Miền núi lo sạt lở, hạ du nhiều nơi ngập lụt

THÀNH CÔNG 09/10/2020 06:12

Mưa lớn từ ngày 6 đến chiều 8.10 tiếp tục gây ra sạt lở ở nhiều địa phương miền núi; trong khi đó, nhiều vùng ở hạ du bị ngập, mực nước các sông lên nhanh. Một số địa phương phải thực hiện sơ tán dân đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã ở Đại Lộc bị ngập lụt. Ảnh: L.T
Nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã ở Đại Lộc bị ngập lụt. Ảnh: L.T

Sạt lở nhiều nơi

Tại huyện Nam Trà My, lượng mưa ghi nhận được hơn 260mm. Mưa lớn làm tuyến đường về một số thôn thuộc các xã Trà Mai, Trà Cang, Trà Tập, Trà Linh và tuyến quốc lộ 40B đoạn từ địa phận xã Trà Mai đi Trà Don bị sạt lở.

Sáng 8.10, nhà ông Hồ Văn Hoành ở thôn 1 (xã Trà Vân) bị sạt lở, địa phương đã huy động lực lượng xung kích tháo dỡ nhà và di dời. Trường Mẫu giáo Họa My, Trường Tiểu học làng Ông Sinh (xã Trà Vân) cùng khu bếp ăn tập thể Trường THCS Trà Vân có nguy cơ bị sạt lở nếu mưa lớn vẫn tiếp diễn. Chính quyền địa phương đã sơ tán dân, học sinh, giáo viên các trường này, đồng thời thực hiện các biện pháp cảnh báo người dân ở vùng có nguy cơ.

Yêu cầu nhà máy thủy điện điều tiết nước đảm bảo an toàn

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa có văn bản đề nghị Công ty CP Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung chủ động tính toán, vận hành điều tiết để đảm bảo mực nước các hồ thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 không vượt quá giá trị mực nước đón lũ thấp nhất theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các chủ hồ thủy điện theo quy trình vận hành này được yêu cầu theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định. Đồng thời, phải thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du. Công ty CP Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung được yêu cầu vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đak Mi 4 để giảm lũ cho hạ du.

Vừa “gượng dậy” sau bão số 5, Tây Giang tiếp tục đối mặt với đợt mưa lớn. Những khu dân cư cũ vừa thu dọn sau bão số 5 lại tiếp tục được vận động đưa người, tài sản đi sơ tán, phòng tránh lũ quét lặp lại như làng Tà Vàng, A Hu (xã A Tiêng); 13 hộ có nguy cơ sạt lở bờ taluy dương, taluy âm thuộc thôn Ta Ri, A Ró (xã Lăng) được khẩn trương đưa đến nơi an toàn. Ngoài ra, chính quyền xã A Vương cũng kêu gọi bà con, huy động lực lượng giúp đỡ 6 hộ dân sinh sống gần khu vực cầu Hai Dòng thuộc thôn Xà Ơi di dời vật nuôi, vật dụng thiết yếu lên chỗ cao ráo đề phòng lũ quét.

Khu vực công trình Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan), nơi Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác của tỉnh vừa kiểm tra thực địa sau bão số 5 cũng có 6 hộ dân ở chân công trình tiếp tục được sơ tán. Nước lớn tràn vào khu bán trú học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan), nhà trường bố trí cho các em học sinh chuyển sang ở tạm tại dãy nhà học tập. Trong khi đó, các huyện Nam Giang, Đông Giang cũng đang phải tìm cách khắc phục hệ thống giao thông đang bị gián đoạn do sạt lở. Quốc lộ 14B bị chia cắt do sạt lở khiến đoàn dài xe ô tô nối đuôi nhau chờ ở thị trấn Thạnh Mỹ suốt nhiều giờ đồng hồ.

Ngập lụt chia cắt

Mưa lớn khiến ngập lụt cục bộ xuất hiện ở nhiều địa bàn. TP.Tam Kỳ tạm thời thoát cảnh nước tràn lên các tuyến giao thông nội thị, song ở nhiều địa phương khác, nước lũ dâng cao gây chia cắt giao thông nhiều điểm.

Tại Đại Lộc, sáng 8.10, nước lũ tràn qua tuyến đường ĐT609B tại khu vực cầu Ngọc và một số điểm trũng thấp qua xã Đại An, Đại Hòa… Vùng B Đại Lộc cũng bị chia cắt tạm thời do nước dâng lên khá nhanh. Nhiều đường nội thị tại thị trấn Ái Nghĩa lấp xấp nước bạc. Nghiêm trọng hơn, một số nơi nước ngập sâu hơn 1m như đoạn qua cầu Ba Khe chia cắt nhiều xã vùng A. Đồng thời cầu tạm trên tuyến ĐT609 ngập sâu khiến thôn Hà Tân, Tân Hà của xã Đại Lãnh tạm thời bị cô lập. Trưa 8.10, lũ trên sông Vu Gia đã đạt đỉnh, trên mức báo động 3 và bắt đầu xuống.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, địa phương đã sơ tán 34 hộ dân, bao gồm 32 hộ thuộc thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong) và 2 hộ thôn Ấp Bắc (xã Đại Minh). Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cũng chỉ đạo các ngành, xã chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp; yêu cầu lực lượng cứu hộ cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó.

Nhiều xã ở vùng trũng thấp của huyện Nông Sơn cũng chung tình trạng bị nước lụt bao vây, cô lập. Ghi nhận của chính quyền địa phương, có nhiều tuyến giao thông liên xã bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m như tại cầu Khe Sé (Quế Lâm), cầu Khe Le (Quế Trung), cầu Khe Rinh (Phước Ninh). Toàn bộ xã Phước Ninh bị chia cắt về giao thông do ngập nặng. Nước lụt tràn về nhiều thôn ở xã Quế Lâm, có đoạn ngập sâu đến hơn 2m. Mưa lớn cũng làm cho đất đá đổ tràn xuống mặt đường tại tuyến giao thông liên xã Quế Trung đi Ninh Phước, quốc lộ 14H đoạn qua thôn Trung An của xã Quế Trung…

Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, chỉ mới có hồ Đá Vách và Thạch Bàn chứa đầy nước, 4 hồ chứa trên 60% dung tích hữu ích, số còn lại đang tích dưới 50%. Hiện nay các hồ đang tích nước, ngoài ra có một số hồ vẫn chưa tích để đảm bảo an toàn hồ trong mùa mưa bão. Riêng các hồ đang thi công gồm Hóc Két, Hóc Bầu, Hố Lau, Đồng Nhơn, Hố Mây đều được tổ chức theo dõi an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miền núi lo sạt lở, hạ du nhiều nơi ngập lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO