Phụ nữ góp sâm gây quỹ

MỸ HẠNH 11/03/2020 11:17

Hiện nay, đồng bào Xê Đăng sống quanh chân núi Ngọc Linh (Nam Trà My) không còn xa lạ với việc trồng cây sâm Ngọc Linh và xem đây là cây chủ lực để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.  

Hội viên phụ nữ tổ 2 gieo ươm lại vườn sâm của tổ. Ảnh: M.H
Hội viên phụ nữ tổ 2 gieo ươm lại vườn sâm của tổ. Ảnh: M.H

Tổ 2 (Chi hội phụ nữ 3, Hội LHPN xã Trà Linh) do chị Hồ Thị Hiền làm tổ trưởng đã phát động và duy trì tốt phong trào “Góp sâm gây quỹ” nhằm hỗ trợ kịp thời những chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Hồ Thị Hiền - Tổ trưởng tổ 2 chia sẻ: “Với 31 hội viên phụ nữ, chị em nhất trí gây quỹ tiết kiệm bằng hình thức mỗi hội viên tự nguyện đóng góp từ 2 đến 3 cây sâm Ngọc Linh tùy theo điều kiện của từng gia đình. Ban đầu tổ thu được 38 cây từ 3 tuổi trở lên. Nhờ tận dụng lấy hạt giống để ươm cây, chị em thay phiên nhau chăm sóc, bảo quản giống cây trồng, đến nay vườn sâm của tổ đã tăng lên hơn 300 cây. Vườn sâm này được bán 2 năm một lần, số tiền thu về được đưa vào quỹ của tổ để chi các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các chị em có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật”.

Xác định phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ 2 luôn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức thiết thực. Qua đó, đã giúp cho hội viên vươn lên trong cuộc sống và khẳng định được vị trí và vai trò của hội trong thực hiện các phong trào ở địa phương. “Hầu hết gia đình hội viên phụ nữ tổ 2 đều có vườn sâm Ngọc Linh, các hộ đều thành lập tổ, nhóm để trồng sâm, bảo quản tại các điểm chốt. Chị em cùng nhau chia sẻ, trao đổi cách trồng, chăm sóc cây sâm dưới tán rừng, nhất là việc bảo vệ hệ sinh thái môi trường rừng, giúp cây sâm phát triển tốt được chị em tuân thủ, chấp hành. Nhờ đó, việc trồng sâm đã giúp cho nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định” - ông Hồ Vũ Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh cho biết.

Phong trào của hội phụ nữ ở Trà Linh thu hút nhiều chị em tham gia, nhiều phụ nữ chủ động, tự lực trong việc trồng sâm Ngọc Linh và buôn bán, chăn nuôi… để phát triển kinh tế gia đình; tích cực thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, nhờ đó hoạt động của hội ngày càng hiệu quả. Không chỉ cùng nhau trồng sâm phát triển kinh tế gia đình, người dân xã Trà Linh còn hình thành văn hóa tặng gốc sâm cho trẻ như một cách định hướng cho trẻ để dành một số vốn làm ăn khi trưởng thành. Cứ mỗi đứa trẻ sinh ra trong làng, khi đến sinh nhật thì sẽ được tặng quà mừng là những gốc sâm tốt nhất, sau đó sẽ được cha mẹ dắt lên rẫy tự tay trồng. Đây cũng là cách để trẻ ý thức được sâm Ngọc Linh quan trọng với đồng bào mình như thế nào, từ đó chăm lo phát triển sâm Ngọc Linh ngày càng tốt hơn.

Ông Hồ Vũ Tuấn cho biết thêm, Đảng ủy xã phát động mô hình trồng sâm Ngọc Linh gây quỹ hoạt động từ năm 2013, đến nay đã gần 7 năm. Theo đó, các chi bộ, chi hội, các tổ phụ nữ đều được vận động thành lập một chốt sâm, chăm sóc và phát triển, từ đó lấy nguồn lợi làm kinh phí hoạt động, giúp các thành viên trong tổ chức hội phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phụ nữ góp sâm gây quỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO