Lấy tình thương để giáo hóa

VÕ VĂN TRƯỜNG 15/05/2020 04:38

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam đứng chân trên địa bàn xã sông Trà, huyện Hiệp Đức. Đây là đơn vị đặc thù dễ thấy, bởi là nơi tiếp nhận quản lý, giáo dục người nghiện ma túy. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cơ sở tạm dừng tiếp nhận người nghiện mới, chỉ duy trì công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc y tế, dạy nghề… số trường hợp đã tiếp nhận. Đó là những thông tin ban đầu khi tôi trở lại cơ sở lần này.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam đã hợp đồng với một doanh nghiệp nhận gia công giày để học viên cải thiện cuộc sống và có một nghề vững vàng sau này hòa nhập cộng đồng. Ảnh: V.V.T
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam đã hợp đồng với một doanh nghiệp nhận gia công giày để học viên cải thiện cuộc sống và có một nghề vững vàng sau này hòa nhập cộng đồng. Ảnh: V.V.T

“Trường học” đặc biệt

Điều tôi hơi ngỡ ngàng là khi đi đến đâu cũng được gọi bằng thầy. Như hiểu thắc mắc của tôi, ông Ngô Tấn Minh - Phó Giám đốc cơ sở cho hay, từ giữa năm 2016 cơ sở đã áp dụng cách xưng hô khác là “em” - “thầy, cô” thay bằng cán bộ và gọi tên hay số hiệu như trước. Sự thay đổi này nhằm tạo sự gần gũi giữa học viên với cán bộ cơ sở, từ đó giúp cán bộ, nhân viên ở cơ sở dễ dàng hơn trong tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ với học viên.

Đầu tuần giao ban công việc, Ban Giám đốc luôn quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị phải thật sự lấy tình thương để giáo hóa học viên; phải lấy việc học viên cai nghiện thành công, trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân bình thường trong cuộc sống làm niềm vui của bản thân.

Theo chân ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc cơ sở, tôi đi quanh vòng và bắt gặp ở đâu cũng có khuôn viên cây xanh, vườn tăng gia, vườn rau tại các phân khu nơi ở, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi của học viên… trông rất bài bản, đẹp mắt.

Cùng với công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc y tế với các trường hợp cần sự can thiệp để cắt cơn, học viên cai nghiện tại cơ sở đều được tham gia lao động, sản xuất tại chỗ. Đây cũng là liệu pháp hữu hiệu cho cai nghiện.

Ông Trung chia sẻ, tiếp sau lớp học may, cơ sở đã hợp đồng với một doanh nghiệp tại TP.Hội An nhận gia công giày để học viên có việc làm, cải thiện cuộc sống và cũng để có một nghề vững vàng sau này hòa nhập cộng đồng.

Học viên U.N.H. (quê Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) cho biết, mới vào cơ sở được vài tháng nhưng đã cảm thấy mình cũng như các học viên khác, không hề bị phân biệt đối xử mà được các thầy ở cơ sở quan tâm, tạo nếp sinh hoạt, làm việc giờ giấc,… sức khỏe có nhiều cải thiện. U.N.H. kể, sa chân vào con đường ma túy bởi bản tính hiếu thắng, nông nổi, thiếu hiểu biết.

“Gia đình nghèo, sau khi nghỉ học em đã đi học lái xe rồi chạy xe, tiền bạc đôi lúc rủng rỉnh, thế là chúng bạn lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Chừ em sẽ quyết tâm cai nghiện để còn về quê làm ăn, ba mẹ không phải lo lắng” - U.N.H. chia sẻ.

Với học viên Ph.T.H. (quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình), câu chuyện đến với ma túy có khác hơn. Ph.T.H. cho biết, tất cả bởi chuyện tình duyên, khi vợ chia tay rồi mang cả đứa con nhỏ đi theo. Trong lúc buồn chán, bất cần đời, chỉ một phút yếu lòng không cưỡng được những lời rủ rê, thế là anh dính vào ma túy và con đường quay lại không hề đơn giản.

Tiếp nối chặng đường 40 năm

Được thành lập từ năm 1980, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam tiền thân là Đoàn 80. Học viên tại đây có hộ khẩu chủ yếu trên địa bàn tỉnh, chỉ số ít ngoài tỉnh là lao động di cư ở các bãi vàng vùng cao của tỉnh.

Từng là người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, gắn bó với cơ sở cai nghiện ma túy từ khi xuất ngũ đến ngày nghỉ hưu, ông Trần Quang Đông tâm sự: “Đã có một lớp người hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì những người lầm lỡ giữa vùng heo hút núi non này. Ngày mới vào đây, núi non hiểm trở, thậm chí cọp beo còn nhiều, có những học viên là đối tượng tiền án tiền sự. Đã có nhiều trường hợp học viên bỏ trốn và câu chuyện truy lùng đưa trở lại cơ sở rất gian khổ. Song làm việc gì cũng phải có cái tâm, ngoài trách nhiệm, nếu thiếu đi tình người, sự sẻ chia, đồng cảm,… sẽ không dễ đảm đương trọn vẹn công việc chẳng mấy dễ dàng này”.

Hay như ông Phạm Cung, chỉ còn thời gian ngắn nữa là nghỉ hưu nhưng vẫn đảm đương công việc hết sức trách nhiệm. Ông bảo, công việc này với ông như cái duyên, cái nghề nó chọn người vậy. Nếu nói vì thu nhập thì không thể gắn bó được.

Hiện Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam quản lý 110 học viên, hầu hết thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Từ ngày 1.1.2020, Nghị quyết số 18/2019 ngày 17.12.2019 của HĐND tỉnh về hỗ trợ người cai nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh có hiệu lực đã giúp thêm những điều kiện cho hoạt động của đơn vị.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam nói, tiếp nối truyền thống 40 năm đơn vị được thành lập và tiếp nối các thế hệ đi trước, tập thể đơn vị sẽ không ngừng phấn đấu, hoàn thành trách nhiệm được giao trong tình hình hiện nay. Để giúp đỡ học viên nhanh chóng thoát nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ, nhân viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam luôn thực hiện phương châm “Chân thành, đồng cảm, lắng nghe, thiếu hiểu, chia sẻ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấy tình thương để giáo hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO