qua hệ thống loa phát thanh nội bộ của công ty, chúng tôi tuyên truyền để nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng LĐ trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ là điều hết sức cần thiết. Bởi lẽ, mỗi người tự ý thức bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ mất ATVSLĐ đã góp phần lớn trong việc thực hiện vấn đề này ở trong DN. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài từ sau tết đến nay, việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân đã được DN và người LĐ thực hiện rất nghiêm túc”.

Trong tháng hành động, ngoài các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong công ty đã được duy trì lâu nay, đại diện Công đoàn Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (Duy Xuyên) đã đến thăm hỏi công nhân của công ty bị tai nạn LĐ gặp khó khăn trong cuộc sống. Số tiền hơn 33 triệu đồng đã được lãnh đạo công ty và toàn thể người LĐ đóng góp giúp đỡ cho công nhân bị tai nạn vượt qua khó khăn, hồi phục sức khỏe để được đi làm lại.

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn DN tập trung vào phần việc cụ thể gồm rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn LĐ và phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh LĐ đối với các máy móc, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, đặc biệt đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp...

Trong điều kiện của mỗi DN, có thể tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; thực hành sơ cấp cứu tai nạn LĐ. Hoặc có thể phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Ở những nơi có công nhân, người LĐ của đơn vị bị tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp cần tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình.

Nhiệm vụ xuyên suốt

Trong tháng hành động, các đơn vị như Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động sẽ thăm, tặng quà động viên một số gia đình có người bị tai nạn LĐ dẫn đến chết người, người bị tai nạn LĐ mất khả năng LĐ, người bị bệnh nghề nghiệp.

Người lao động tại Công ty Vast Apparel Việt Nam được khuyến cáo tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng các biện pháp làm việc an toàn. Ảnh: D.L
Người lao động tại Công ty Vast Apparel Việt Nam được khuyến cáo tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng các biện pháp làm việc an toàn. Ảnh: D.L

Các hoạt động chuyên đề khác như tư vấn, cử chuyên gia huấn luyện, hỗ trợ DN, người LĐ; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện LĐ; tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ thực thi Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ký cam kết thực hiện ATVSLĐ tại một số cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh... sẽ được tổ chức thường xuyên trong năm.

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật ATVSLĐ cũng như phát động lễ không diễn ra trong tháng hành động. Thay vào đó, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị, DN đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn LĐ, DN kiểm tra và lập biên bản đánh giá tình trạng an toàn của thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Mỗi đơn vị, DN trong quá trình hoạt động, sản xuất, nên cần thực hiện tự rà soát việc chấp hành các quy định, chế độ bảo hộ LĐ, quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát nguy cơ mất an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO