Mầm xanh nơi đất lửa

QUỐC TUẤN 25/03/2020 09:29

Trên những vùng quê cách mạng, gian truân hoa lửa ngày nào đã thay bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui, bằng không khí hăng say lao động. Những vùng đất vẫn lưu giữ ký ức bi hùng nhưng cũng đang lặng lẽ chuyển mình từng ngày.  

Trên địa bàn xã Tam Quang hiện có 340 tàu khai thác hải sản với tổng công suất gần 100 nghìn CV. Ảnh: Q.T
Trên địa bàn xã Tam Quang hiện có 340 tàu khai thác hải sản với tổng công suất gần 100 nghìn CV. Ảnh: Q.T

Tam Quang ngày mới

Một ngày tháng ba nắng đẹp, những nẻo đường quê của Tam Quang (huyện Núi Thành) tràn trề sức sống. Chợ Tam Quang nằm cạnh bến đò An Hải Đông luôn dập dìu các chuyến phà giao thương với xã đảo Tam Hải phía bên kia con nước.

Anh Ngô Văn Sơn, một người dân trong thôn niềm nở: “Ở thôn bây giờ không chỉ bán buôn hải sản mà thứ chi cũng có từ văn phòng phẩm cho tới thiết bị công nghệ hiện đại, nên người dân cần thì hầu hết mua tại chỗ chứ hiếm khi ra thị trấn dù cách nhau có vài cây số”.

Chúng tôi vòng quanh mấy con hẻm bê tông, lướt qua một vài cửa hàng điện máy, điện thoại lại thêm hàng quán san sát nhau và chợt nhận ra Tam Quang đang ngày một thay áo mới quá đỗi nhanh chóng.

Chỉ chừng hai chục năm trước, Tam Quang cũng tựa như bao làng chài miệt biển quanh năm khốn khó. Đặc sản ở mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của đội du kích Vũ Hùng này chỉ là dải cát rát bỏng im lìm, là lùng nhùng dây rau muống biển cùng hanh hao nắng gió.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: “Nghề chính bao đời ở Tam Quang vẫn là ngư nghiệp. Gần đây nhiều ngư dân trong đó có bộ đội xuất ngũ đã mạnh dạn dùng tiền tích lũy, vay vốn đầu tư đóng phương tiện hiện đại để khai thác xa bờ đến ngư trường mới thay vì chỉ đánh bắt gần bờ như trước kia. Vì vậy kinh tế khấm khá hẳn”.

Toàn xã hiện có 340 tàu, thuyền khai thác trên biển với tổng công suất gần 100 nghìn CV, khai thác được gần 19 nghìn tấn hải sản trong năm 2019.

Ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông) là một tấm gương cho nỗ lực vượt khó vươn lên. Người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ nhưng rắn rỏi đậm chất miệt biển từ đôi bàn tay trắng đến nay đã phát triển được nhiều phương tiện công suất lớn tạo thêm cơ hội sinh kế cho hơn 50 lao động, phần lớn là thanh niên trẻ ở địa phương bám biển.

Nguyễn Thanh Vương - cũng là một trong số những thanh niên trẻ sau nhiều năm miệt mài lao động cùng ông Cảnh đã được tạo điều kiện để hùn vốn vào làm đồng chủ chiếc tàu hơn 800CV. Với anh Vương, nó như một bước ngoặt cuộc đời, như giấc mơ đã trở thành hiện thực.

Về thôn Sâm Linh Tây, “cái nôi” của đội du kích Vũ Hùng, các thế hệ đi sau vẫn từng ngày đùm bọc và đồng hành dù là ở một không gian, hoàn cảnh khác. Ông Trần Sen đã không nhớ được bao nhiêu lần mình cùng các anh em khác trong “Tổ đoàn kết số 4” ra khơi cùng nhau và í ới tương trợ tại chỗ rồi lai dắt tàu vào bờ khi gặp nạn giữa trùng khơi.

Với ông Sen, ông Sành, ông Chinh… điều tự hào nhất của họ chính là việc vẫn duy trì được nghề lưới vây đêm để khai thác cá nục đã thành truyền thống và đã có thể “sống khỏe” với nguồn thu nhập dư dả thay vì chật vật như mấy thập niên trước. Tất cả là nhờ việc mạnh dạn nâng cấp phương tiện, công nghệ khai thác.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, “Tổ đoàn kết số 4” hoạt động ổn định thời gian qua ở địa phương không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Sông Trà “xanh” những niềm tin

Những già làng ở thôn Trà Va (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) vẫn còn lưu giữ câu chuyện rằng, khi Bí thư Khu ủy V Võ Chí Công rời căn cứ Khu ủy để ra Trung ương nhận công tác, ông đã gửi gắm lại một cán bộ cách mạng ở địa phương nhiệm vụ quan trọng. Đó là vận động đồng bào ở một ngôi làng tại Phước Sơn chuyển xuống sống quanh khu căn cứ để đùm bọc nhau gầy dựng lại vùng đất này. Thời gian đi qua, đồng bào Ca Dong ở đây vẫn son sắt niềm tin với cách mạng và chăm chỉ lao động từng ngày để vượt lên gian khó.

Con đường dẫn vào căn cứ Khu ủy Khu V bây giờ thảm nhựa phẳng phiu và hai bên xanh tít tắp những rẫy keo. Cây keo đã giúp nhiều người dân trong làng thoát khỏi cảnh cơ cực.

Chỉ chừng chục năm trước thôi, vợ chồng anh Hồ Văn Din (43 tuổi) còn phải sinh hoạt trong ngôi nhà tạm bợ. Nhờ chí thú làm ăn, tích lũy, cứ mỗi héc ta keo 5 năm tuổi cho nguồn thu 50 - 70 triệu đồng/ha, nên giờ đây anh Din đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, có nhà cửa kiên cố khang trang và đứa con đầu của anh cũng đã vào đại học. Vợ chồng anh Din chủ động dừng ở hai người con để nuôi dạy cho tốt.

Ông Hồ Văn Duyên - Trưởng thôn Trà Va hào hứng chia sẻ, trên địa bàn thôn giờ không có trẻ con dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng trong khi các phong trào khuyến học, khuyến tài cũng rất được người dân hưởng ứng, quan tâm.  

Cũng là địa bàn tọa lạc căn cứ Khu ủy Khu V, cả thôn Trà Sơn có 257 hộ thì đã có tới 150 hộ có kinh tế khá trở lên. Ông Phạm Sỹ Hợp – Trưởng thôn Trà Sơn thông tin, thời gian qua ở Trà Sơn triển khai tốt phong trào “2 giữ”, nhờ đó kéo giảm tình trạng trộm cắp, hòa giải thành công 4 vụ việc liên quan đến phá hoại tài sản do mâu thuẫn cá nhân để giữ sự đoàn kết trong cộng đồng và tình cảm xóm làng.

Theo bà Đinh Thị Mai Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà, ngoài cây keo thì cây cao su cũng là một “cây sinh kế” giúp nhiều hộ dân cả người Kinh vẫn đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. “Ở đây người trồng cao su đại điền có, tiểu điền có. Có người vừa trồng cho công ty vừa có vườn trồng riêng nên đời sống có sự khởi sắc. Đó là tiền đề để tiếp tục xây chắc thế trận lòng dân ở quê xứ cách mạng này” - bà Hồng nói.

“Giữ lửa” đoàn kết ở Bồ Bồ

Điện Tiến (Điện Bàn) - nơi một thời “ra ngõ gặp cách mạng”. Dưới chân núi Bồ Bồ ngan ngát thông xanh, sau hơn 4 thập kỷ hòa bình bao thế hệ người dân ở đây giữ được nét chất phác, thuần hậu của người làng quê và lặng lẽ duy trì cho đời sau những tập tục văn hóa đặc sắc mà cha ông đã gầy dựng.

Các phần hội ở lễ hội tịch điền giúp người dân xã Điện Tiến thắt chặt tình cảm xóm giềng hơn. Ảnh: Q.T
Các phần hội ở lễ hội tịch điền giúp người dân xã Điện Tiến thắt chặt tình cảm xóm giềng hơn. Ảnh: Q.T

Ở thôn Châu Sơn 1, khi nhắc về câu chuyện chung sức mở đường, ai cũng tấm tắc khen ông Hồ Hữu Hùng, từng là một du kích địa phương trước năm 1975. Tháng 7.2017, khi có chủ trương mở rộng đường bê tông từ 3,5 lên 7,5m để tạo diện mạo khởi sắc cho nông thôn mới, ông Hùng đã tình nguyện hiến một phần đất, tháo dỡ hàng rào kiên cố mới tinh để việc làm đường thuận lợi. Nói về câu chuyện tiên phong của mình trong thôn, ông Hùng chỉ bày tỏ rằng ai cũng mong quê mình giàu đẹp hơn nên những chuyện như vậy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là điều tất yếu.  

Ông Hùng nhẩm tính, trong Tổ đoàn kết số 3 mà ông phụ trách có hơn 60 hộ dân nằm trong diện phải di dời tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc để phục vụ cho việc nâng cấp đường, trong số đó có 13 hộ làm tường rào kiên cố trị giá hàng chục triệu đồng. Qua quá trình vận động của ông Hùng, cũng có những ngày đắn đo, trăn trở suy tính vì đời sống người dân cũng chưa phải giàu có gì; nhưng rồi mọi người trong tổ đều tự giác tháo dỡ và hiến các phần đất này vì cái chung.

Ông Đỗ Diên - Chủ tịch UBND xã Điện Tiến cho biết, sự lan tỏa của các hành động vì cộng đồng đã giúp sức rất lớn cho việc giữ chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2019. Ngoài ra, Điện Tiến cũng được Bộ NN&PTNT khen thưởng xã tiêu biểu trong phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Ở nơi làng quê thuần nông này, người dân còn tự hào về lễ hội Tịch điền vốn được họ đồng lòng phục dựng trong 10 năm trở lại đây. Ngoài nghi thức lễ, sự kiện này còn như một “sân chơi làng” để nối sợi dây tình cảm khăng khít của giềng bậu xóm làng, để luôn nhắc nhở thế hệ con cháu luôn ghi tâm về nếp sinh hoạt “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Bên dòng sông Yên êm ả, nơi từng ghi dấu bao bà mẹ lặn lội, dò dẫm đưa bộ đội, du kích vượt sông trong đêm những mong ngày đất nước thống nhất giờ thoảng mùi hương lúa mới, rộn rã tiếng nông dân thu hoạch đậu phụng xen lẫn thanh âm chim chóc gọi bầy...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mầm xanh nơi đất lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO