Phòng chống xâm hại trẻ em

XUÂN HIỀN 21/10/2020 14:18

Tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại Quảng Nam, việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, hướng dẫn, hỗ trợ gia đình có trẻ em bị xâm hại hoặc bạo hành vẫn chưa được triển khai kịp thời…

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc. Ảnh: T.Đ
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc. Ảnh: T.Đ
 Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục. Theo đó, xâm hại tình dục thường để lại các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng. Do vậy, hệ thống y tế có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu các hệ quả này.

Báo động

Số liệu từ Bộ Y tế cho biết, mỗi năm cả nước có hơn 1.200 trẻ em báo cáo bị xâm hại tình dục (XHTD). XHTD đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (từ 2013 - 2018), tòa tiếp nhận 8.254 vụ XHTD trẻ em.

Tại Quảng Nam, bác sĩ Trần Dương Thuận – Trung tâm Pháp y tỉnh cho biết, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục từ năm 2013 – 2017 là 18,2%, trong đó trẻ em nam nhiều hơn nữ, ở nhóm tuổi từ 13 – 16 tuổi và thường sống ở thành thị. Trong nghiên cứu của mình về tình hình XHTD ở trẻ em và những yếu tố liên quan giai đoạn 2013 – 2017, bác sĩ Trần Dương Thuận cho biết, đối tượng gây XHTD trẻ em tập trung khá lớn vào những người thân quen, hàng xóm, người lạ. Nhiều người tại Quảng Nam vẫn còn ám ảnh một số vụ XHTD trẻ em, như vụ một giáo viên ở miền núi có hành vi dâm ô, hiếp dâm 3 học sinh của trường; vụ cha dượng nhiều lần hiếp dâm con riêng của vợ… Những tổn thương nặng nề về cơ thể và sang chấn tinh thần ảnh hưởng, tác động khá tiêu cực đến cuộc sống sau này của nhiều em.

 
 Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho rằng, nếu việc XHTD không giải quyết được thì những đứa trẻ bị xâm hại có nguy cơ trở thành tội phạm. “Khó khăn nhất là khi trẻ gặp tình trạng bạo hành, XHTD thì rất ít em chịu khai báo. Thực trạng XHTD trẻ em trong nhiều năm gần đây gia tăng, không chỉ ở các vùng đô thị mà ngay tại nông thôn, vùng núi cũng đáng báo động” – bác sĩ Nguyễn Đình Thoại nói.

Tăng cường chăm sóc, hỗ trợ

Theo bác sĩ Trần Dương Thuận, thời gian tới cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, kết hợp giữa nhà trường và gia đình giáo dục ý thức tự bảo vệ mình cho trẻ em; tăng mức khung hình phạt đối với các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em để răn đe, giáo dục và cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, vấn nạn XHTD trẻ em đang ở giai đoạn cần báo động. Theo ông Văn, trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. “Trong năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành 2 quyết định liên quan đến việc chăm sóc bảo vệ trẻ em, bao gồm “Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị XHTD” và Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020 - 2025”. Hệ thống y tế có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu các hệ quả này. Bên cạnh đó, việc được thăm khám kịp thời và đầy đủ còn giúp tăng khả năng thu thập chứng cứ pháp lý, giúp đem lại công lý cho người bị XHTD và gia đình họ, dự phòng tác hại cho xã hội” – ông Nguyễn Văn Văn nói.

Đại diện Sở LĐTB&XH cho rằng, Quảng Nam đang rất cần các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các điểm tư vấn tại cộng đồng và tại các điểm trường học. Việc thực hiện tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em trong trường học được thực hiện từ nhiều năm. Đại diện ngành giáo dục cho biết, để phòng chống XHTD trẻ em cần có phương pháp ngăn ngừa ngay trong trường học, đồng thời nên có tài liệu về phương pháp ứng xử khi phát hiện trẻ bị XHTD để trẻ không bị hoảng loạn và giúp các trường học tìm được phương pháp thích hợp.

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản hướng dẫn chăm sóc cho người bị XHTD theo 5 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: ưu tiên trước hết vào các vấn đề sức khỏe của người bị hại; thu thập bằng chứng pháp y; bảo mật thông tin cho người bị hại; tôn trọng quyền của người bị XHTD; cung cấp các dịch vụ dựa trên nhu cầu của người bệnh. Bên cạnh các quy định chung về cơ sở vật chất do ngành y tế quy định, cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ cho người bị XHTD cần đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin; môi trường thân thiện, không phán xét, không đổ lỗi. "Cố gắng bố trí cán bộ y tế thăm khám là người cùng giới với trẻ. Trong trường hợp là trẻ em gái, cán bộ y tế phải là nữ. Tạo môi trường riêng tư, kín đáo, an toàn. Lưu ý khi quyết định những người cần có mặt trong lúc hỏi bệnh và khám cho người bị xâm hại (rất có thể nghi phạm chính là một người thân trong gia đình trẻ)” - hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống xâm hại trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO