Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

MỸ HẠNH 18/03/2020 13:55

Những ngày đầu tháng Ba, theo chân Hội LHPN huyện Nam Trà My, chúng tôi đến với lớp truyền nghề dệt thổ cẩm tại thôn 1, xã Trà Mai. Tại đây, rất đông các mẹ, các chị tập trung và sẵn lòng cùng nhau giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình.

Chị Hồ Thị Thu Tình - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1, cho biết người phụ nữ Ca Dong, Xê Đăng từ nhỏ đã biết dệt vì thấy bà mình, mẹ mình dệt thổ cẩm hàng ngày. Khi đàn ông đi làm rẫy, phụ nữ ngoài thời gian làm việc nhà, tranh thủ lúc rảnh rỗi để dệt thổ cẩm. Các công đoạn dệt thổ cẩm đều làm thủ công hoàn toàn nên đòi hỏi nghệ nhân phải có sự tinh tế trong quá trình dệt để có thể tạo ra những hoa văn, họa tiết trang trí đẹp mắt. Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào nơi đây có đủ loại kích cỡ tùy theo công dụng, làm váy áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con.

Bên khung cửi, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa - người được Hội LHPN huyện mời về truyền nghề cho hội viên phụ nữ thôn 1, chia sẻ: “Mình được 60 mùa rẫy thì cũng gần như bấy nhiêu năm mình gắn với nghề dệt thổ cẩm. Muốn dệt một sản phẩm thổ cẩm cần tỉ mỉ, chăm chỉ và phải thật khéo léo, tâm huyết với chính sản phẩm mình tạo ra”.

Từ năm 2017 đến nay, nhờ nguồn kinh phí của chương trình khuyến nông được UBND huyện phê duyệt, Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng mở 3 lớp dạy nghề, thu hút 91 học viên tham gia, với tổng kinh phí 221 triệu đồng.

Chị Võ Thị Man tham gia lớp học tại thôn 1, xã Trà Mai, chia sẻ: “Mẹ tôi biết dệt thổ cẩm, nhưng lâu rồi không làm vì không mấy khi dùng đến trang phục truyền thống. Bản thân tôi cũng chỉ nhìn mẹ làm nên không thành thạo lắm. Tham gia lớp học này, tôi muốn học lành nghề, trước là tự dệt đồ cho mình mặc trong những dịp lễ hội của làng, sau là có thêm thu nhập”.

Nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một. Những nghệ nhân giỏi của làng nghề đều lớn tuổi nên việc truyền nghề gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số người trẻ lại không tâm huyết với nghề vì sản phẩm không có đầu ra. Sau mỗi lớp truyền nghề, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa lại về với làng Tu Chân, thôn 4, xã Trà Cang để tiếp tục dệt thổ cẩm.

Nghệ nhân Kim Hoa chia sẻ: “Trước đây, người dân trong làng chủ yếu mặc thổ cẩm truyền thống, nên nghề này rất thịnh hành, nhà nào cũng có khung dệt. Thế nhưng, bây giờ các cháu nhỏ thích mặc trang phục hiện đại, nên đồ dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc chỉ được dùng vào các dịp lễ hội. Vì vậy, nghề đang dần mai một. Nhưng tôi vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm để ai có nhu cầu mua thì bán, hoặc giữ cho con cháu dùng dần. Mong muốn lớn nhất của tôi là được truyền nghề cho thế hệ trẻ để sau còn biết đến nghề truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, khi được mời tham gia dạy tại lớp đào tạo dệt thổ cẩm do huyện tổ chức, tôi cố gắng sắp xếp công việc nhà để tham gia”.

Ngay từ khi triển khai, Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030” nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, hiện số nghệ nhân giỏi và tâm huyết với nghề rất ít, thậm chí có nguy cơ mai một. Gần đây, địa phương thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng và được nhiều du khách biết đến. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân học nghề, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch để tạo điều kiện cho bà con làng nghề có thể tiêu thụ sản phẩm”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO